Khu vực châu Á-Thái Bình Dương sắp đối mặt với một giai đoạn mà các thảm họa thiên nhiên quy mô lớn có thể lấy mạng hàng triệu người trong nháy mắt. Indonesia, Philippines và Trung Quốc là những nước dễ bị thiên tai tấn công nhất.
|
Cảnh tan hoang của đảo Sumatra của Indonesia sau thảm họa sóng thần năm 2004. Ảnh: AP. |
Một báo cáo khoa học của Australia khẳng định tác động của các thảm họa tự nhiên như động đất và sóng thần trong những năm tới có thể tăng gấp bội do tình trạng gia tăng dân số và thay đổi khí hậu. Dựa vào dữ liệu về thiên tai trong 400 năm qua, các nhà khoa học đã phân tích nguy cơ xảy ra động đất, lốc xoáy, sóng thần, núi lửa tại châu Á-Thái Bình Dương và tính toán số người có thể bị thương vong.
Họ nhận thấy những thành phố nằm trên vành đai Himalaya, Trung Quốc, Indonesia và Philippines sẽ phải chứng kiến các trận động đất có khả năng lấy đi mạng sống của một triệu người trong thời gian ngắn. Ngoài ra, Indonesia và Philippines còn phải đối mặt với những hiểm họa từ núi lửa. Còn các quốc gia địa hình thấp như Bangladesh có thể bị tàn phá bởi sóng thần, lũ lụt và lốc xoáy.
Nhóm nghiên cứu cho biết, các thảm họa thiên nhiên cướp đi sinh mạng từ 10.000 người trở lên có xu hướng xảy ra thường xuyên hơn sau mỗi thập kỷ. Trong những năm tới, chúng có thể tác động tới cuộc sống của hơn một triệu người. Tình trạng tăng dân số, thay đổi khí hậu và khan hiếm lương thực có thể làm tăng mức độ tàn phá của các thảm họa thiên nhiên.
"Xác suất xảy ra thiên tai như động đất, núi lửa phun trào, sóng thần, lũ quét không thay đổi nhiều, song do dân số châu Á tăng nhanh nên mọi trận động đất đều có thể tác động tới hàng vạn, thậm chí nhiều triệu người. Giả sử một ngọn núi lửa tại bang Alaska của Mỹ đều đặn phun trào nham thạch theo chu kỳ 100 năm thì tác động của nó đối với con người không lớn vì chẳng có ai sống ở xung quanh khu vực núi lửa ở Alaska. Nhưng nếu ngọn núi lửa ấy xuất hiện tại đảo Java của Indonesia thì tác động của nó vô cùng khủng khiếp", Alanna Simpson, một nhà khoa học tham gia nghiên cứu, giải thích.