Lần đầu tiên phát hiện ngôi sao chui vào ngôi sao

  •  
  • 3.344

Các nhà thiên văn phát hiện ngôi sao xung bên trong một ngôi sao khí khổng lồ cách trái đất khoảng 200.000 năm ánh sáng.

Năm 1975, tiến sĩ Kip Thorne và tiến sĩ Anna Zytkow - hai nhà thiên văn - từng dự đoán về sự tồn tại của ngôi sao trong ngôi sao khác. Họ cho rằng chúng hình thành khi một sao xung (ngôi sao xoay cực nhanh) va chạm với một sao khí khổng lồ. Sau đó sao khí khổng lồ nuốt sao xung. Vì thế ngày nay giới thiên văn gọi những sao như thế là vật thể Thorne-Zytkow.

Lần đầu tiên phát hiện ngôi sao chui vào ngôi sao
Hình minh họa cảnh tượng sao neutron va chạm với sao khí khổng lồ. (Ảnh: NASA)

Những ngôi sao bình thường tồn tại nhờ phản ứng nhiệt hạch trong lõi của chúng, còn sao Thorne-Zytkow tồn tại nhờ ngôi sao xung từ mà nó "nuốt".

Gần 40 năm sau, giới thiên văn mới phát hiện vật thể Thorne-Zytkow đầu tiên. Tiến sĩ Emily Levesque, một nhà thiên văn của Đại học Colorado Boulder tại Mỹ, cùng các cộng sự phát hiện ngôi sao neutron bên trong sao khí sau khi họ quan sát vũ trụ bằng kính thiên văn Magellan Clay (có đường kính tới 6,5m) tại Chile, Daily Mail đưa tin.

HV 2112, tên của ngôi sao khí, cách địa cầu chừng 200.000 năm ánh sáng. "Nghiên cứu những ngôi sao như thế là việc rất thú vị, bởi nó cho chúng ta thấy một kiểu thiên thể hoàn toàn mới", bà Emily bình luận. Sao xung (hay sao neutron) là những thiên thể xoay rất nhanh với biểu hiện như nguồn sóng radio. Mật độ vật chất của sao xung rất lớn. Một sao xung có đường kính 20km có khối lượng tương đương 1,3 tới 2,5 lần mặt trời. Nếu đặt lượng vật chất tương đương ngón tay lên bàn cân, chúng ta sẽ thấy khối lượng của nó lên tới hơn một tỷ tấn.

Theo Zing
  • 3.344