Lần đầu tiên trên thế giới Nga thăm dò đáy biển Arctic

  •  
  • 681

Đáy biển Arctic bao gồm cả vùng thềm lục địa Bắc Cực theo tính toán có trữ lượng khoảng 10 tỷ tấn dầu. Lần đầu tiên trên thế giới Nga sẽ tiến hành thăm dò đáy biển Arctic trong 10 ngày đầu tiên của tháng 8/2007.

Mặc dù cho đến nay đã có 3 quốc gia cắm mốc tuyên bố chủ quyền trên Bắc Cực là Nga, Mỹ và Na Uy nhưng biển Arctic ở vùng Bắc Cực sâu khoảng 4.700 m cho đến nay chưa nước nào thăm dò vùng đáy biển. Do đó chưa nước nào tuyên bố chủ quyền và được Liên Hợp Quốc công nhận đối với thềm lục địa và đáy biển sâu đồng thời rất lạnh này.

Theo chỉ thị của Phó Chủ tịch Viện Duma Quốc gia Nga đồng thời là nhà khoa học Artur Chilingarov, hôm 30/7 tàu nghiên cứu khoa học Akademik Fyodorov đã phối hợp với hai tàu ngầm mini lặn biển sâu Mir-1 và Mir-2 tiến hành lặn thử ở một vùng biển thuộc quần đảo Franz Josef Land thuộc Nga gần Bắc Cực.

Cuộc thử nghiệm đã cho kết quả thành công mĩ mãn khiến các nhà khoa học Nga quyết định sẽ chính thức lặn thăm dò đáy biển Arctic trong vòng 10 ngày tới nếu thời tiết cho phép.

Tàu mini lặn biển sâu Mir - 1 của Nga sẽ thám hiểm đáy biển Arctic. (Ảnh: Tiền phong)

Theo kế hoạch, các nhà khoa học Nga sẽ cho tàu lặn sâu xuống đáy biển Arctic để đặt một bình bằng titanium gắn kín trong có chứa một lá cờ Liên bang Nga. Đây là vật mang tính biểu tượng để Nga tuyên bố vùng thềm lục địa Bắc Cực và đáy biển Arctic rộng khoảng 740.000 km2 thuộc chủ quyền lãnh thổ mới của Liên bang Nga.

Nếu việc làm này của Nga thành công, nó sẽ mở đầu cho một cuộc chiến ngoại giao ở vùng biển Arctic cực lạnh, một vùng biên giới năng lượng cuối cùng của Trái đất. Các chuyên gia cho rằng nỗ lực này của các nhà khoa học Nga nằm trong một chiến lược năng lượng lâu dài của Matxcơva.

Ông Arkady Soshnikov, Kỹ sư trưởng của Viện Nghiên cứu khoa học biển Arctic có trụ sở ở thành phố St. Petersburg cho biết, năm nay lớp băng dầy bất thường ở Bắc Cực gây nhiều khó khăn hơn cho việc thăm dò, thám hiểm của các nhà khoa học.

Tuy nhiên, tàu phá băng Rossiya chạy bằng năng lượng nguyên tử sẽ mở đường cho các tàu Akademik Fyodorov và các tàu ngầm mini lặn biển sâu Mir-1 và Mir-2 thực hiện cuộc thăm dò, thám hiểm đáy biển Arctic.

Tham gia cuộc thăm dò thám hiểm này có khoảng 100 nhà khoa học Nga. Họ có nhiệm vụ tìm kiếm những bằng chứng để xác định một dãy núi ngầm dưới biển Arctic có tên là Lomonosov Ridge chạy vắt ngang Bắc Cực rồi nối lục địa Nga với đảo Greenland là phần địa lý kéo dài của Liên bang Nga.

Nếu điều này được xác định, theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, Nga có quyền tuyên bố chủ quyền đối với vùng thềm lục địa Bắc Cực. Chỉ huy dự án thăm dò đáy biển Arctic là nhà khoa học thám hiểm Bắc Cực và Nam Cực lừng danh Nga Artur Chilingarov năm nay 68 tuổi. Ông từng được phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô hồi năm 1985 do tổ chức thám hiểm thành công Nam Cực. Trong lần thám hiểm đó, tàu thám hiểm của ông bị kẹt trong biển băng dầy rất lâu mới được cứu thoát.

Phát ngôn viên của Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin coi cuộc thăm dò khảo sát đáy biển Arctic là rất quan trọng vì đây là cuộc thăm dò khoa học có một không hai trên thế giới từ trước đến nay.

Matxcơva từng tuyên bố chủ quyền trên khu vực Bắc Cực từ những năm còn chính quyền Bolsheviks. Gần đây, Liên bang Nga đưa ra những dữ liệu khoa học để hỗ trợ cho vấn đề chủ quyền của Nga đồng thời gửi đơn lên Ủy ban Liên Hợp Quốc phụ trách về Luật Biển. Ủy ban này đã bác đơn của Nga năm 2002, nói rằng chưa đủ bằng chứng.

Nếu lần thăm dò đáy biển Arctic thành công, Nga sẽ nêu lại vấn đề chủ quyền vùng thềm lục địa Bắc Cực vào năm 2009 với những bằng chứng mới hỗ trợ cho quan điểm của Matxcơva.

Sau khi Nga đưa ra quan điểm về sự liên tục của dãy núi ngầm Lomonosov Ridge dưới biển Arctic, các nhà khoa học Đan Mạch cũng tìm cách chứng minh núi Lomonosov Ridge là sự liên tục của thềm lục địa Đan Mạch chứ không không phải của Nga.

Bộ Khoa học, Công nghệ và Sáng tạo Đan Mạch cho biết các nhà khoa học nước này đang phối hợp với các nhà khoa học Canada vẽ bản đồ biển Bắc Cực.

Ngoài tiềm năng về dầu mỏ, khí đốt, Bắc Cực còn có ý nghĩa về an ninh. Hải quân Mỹ cũng đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát trên Bắc Cực còn Canada thì cho biết hiện nay họ đang đóng 8 con tàu tuần tra trên biển Arctic với tổng trị giá 7 tỷ USD.

Nguyễn Đại Phượng 

Theo InterFax, AP, Tiền phong
  • 681