Lần theo dấu vết huyền sử loài người

  •  
  • 2.095

Những nghiên cứu về di truyền học thông qua các xét nghiệm DNA đang hé mở bức màn bí ẩn về nguồn gốc của loài người. Rất có thể chúng ta đều là những người bà con với nhau, được phân định bởi 2.000 thế hệ.

Đi tìm DNA của Adam

Spencer Wells lấy mẫu DNA từ một người trên đảo Pate Island, ở Kenya cho Dự án địa lý di truyền (Genographic Project)

Spencer Wells lấy mẫu DNA từ một người trên đảo Pate Island, ở Kenya cho Dự án địa lý di truyền (Genographic Project) (Ảnh: nationalgeographic)

Với nhiều người trong chúng ta, cụm từ "di truyền học" gợi liên tưởng về bệnh tật, hệ gen của con người, và kỹ thuật di truyền. Nhưng nhà di truyền và nhân chủng học Spencer Wells thì cho rằng di truyền học là một nghề nghiệp độc đáo kết hợp được tình yêu lịch sử và niềm say mê với sinh học của ông.

Ông đã đi khắp thế giới, thu thập các mẫu máu từ những tộc người ở các nền văn hoá khác xa nhau: những người thổ dân ở Australia, cư dân vùng đất đóng băng vĩnh cửu Chukchi ở Siberia, những nông dân sống giữa những ngọn đồi ở Afghanistan, và những người du cư ở các sa mạc châu Phi. Bằng cách nghiên cứu DNA của những người hiện đại, ông tìm hiểu xem chúng ta là ai, chúng ta đã đi những đâu để đến những vùng đất mới của thế giới, và tất cả loài người có mối quan hệ mật thiết đến mức nào. "Mỗi một giọt máu là một tài liệu lịch sử đặc biệt", Wells nói. "Các DNA nói cho chúng ta biết câu chuyện về hành trình di cư của nhân loại".

Hội Địa lý quốc gia Mỹ đã cho triển khai Dự án địa lý di truyền (Genographic Project) kéo dài 5 năm do Spencer Wells đứng đầu, với nhiệm vụ kết hợp di truyền học dân số và sinh học phân tử để lần tìm dấu vết của sự di cư của con người từ thời điểm lần đầu tiên chúng ta rời khỏi châu Phi, 50.000 đến 60.000 năm trước, tới những nơi mà chúng ta sống ngày nay.

Nhà nhân chủng và di truyền học Spencer Wells xem xét một mẫu DNA
Nhà nhân chủng và di truyền học Spencer Wells xem xét một mẫu DNA
(Ảnh: nationalgeographic)

Mười trung tâm nghiên cứu trên thế giới đã nhận được tiền tài trợ từ tổ chức Waitt Family Foundation để thu thập và phân tích mẫu máu từ các dân tộc bản xứ, trong đó có nhiều tộc người ở những vùng xa xôi hẻo lánh. Dự án địa lý di truyền hy vọng sẽ thu thập được trên 100.000 mẫu DNA để tạo ra ngân hàng gen lớn nhất thế giới. Dự án sẽ cho thấy những con đường mà người tiền sử đã đi để rồi sinh sôi trên khắp mặt đất, vẽ một bức tranh về tấm thảm gen đã kết nối tất cả chúng ta.

Bộ tộc Hadzave sống du mục ở miền bắc Tanzania hy vọng rằng sự tham gia của họ vào Dự án địa lý di truyền sẽ giúp gây chú ý đến di sản văn hoá đang bị đe doạ của họ
Bộ tộc Hadzave sống du mục ở miền bắc Tanzania hy vọng rằng sự tham gia
của họ vào Dự án địa lý di truyền sẽ giúp gây chú ý đến di sản văn hoá
đang bị đe doạ của họ (Ảnh: nationalgeographic)

Cuộc phiêu lưu của gen

Như vẫn thường xảy ra trong khoa học, công nghệ đã mở ra một lĩnh vực với những cách thức mới để trả lời những câu hỏi cũ, và thường là cho chúng ta những câu trả lời gây sửng sốt.

Bằng cách phân tích những biến đổi gen trong nhiễm sắc thể Y của con người ở mọi khu vực trên thế giới, Wells và các đồng sự đã kết luận rằng, tất cả loài người sống trên trái đất hiện nay đều là con cháu của một người châu Phi duy nhất. (Các nhà khoa học căn cứ vào nhiễm sắc thể Y vì đây là một trong những công cụ mạnh nhất ở cấp độ tế bào, giúp truy nguyên nguồn gốc loài người - truyền từ cha sang các con mà không hề thay đổi suốt hàng nghìn năm).

Công nghệ máy tính tiên tiến được ứng dụng để tái tạo chân dung của Adam - tổ tiên loài người
Công nghệ máy tính tiên tiến được ứng dụng để tái tạo chân dung của Adam - tổ tiên loài người (Ảnh: nationalgeographic)

Khuôn mặt chính diện của hình mẫu Adam do máy tính dựng lên
Khuôn mặt chính diện của hình mẫu Adam do máy tính dựng lên (Ảnh: nationalgeographic)

Trong cuốn sách của mình, Hành trình của con người: cuộc phiêu lưu của gen (The journey of man: A genetic Odyssey), Wells mô tả cuộc di cư từ châu Phi bắt đầu từ khoảng 60.000 năm trước, và con đường mà chúng ta đã đi để đưa con người đến mọi nơi trên thế giới. Đi theo đường bờ biển phía Nam châu Á, những người di cư đầu tiên đã vượt khoảng 250km đường biển, và chiếm lĩnh Australia vào khoảng 50.000 năm trước. Những thổ dân da đỏ Australia, là con cháu của làn sóng di cư đầu tiên khỏi châu Phi.

