Kính James Webb chia sẻ góc nhìn đáng kinh ngạc của "cột sáng thế"

  •   52
  • 4.040

Kính viễn vọng James Webb vừa chia sẻ góc nhìn mới của "Cột sáng thế" (Pillars of Creation), một trong những bức ảnh vũ trụ nổi tiếng.

Trong bức ảnh được chia sẻ ngày 30/11, kính viễn vọng James Webb đã chụp "Cột sáng thế" (Pillars of Creation). Đây là một trong những bức ảnh nổi tiếng của kính Hubble, với màu sắc và chiều sâu được cải thiện nhờ loạt thiết bị hiện đại của kính viễn vọng trị giá 10 tỷ USD.

Hình ảnh "Cột sáng thế" mới nhất chụp bởi kính viễn vọng James Webb.
Hình ảnh "Cột sáng thế" mới nhất chụp bởi kính viễn vọng James Webb. (Ảnh: NASA).

"Cột sáng thế" là những đám mây khí hydro và bụi lạnh dày đặc trong Tinh vân Đại bàng (Eagle Nebula) thuộc chòm sao Serpens, cách Trái Đất khoảng 6.500 năm ánh sáng. Khu vực này được đặt tên "sáng thế" bởi những đám mây khí vẫn trong quá trình hình thành sao mới. Một số người còn so sánh hình ảnh này khá giống bàn tay người.

Hình ảnh "Cột sáng thế" của James Webb có nhiều màu sắc khác nhau, tượng trưng cho các khu vực của Tinh vân Đại bàng. Bức ảnh kết hợp dữ liệu từ camera hồng ngoại gần (NIRCam) và camera hồng ngoại tầm trung (MIRI).

Mỗi màu sắc trong bức ảnh ứng với bước sóng hồng ngoại được ghi nhận bởi James Webb, chi tiết mà mắt người không thể nhìn thấy.

Theo Inverse, màu cam thể hiện vùng bụi phân tán trong không gian, là nơi hình thành những ngôi sao mới. Chúng tập trung vào cột lớn nhất, lệch về bên phải. Dữ liệu này chỉ được ghi nhận bởi MIRI.

Trong khi đó, dữ liệu của NIRCam cho thấy sự phân bổ các ngôi sao xung quanh cột và trong tinh vân. Kết hợp 2 hình ảnh, người xem có thể thấy chi tiết các ngôi sao và khu vực đang hình thành sao mới.

"Ước tính những ngôi sao này chỉ khoảng vài trăm nghìn năm tuổi, và sẽ tiếp tục hình thành trong hàng triệu năm tới", đoạn mô tả hình ảnh trên thư viện James Webb ghi nhận.

Trước đó vào tháng 10, cộng tác viên của James Webb, nhà vật lý thiên văn Rogier Windhorst đã chia sẻ 2 hình ảnh riêng biệt của "Cột sáng thế" khi chụp bởi MIRI và NIRCam. Theo Windhorst, bức xạ của các ngôi sao già đã góp phần định hình mây khí thành những cây cột.

 "Cột sáng thế" chụp bởi camera MIRI (trái) và NIRCam của James Webb.
"Cột sáng thế" chụp bởi camera MIRI (trái) và NIRCam của James Webb. (Ảnh: NASA).

"Chúng nặng và hình thành sớm hơn Mặt Trời. Chính những bức xạ cực tím màu xanh trong hàng triệu năm đã tạo nên hình dáng những cây cột này", Windhorst chia sẻ.

"Cột sáng thế" lần đầu thu hút sự chú ý vào năm 1995 nhờ hình ảnh gửi về từ kính viễn vọng Hubble. Đây được xem là một trong những bức ảnh vũ trụ ấn tượng nhất. Đến năm nay, hình ảnh từ James Webb đã cho người xem những góc nhìn hoàn toàn mới về khu vực này.

James Webb được phóng vào tháng 12/2021, hoạt động chính thức từ tháng 7 năm nay sau khi hiệu chỉnh. Đây là bản kế nhiệm của kính viễn vọng Hubble, dùng để phát hiện các ngôi sao, thiên hà cổ đại, phục vụ tìm hiểu lịch sử hình thành của vũ trụ. Những công cụ hiện đại giúp James Webb thu thập nhiều chi tiết hơn so với Hubble.

Cập nhật: 23/07/2024 Zing
  • 52
  • 4.040