Như chúng ta đã biết, không gian là vùng chân không không có không khí. Bởi vậy về mặt lý thuyết, bạn không thể ngửi thấy bất cứ thứ gì trong không gian. Thế nhưng, việc có chứa đầy đủ các loại phân tử sẽ tạo cho vùng không gian này những đặc điểm thú vị.
Từ lâu, các nhà du hành vũ trụ sau những chuyến đi của mình thường nhắc đến một thứ mùi thơm đặc biệt xuất hiện bên ngoài không gian bao la.
Họ không thể ngửi thấy nó khi đang thực hiện chuyến bay bởi vì thiết kế của bộ trang phục dành cho phi hành gia khiến họ chỉ thấy mùi như mùi nhựa. Tuy nhiên, khi bước vào trạm không gian và bỏ mũ bảo hộ ra, họ ngay lập tức nhận thấy một luồng hơi mạnh, đặc biệt. Nó bám vào trang phục, mũ bảo hộ, găng tay và cả các dụng cụ khác.
Theo Lifehacker, nhóm phi hành gia từ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) từng mô tả không gian có mùi giống "thuốc súng, bít tết cháy, quả mâm xôi và rượu rum". Năm 2020, nhóm phi hành gia này đã tham gia sáng tạo dòng nước hoa mùi vũ trụ có tên Eau de Space.
"Một cảm giác "kim loại" khá dễ chịu, giống như khói hàn xì có mùi ngọt ngào", "mùi kim loại cháy", "mùi chát đặc biệt của ozone", "quả óc chó và má phanh", "thuốc súng", "bánh quy hạnh nhân bị cháy" là những mùi hương được các phi hành gia mô tả với Học viện Khoa học Australia (AAS) trong lúc di chuyển ngoài không gian.
Nói với Live Science, kỹ sư kiêm nhà khoa học Don Pettit từ NASA mô tả không gian có mùi khá giống kim loại.
Không gian có mùi giống "thuốc súng, bít tết cháy, quả mâm xôi và rượu rum". (Ảnh: NASA)
Ngoài ra, Steven Pearce, chuyên gia hóa học của NASA đồng thời là người chịu trách nhiệm tái tạo mùi không gian để giúp các nhà du hành vũ trụ làm quen trước khi thực hiện nhiệm vụ của mình cũng cho biết, mùi kim loại trong đó còn có thể là do sự chuyển động thải ra năng lượng cao của các ion.
“Tôi chưa từng ngửi thấy mùi nào giống như thế trước đây, nó mang lại ấn tượng rất khó quên”, phi hành gia Kevin Ford của NASA từng phát biểu sau chuyến đi năm 2009. “Thật khó để mô tả loại mùi này. Trong mớ hỗn độn ấy tôi chỉ thấy rõ nhất là mùi như kim loại. Nó làm tôi nhớ lại những ngày tháng mùa hè khi còn đang học ở trường cao đẳng, phải lao động nhiều giờ với ngọn lửa hàn để sửa chữa các loại thiết bị. Không thể ngờ rằng mùi khói hàn ngày ấy lại giống như mùi của không gian”, Don Pettit, một nhà du hành khác nói thêm.
Hiện chưa có kết luận cụ thể về nguyên nhân phi hành gia ngửi được mùi khi bay vào vũ trụ. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nó liên quan đến "các phản ứng hóa học xảy ra khi tàu vũ trụ tái tạo áp suất", theo AAS.
Cụ thể, các chuyên gia phỏng đoán mùi hương đến từ nguyên tử oxy trong các bộ đồ phi hành gia. Khi tàu vũ trụ tái tạo áp suất, các nguyên tử này va chạm với phân tử oxy, trở thành ozone và bốc mùi.
Bên cạnh giả thuyết trên, các nhà nghiên cứu cho rằng sự va chạm giữa các phân tử trong không gian với oxy cũng góp phần tạo ra mùi hương mà phi hành gia ngửi được.
"Mùi hương trong không gian giống như sản phẩm của rung động năng lượng cao trong các hạt được mang trở lại (vào bộ đồ bảo hộ), trộn với không khí", một nhà nghiên cứu chia sẻ với The Atlantic năm 2012.
Những nơi khác có mùi ra sao?
Mặt trăng Titan của Sao Thổ rất giàu hydrocarbon và có mùi dầu mỏ. (Ảnh: NASA/JPL).
Chúng ta nói tới các hành tinh. Vậy trên những hành tinh này, mùi của không khí sẽ ra sao? Theo Space, một trong những nơi có bầu không khí lưu giữ mùi hương dễ nhận biết nhất trong Hệ Mặt trời của chúng ta là Titan - mặt trăng lớn nhất của sao Thổ.
Do trên hành tinh này chứa một lớp sương mù hydrocarbon dày đặc, nên nitơ, metan và benzen được hình thành khá nhiều. Những khí này khi kết hợp với nhau sẽ tạo mùi hắc tựa dầu mỏ, pha lẫn với xăng.
Trong khi đó, Nhân Mã B2 - một đám mây phân tử khổng lồ cách trung tâm Dải Ngân hà chưa đầy 400 năm ánh sáng - lại có những mùi thơm thú vị. Theo các nhà khoa học, khoảng không gian này chứa nhiều methanol và ethanol, nên rất có thể nơi đây sẽ có mùi tựa như cồn, rượu.
Không chỉ vậy, các phân tử ethyl formate tồn tại ở chòm Nhân Mã B2 cũng là chất hóa học mang lại hương thơm ngọt ngào cho quả mâm xôi và rượu rum.