Những tin đồn về loài thằn lằn bí ẩn có chiều dài thân tới 1,8 m đã xuất hiện tại Philippines từ hàng trăm năm trước, song mãi tới gần đây các nhà khoa học phương Tây mới tìm thấy chúng.
|
Kỳ đà Varanus bitatawa có nhiều đốm vàng trên da và chiều dài thân lên tới 1,8 m. Ảnh: Times Online. |
Loài kỳ đà này được phát hiện trên đảo Luzon của Philippines và có tên khoa học là
Varanus bitatawa. Theo Livescience, kết quả phân tích ADN cho thấy chúng có quan hệ gần gũi với rồng Komodo - loài thằn lằn lớn nhất hành tinh. Da của
Varanus bitatawa được trang điểm bởi nhiều vết đốm màu vàng. Chúng sở hữu những chiếc vuốt cong và lớn để phục vụ hoạt động leo trèo trên cây. Đây là một trong ba loài kỳ đà ăn trái cây trên thế giới.
Livescience khẳng định trong vài thập kỷ gần đây việc phát hiện những loài động vật có xương sống mới là sự kiện cực hiếm. Các nhà khoa học chưa hiểu tại sao họ không hề biết sự tồn tại của những con kỳ đà
Varanus bitatawa to lớn dù chúng sống trên một hòn đảo khá đông dân.
"Những con kỳ đà to lớn, có màu sắc sặc sỡ và rất dễ bị phát hiện đã tránh được sự chú ý của các nhà sinh học trong suốt 150 năm qua", Rafe Brown, một nhà nghiên cứu động vật bò sát của Đại học Kansas tại Mỹ, phát biểu.
Mặc dù vậy, người dân trên đảo Luzon đã biết những con kỳ đà
Varanus bitatawa từ lâu. Chúng có vẻ nhát và không thích vượt qua những khu vực trống trải.
"Giới khoa học bối rối vì đây không phải là một loài động vật mới thực sự. Nó chỉ mới đối với chúng tôi, những nhà khoa học phương Tây. Trên thực tế những người dân bản xứ đã biết chúng từ nhiều thế hệ trước", Brown bình luận.
Brown cùng các cộng sự và một nhóm chuyên gia khác bắt đầu tìm kiếm kỳ đà khổng lồ từ năm 2005 sau khi nghe tin đồn về chúng từ những thổ dân thuộc bộ lạc Agta và Ilongot trên đảo. Họ lên các quả núi cùng khoảng 20 thổ dân với đầy đủ dụng cụ săn bắt kỳ đà. Nhưng mãi gần đây họ mới tìm thấy những con kỳ đà
Varanus bitatawa trưởng thành.
Các nhà khoa học khẳng định
Varanus bitatawa có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của rừng bởi chúng giúp phát tán hạt. Nếu con người bảo vệ được sinh cảnh sống của chúng, hàng nghìn loài động vật và thực vật khác cũng sẽ được bảo vệ. Brown nói loài kỳ đà khổng lồ này nên được ưu tiên bảo vệ với tư cách là "kho báu quốc gia" của Philippines.
Phát hiện của Brown và các cộng sự được đăng trên tạp chí
Biology Letters.