Không tiêu huỷ gia cầm giống trong vùng dịch

  •  
  • 126

Kiểm tra lâm sàng xem gia cầm có nhiễm virus H5N1 hay không

Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm vừa ra văn bản hướng dẫn: Các cơ sở chăn nuôi giống trong vùng có dịch không phải tiêu huỷ đàn gia cầm nếu làm tốt công tác an toàn sinh học, có kết quả xét nghiệm âm tính với virus cúm gia cầm

Tương tự, các cơ sở chăn nuôi tập trung cách biệt khu dân cũng không phải tiêu huỷ đàn gia cầm nếu cho kết quả xét nghiệm âm tính với H5.

Tiêu hủy toàn bộ gia cầm trong xã có 50% thôn phát dịch

Theo Văn bản hướng dẫn 3083 ngày 25/11 của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) về một số biện pháp cấp bách xử lý các ổ dịch cúm (H5N1) ở gia cầm, thì khi gia cầm có hiện tượng ốm chết, nghi mắc bệnh, Thú y cơ sở phải tiến hành lấy mẫu gửi Trạm thú y cấp huyện để chuyển đi xét nghiệm ngay, đồng thời tiến hành tiêu huỷ ngay toàn bộ đàn gia cầm tại điểm dịch.

Khoanh vùng dịch

Các địa phương có ổ dịch cần tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường toàn bộ vùng dịch và trong vòng bán kính 3 km từ chu vi ổ dịch; phun thuốc khử trùng các phương tiện ra vào khu vực có dịch; tiêm phòng bao vây toàn bộ gia cầm trong vùng đệm bán kính 5 km tính từ chu vi ổ dịch (nếu vùng đó chưa được tiêm phòng);

Song song đó, cấm vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra vào nơi có dịch và vùng cách ly bán kính 3 km kể từ vùng đang có dịch và lập chốt kiểm dịch ở các đường giao thông chính ra vào vùng có dịch, cử tổ trực dịch 24/24 giờ; lập bảng cảnh báo vùng đang có dịch.

Đối với địa bàn thôn, bản, ấp, nếu dịch xảy ra ở một hộ, phải tiêu hủy toàn bộ gia cầm tại hộ đó; tiêu huỷ gia cầm ở các hộ xung quanh nếu nuôi thả rông; điểm dịch xảy ra từ hai hộ trở lên nhưng nằm rải rác trong thôn, bản, ấp thì tiêu huỷ toàn bộ gia cầm thôn, bản, ấp đó.

Địa bàn xã nếu có trên 50% các thôn, bản, ấp có dịch (thôn, bản, ấp có dịch được hiểu là có 1 điểm dịch trở lên) thì tiêu huỷ toàn bộ gia cầm trong xã đó.

Đối với các trang trại, cơ sở chăn nuôi tập trung nếu bị dịch đều phải tiêu huỷ hoàn toàn gia cầm trong trang trại đó.

Trường hợp các vườn chim tự nhiên, chủ vườn chim cần nhanh chóng phát hiện kịp thời chim ốm và chết để xử lý như chôn hoặc đốt; đồng thời lấy mẫu gửi tới phòng xét nghiệm của Trung tâm chẩn đoán Thú y TW, Trung tâm Thú y vùng TP.HCM và Viện Thú y.

Chủ vườn phải tiến hành tiêu độc khử trùng bằng vôi, hoá chất như formol 2-5% một tuần một lần; nghiêm cấm khách tham quan ra vào vườn chim và chăn thả gia cầm gần các vườn chim. Báo cáo cho Chi cục Thú y để phối hợp giám sát dịch bệnh.

Giám đốc vườn thú, công viên phải thực hiện cách ly gia cầm, chim cảnh ra khỏi các loại thú khác; tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi bằng vôi, hoá chất như Benkozid, Virkon... và phát hiện kịp thời gia cầm bị ốm chết cũng như tạm thời không cho khách tham quan du lịch đến khu vực nuôi gia cầm, chim cảnh.

Hai cách tiêu hủy

Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) đã đưa ra 2 phương pháp tiêu huỷ gia cầm, chim cảnh, đó là:

- Chôn gia cầm:

Dùng bao nylon lớn hoặc bao tải dứa cho gia cầm vào, cột chặt miệng bao, phun thuốc sát trùng chở đến nơi tiêu hủy.

Đào hố chôn sâu 2,5-3 m, chiều dài và chiều rộng tùy theo số lượng đàn gia cầm cần tiêu hủy; trải một lớp nylon trên toàn bộ bề mặt đáy và thành hố, đổ xác gia cầm xuống. Trước khi đổ, dùng dao rạch cho rách bao chứa gia cầm để dễ phân huỷ. Phun thuốc sát trùng hoặc đổ vôi bột lên bề mặt lớp gia cầm và lên đất; khoảng cách từ mặt trên lớp gia cầm đến mặt đất tối thiểu 1-1,5m, nện đất trên bề mặt thật chặt.

- Đốt gia cầm:

Đốt xác gia cầm dưới hố bằng củi, than, xăng, dầu, sau đó lấp đất lại nện chặt như cách chôn. Có thể đốt gia cầm bằng các lò đốt chuyên dụng.

Địa điểm chôn gia cầm phải được chọn ở nơi xa khu dân cư, trường học, bệnh viện, chợ, đường giao thông và nguồn nước sinh hoạt.

Song song đó cần tíên hành đốt, chôn chất thải (phân, rác... ). Đối với vật liệu rẻ tiền bị ô nhiễm thì nên đốt. Các dụng cụ chăn nuôi khác, nếu không thể đốt thì phun thuốc sát trùng như Cresyl 5%, xút 2-3%, Formol 3%, lên toàn bộ bề mặt nền chuồng, sàn, bãi, tường, máng ăn, máng uống, trần, mái chuồng nuôi. Thuốc sát trùng phải được phun ướt toàn bộ bề mặt vật được sát trùng, khoảng 80-120ml/m2 diện tích và phun theo chiều từ cao xuống thấp.

Sau 24 giờ, dùng nước rửa sạch nền và vật dụng, để khô và sát trùng lại lần thứ hai. Trước khi có công bố hết dịch, toàn bộ khu vực chăn nuôi phải được tiêu độc khử trùng lần cuối. Nước rửa chuồng tập trung lại một chỗ, khử trùng trước khi thải ra ngoài bằng cách cho vôi vào để đạt nồng độ 10%.

Khu vực xung quanh chuồng nuôi phải được phát quang, thu gom dụng cụ, vật liệu phế thải để tiêu hủy, sau đó phun thuốc sát trùng như trên.

Hà Yên

Theo Vietnamnet
  • 126