Lần đầu ghi hình được loài mực ống đổi màu theo môi trường

  •  
  • 189

Các nhà khoa học Nhật Bản phát hiện mực ống có thể đổi màu trong tích tắc để ẩn mình vào môi trường xung quanh, nhằm trốn tránh kẻ thù.

Trước đây, chỉ có hai nhóm động vật chân đầu là bạch tuộc và mực nang được biết đến là có khả năng ngụy trang vào môi trường xung quanh bằng cách thay đổi màu sắc cơ thể. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Scientific Reports vào tuần trước đã thêm mực ống vào danh sách này.

Khám phá được thực hiện trong phòng thí nghiệm bởi các nhà sinh vật học từ Viện Khoa học và Công nghệ Okinawa (OIST) của Nhật Bản. Nó mở ra hướng nghiên cứu mới về cách mực ống nhìn và nhận thức thế giới xung quanh, nhờ đó có thể góp phần vào các nỗ lực bảo tồn.


Thí nghiệm kiểm tra khả năng đổi màu của mực ống Shiro-ika. (Video: OIST)

Mực ống trong tự nhiên thích sống ngoài đại dương mở rộng lớn, nơi màu da sáng của chúng kết hợp hoàn hảo với làn nước trong và ánh nắng le lói phía trên. Do đó, rất ít người có cơ hội quan sát hành vi của mực ống dưới đáy biển. Bản tính khó nuôi nhốt của sinh vật cũng khiến việc nghiên cứu trong phòng thí nghiệm gặp nhiều khó khăn. Đó là lý do các nhà khoa học không biết đến khả năng đổi màu của chúng cho đến nay.

Phát hiện của OIST đến một cách tình cờ khi các nhà nghiên cứu làm sạch tảo dưới đáy bể thủy sinh trong phòng thí nghiệm, nơi họ đang nuôi một loài mực ống địa phương có tên là Shiro-ika. Đây là một trong chỉ ba loài mực ống hình bầu dục (mực lá) được tìm thấy ở vùng biển ngoài khơi Okinawa.

Mực ống này có màu sắc đậm nhạt khác nhau ở các phần bể có mật độ tảo mọc khác nhau. 
Mực ống này có màu sắc đậm nhạt khác nhau ở các phần bể có mật độ tảo mọc khác nhau.

Khi quan sát kỹ những con mực dưới đáy bể, họ phát hiện chúng có màu sắc đậm nhạt khác nhau ở các phần bể có mật độ tảo mọc khác nhau. Hứng thú với điều này, nhóm nghiên cứu đã tiến hành một thí nghiệm có kiểm soát để hiểu rõ hơn về những gì đang diễn ra. Trong đó, họ làm sạch một nửa bể chứa và để nửa còn lại phủ đầy tảo, sau đó đặt camera để quan sát diễn biến tiếp theo. Kết quả đúng như mong đợi, mực Shiro-ika đổi màu cơ thể nhanh chóng từ nhạt sang đậm khi bơi từ phần bể sạch sang phần bể chứa tảo và ngược lại.

"Hiệu ứng này thực sự ấn tượng. Tôi cảm thấy ngạc nhiên vì không ai nhận ra điều đó trước đây", Tiến sĩ Zdenek Lajbner từ OIST, tác giả đầu tiên của nghiên cứu, nhấn mạnh. "Nó cho thấy chúng ta biết ít như thế nào về các loài động vật biển như mực ống".

Phát hiện mới có ý nghĩa không chỉ đối với mực ống mà còn với hệ sinh thái mà chúng sinh sống. Lajbner tin rằng nếu môi trường xung quanh quan trọng đối với việc ngụy trang của mực ống, sự tăng giảm số lượng của nhóm động vật chân đầu này có thể liên quan đến sức khỏe của rạn san hô.

Cập nhật: 08/04/2022 Theo VnExpress
  • 189