Dưới cái nhìn thông thường theo kiểu “nhu khắc cương, nhược chế cường”, nhiều người dễ chọn hình thức thư giãn như lối thoát để khắc phục hậu quả của stress. Vì thế, thiền định dường như thường xuyên đứng đầu trong các phương pháp chống stress.
|
(Ảnh: bized) |
Không sai, nhưng không hẳn lúc nào cũng phải ngồi yên bất động như thế mới chống nổi stress. Theo George Goodheart, người thầy thuốc ở Mỹ đã sáng lập môn Kinesiology (tạm dịch là động học) vào thập niên 70, có thể tái lập quân bình tâm thể để đánh thức sức kháng bệnh bằng cách ứng dụng một số động tác đơn giản. Goodheart tập trung vào một số động tác đặc hiệu, chính xác và nhịp nhàng để ấn nắn, xoa bóp các vùng da chọn lọc có liên quan đến tiết đoạn thần kinh và giao điểm của hệ thần kinh giao cảm. Từ kích ứng đó, nhiều phản ứng sẽ được xúc tác để cải thiện chức năng đã bị rối loạn, để phục hồi nội tạng đã bị thương tổn. Cũng trên cơ chế tương tự, hậu quả bệnh lý của stress có thể được khắc phục nếu biết cách mượn ngả ngoài da để kích hoạt trục thần kinh – nội tiết qua phản xạ
“bì phu – nội tạng”.
Dưới đây là một số thí dụ cụ thể: - Muốn cải thiện khả năng tập trung tinh thần: tìm tư thế ngồi cho thoải mái rồi dùng ngón tay cái và ngón trỏ xoa bóp vành tai thật chậm rãi, chỉ theo một chiều từ trên xuống dưới. Nên chọn vành tai trái nếu thuận tay phải, hay ngược lại. Lặp lại động tác nhiều lần trong ngày, nếu ngay lúc đang căng thẳng tinh thần càng tốt. Nhớ đừng làm theo chiều ngược lại.
- Muốn chống tình trạng mệt mỏi sau nhiều giờ đối đầu với stress: chọn tư thế ngồi thẳng lưng nhưng tỳ hai khuỷu tay lên mặt bàn, như người đang phải suy nghĩ điều gì quan trọng. Dùng ngón trỏ và ngón giữa xoa dọc chân mày nhiều lần theo hình vòng cung từ ngoài vào trong và chấm dứt ở điểm ngay trên gốc mũi, giữa hai chân mày. Cũng chỉ theo một chiều. Động tác này rất được nhiều bà, nhiều cô ưa chuộng nhờ có tác dụng một công hai việc, vừa ngăn stress, vừa chống nếp nhăn quanh mắt.
- Muốn tạo điều kiện tối ưu cho óc sáng tạo: xoè ngón tay trỏ và giữa giống như cây kéo. Sau đó dùng ngón trỏ chà nhẹ lên môi trên và ngón giữa chà lên môi dưới, từ trái qua phải và ngược lại. Cùng lúc đó tập thở theo kiểu 3 thời: hít vào thật nhanh, nín hơi nhưng không đóng thanh quản và thở ra chậm rãi.
- Muốn tăng sức chịu đựng: dùng đầu lưỡi đè sát vào vòm hầu. Hít vô thật sâu bằng mũi, thở ra nhanh bằng miệng, rồi lặp lại động tác vài lần. Trong lúc hít thở ấn mạnh các đầu ngón tay của hai bàn tay vào nhau trong vòng 1 phút.
BS Lương Lễ Hoàng