Một làn sóng thứ hai rời khỏi "châu lục đen" là vào khoảng 45.000 năm trước và định cư ở Trung Đông, với những nhóm nhỏ hơn đi đến Ấn Độ, bắc Trung Quốc, và nam Trung Quốc. Khi những sông băng của Kỷ Băng hà bắt đầu tan chảy vào khoảng 40.000 năm trước, và nhiệt độ tăng lên, con người đã di chuyển vào Trung Á và nhanh chóng sinh sôi ở đó. Những nhóm nhỏ rời Trung Á vào khoảng 35.000 năm trước để tới châu Âu. Và vào khoảng 20.000 năm trước, một nhóm nhỏ những người Trung Á khác đã tiến xa hơn về phía Bắc, tới Siberia và vùng Bắc cực.

Tượng Adam được nặn theo mô hình 3D của máy tính
Tượng Adam được nặn theo mô hình 3D của máy tính (Ảnh: nationalgeographic)

Câu chuyện về Thành Cát Tư Hãn

Trong một nghiên cứu khác xem xét các mẫu máu thu thập trong một khoảng thời gian 10 năm từ hơn 40 nhóm người sống ở vùng xung quanh vương quốc Mông Cổ của vị đại hãn nổi tiếng Genghis Khan (Thành Cát Tư Hãn), Wells và đồng sự nhận thấy, gần 8% những người sống trong vùng mang các nhiễm sắc thể Y gần giống nhau, tương ứng với 0,5% đàn ông trên thế giới hay gần 16 triệu người.

The Journey of Man: A Genetic Odyssey

Cuốn sách Hành trình của con người: Cuộc phiêu lưu của gen (The Journey of Man: A Genetic Odyssey) nổi tiếng của Spencer Wells (Ảnh: Amazon)

Bản đồ vương quốc của Thành Cát Tư Hãn vào thế kỷ 13 trải dài từ Mông Cổ sang Afghanistan và từ Nga xuống đến Iran, mở rộng khắp châu Á, từ Thái Bình Dương tới biển Caspi. Những gì mà Thành Cát Tư Hãn thực hiện được không chỉ là cai trị đế chế rộng lớn nhất thế giới, mà còn làm tăng dân số ở những nơi mà vó ngựa thảo nguyên của ông đi qua.

Mỗi khi đánh chiếm được toà thành nào, cuộc chinh phạt của vị hoàng đế trên lưng ngựa này thường kết thúc bằng việc thẳng tay tàn sát hết những kẻ bại trận, thu hồi toàn bộ di sản của đối phương, xoá sổ nhiều dân tộc. Thành Cát Tư Hãn cho phép binh lính dưới quyền mặc sức cướp bóc nhưng ra lệnh thuộc cấp phải cống nạp gái đẹp để ông ta thỏa mãn sắc dục hoặc bổ sung vào đội ngũ phi tần của mình.

Sau hơn 40 năm chinh chiến, Thành Cát Tư Hãn chết ở tuổi 65. Khi đó bản đồ đế quốc Mông Cổ đã trải dài từ ven biển Trung Hoa sang đến vịnh Ba Tư. Trong vòng vài trăm năm sau đó, con cháu kế tục sự nghiệp của vị đại hãn hiếu chiến này cũng tiếp tục "phát huy truyền thống gia tộc", với việc mở rộng vương quốc, duy trì quyền lực ở những vùng đất mới, đồng thời cũng ra sức "truyền bá nòi giống". Con cháu của Thành Cát Tư Hãn thực hiện chế độ hậu cung với vô số các bà vợ, và vì thế, mỗi người đàn ông thường sinh rất nhiều con. Con trai của Thành Cát Tư Hãn, Tushi, được ghi nhận có tới 40 người con trai. Cháu của Thành Cát Tư Hãn, Hốt Tất Liệt, có 22 con trai chính thức, chưa kể tới việc hậu cung được bổ sung 30 trinh nữ mỗi năm...

Chính việc con cháu của đế chế Mông Cổ ra sức lưu truyền nòi giống của cha ông khắp nơi, đã trực tiếp góp phần vào việc mở rộng dòng họ Khan, giúp ông trở thành "người gieo giống thành công nhất trong lịch sử". Spencer Wells nói: "Đây là một ví dụ điển hình cho thấy văn hoá đóng vai trò to lớn như thế nào tới sự phân bố đa dạng gen trong quần thể".

Ngân Giang


ĂN THEO KHOA HỌC

Thông tin "Khoảng 16 triệu đàn ông trên thế giới có thể là hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn" đã gợi ý tưởng kinh doanh cho nhà hàng Shish ở phía bắc London chuyên kinh doanh các món ăn đặc sản vùng Trung Á và Trung Đông. Mọi thực khách đều có cơ hội thử gen di truyền DNA để xem mình có thuộc dòng dõi Thành Cát Tư Hãn hay không. Nhân viên nhà hàng sẽ lấy mẫu thử nước bọt bên trong gò má của người muốn được xét nghiệm rồi gửi đến Công ty xét nghiệm DNA Oxford Ancestors để xét nghiệm. Kết quả sẽ được trả về trong vòng hai tháng. Nếu xác định đúng là con cháu thuộc dòng dõi Thành Cát Tư Hãn thì sẽ được đãi ăn miễn phí cho 2 lần trở lại dùng bữa tại nhà hàng Shish.

Thành Cát Tư Hãn là
Thành Cát Tư Hãn là "người gieo giống thành công nhất trong lịch sử"
(Ảnh: Wikipedia)

Theo Sài Gòn tiếp thị
  • 2.095