Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà “tổn thương” vì biến đổi khí hậu

  •  
  • 767

Kịch bản biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường dự báo cuối thế kỷ này, mực nước biển khu vực Hải Phòng, Cát Bà có thể dâng cao 65 – 100cm, nhiệt độ nước biển tầng mặt lên đến 1,6 – 3,5 độ C. Nếu kịch bản này đúng thì hệ quả gây hại Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà là rất lớn.

Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia Trung tâm Bảo tồn Sinh vật Biển và Phát triển Cộng đồng, trong vòng 50 năm, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã làm thay đổi diện mạo, địa chất vùng ven biển Cát Bà. Chỉ tính riêng mực nước biển đo được tại Trạm Hải văn Hòn Dấu (Đồ Sơn, Hải Phòng) đã dâng lên khoảng 20cm. Ảnh hưởng của nước biển dâng làm gia tăng xói lở đường biển, bão lụt, gây ra thiệt hại và rủi ro đến đời sống người dân và nguồn lợi vùng ven biển.

Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà “tổn thương” vì biến đổi khí hậu
Một góc Cát Bà. (Ảnh: Duy Lân/Báo Hải Phòng)

Nhóm chuyên gia của Trung tâm này cũng đưa ra kết quả khá giật mình: Xói lở làm ảnh hưởng tới 16,1km trên tổng số 125km đường biển tại Hải Phòng và xói sạt diễn biến phức tạp tại khu vực đảo Cát Bà (Phù Long, Đình Vũ) và Cát Hải. Các hiện tượng thời tiết cực đoan (mưa ít hơn, số ngày nóng lên nhiều hơn,…) và tai biến môi trường (lốc xoáy, bão mạnh di chuyển thất thường…) xảy ra với cường độ cao hơn. Rõ ràng, BĐKH đang tác động mạnh mẽ tới Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà nói riêng và Hải Phòng nói chung.

Theo ông Mark Hawkes, chuyên gia tại Khu dữ trự sinh quyển Cát Bà, để giúp Cát Bà giảm thiểu tác động từ biến đổi khí hậu, các ngành chức năng cần sớm có giải pháp giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng, giảm khí CO2 và tăng cường sử dụng các thiết bị tiết kiệm chi phí nhiên liệu như xe điện, hoặc phát triển các trang trại dùng khí biogas.

Cùng quan điểm với ông Mark Hawkes, nhiều chuyên gia môi trường cho rằng, Cát Bà cần xây dựng những kế hoạch cụ thể, lồng ghép phát triển sinh kế với các biện pháp ứng phó BĐKH, cân đối giữa phát triển và bảo tồn; áp dụng cơ chế chi trả dịch vụ môi trường cho các hệ sinh thái biển, nhằm nhanh chóng giảm thiểu khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính, giảm phát thải ô nhiễm từ các hoạt động du lịch quanh đảo ra môi trường biển; tăng cường giáo dục cộng đồng với các bên liên quan (du khách, ngư dân, nhà quản lý) đưa họ vào các hoạt động cụ thể, nhằm chống lại những ảnh hưởng tiêu cực của BĐKH lên nguồn lợi biển…

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, những chiến lược thích ứng của Hải Phòng nói chung và Cát Bà nói riêng cần phải mềm dẻo, lâu dài.

Hy vọng, với ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân yêu biển và sự nỗ lực của các cấp, các ngành sẽ giúp cộng đồng cư dân ven biển Hải Phòng nói chung, Cát Bà nói riêng nâng cao hơn nữa kiến thức và năng lực về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên biển, bảo đảm hài hòa giữa phát triển và bảo tồn.

Theo Thiennhien
  • 767