Lịch sử nhân loại đã thay đổi như thế nào khi tìm ra vaccine đầu tiên?

Lịch sử ra đời của vaccine
  •  
  • 390

Thế giới đã đạt được những thành tựu lớn trong việc tạo ra vaccine phòng bệnh. Vậy ai là người đầu tiên đã phát minh ra vaccine?

Vaccine là chế phẩm có tính kháng nguyên có nguồn gốc từ vi sinh vật gây bệnh hoặc vi sinh vật có cấu trúc kháng nguyên giống vi sinh vật gây bệnh. Chúng đã được bào chế đảm bảo độ an toàn cần thiết, làm cho cơ thể tự tạo ra tình trạng miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh.

 Việc tìm ra vaccine phòng bệnh, nhiều bệnh dịch đã được đẩy lùi.
Việc tìm ra vaccine phòng bệnh, nhiều bệnh dịch đã được đẩy lùi. (Tranh: TL).

Vaccine chứa các phiên bản suy yếu của virus hay phiên bản gần giống như virus (được gọi là kháng nguyên). Điều này chứng tỏ các kháng nguyên không thể tạo ra các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh, nhưng chúng kích thích hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể. Những kháng thể này sẽ bảo vệ cơ thể khi tiếp xúc với các virus trong tương lai.

Louis Pasteur được thế giới công nhận là cha đẻ của vaccine vì ông nổi tiếng với việc tìm ra vi khuẩn cũng như sự nhiễm trùng và chế tạo ra vaccine phòng bệnh dại.

Tuy nhiên, vaccine đầu tiên trên thế giới là của Edward Jenner (1749-1823, một bác sĩ danh dự trong hội Hoàng gia London, Anh). Edward Jenner đã khẳng định hiệu quả của vaccine trong phòng chống bệnh đậu mùa cho nhân loại trước khi thế giới biết đến sự tồn tại của virus và vi khuẩn. Lịch sử y học thế giới ghi nhận Edward Jenner có công lao to lớn trong việc thiết lập ra "đế chế" vaccine giúp bảo vệ hàng tỷ người khắp hoàn cầu.

Bác sĩ Edward Jenner.
Bác sĩ Edward Jenner. (Ảnh: Thinglink).

Năm 1796, châu Âu trong đại dịch bệnh đậu mùa. Bệnh đã ảnh hưởng đến tất cả mọi tầng lớp trong xã hội, bao gồm cả người giàu, người nghèo, bình dân và quý tộc. Lúc này không ai có khái niệm về virus. Triệu chứng ban đầu của đậu mùa là nổi các mụn đỏ, sau đó thành mụn nước lan ra khắp cơ thể, gây sốt, nhiễm trùng, có thể dẫn đến mù lòa và tử vong. Bệnh lây qua đường hô hấp và tiếp xúc nên số người mắc tăng lên rất nhanh. Bác sĩ Jenner đã dành suốt nhiều năm tìm hiểu về căn bệnh này nhưng không thể tìm ra cách chữa trị.

Jenner tình cờ phát hiện bệnh "đậu bò", tức là bệnh đậu mùa ở bò. Vị bác sĩ quan sát thấy một điều lạ là những người vắt sữa bò sau khi mắc bệnh này thì tuyệt nhiên không bị đậu mùa nữa, do các triệu chứng tương tự nhau nên ông gọi tên nó là "đậu bò". Từ đó, bác sĩ luôn suy nghĩ: "Liệu có thể lây căn bệnh đậu bò sang người để phòng được bệnh đậu mùa ở người hay không? Như thế, người ta sẽ mắc căn bệnh đậu bò không chết nhưng thoát khỏi bệnh đậu mùa chết người".

Jenner đã đến gặp một người phụ nữ chuyên làm nghề vắt sữa bò đang bị bệnh đậu bò. Bệnh này thường xuyên xuất hiện ở bò làm cho toàn thân con vật nổi các mụn nước. Ông đã chiết lấy dịch từ các vết đậu bò trên cánh tay của người phụ nữ chăn bò rồi tiêm vào cánh tay của cậu bé James Phipps 8 tuổi cùng làng.

Sau đó Phipps đã có những triệu chứng của bệnh đậu bò. 48 ngày sau, Phipps khỏi hẳn bệnh đậu bò, Jenner liền tiêm chất có chứa mầm bệnh đậu mùa vào người cậu bé. Theo dõi cho thấy có một hiện tượng kỳ lạ: Phipps không hề mắc đậu mùa.

Dựa trên 12 thí nghiệm như vậy và 16 lịch sử trường hợp bổ sung mà ông đã thu thập được từ những năm 1770, Jenner đã xuất bản một văn bản kinh điển trong biên niên sử của y học là "Điều tra về nguyên nhân và tác dụng của Variola vaccine". Việc lấy vi trùng từ động vật mắc bệnh và làm cho virus yếu sau đó tiêm vào cơ thể người qua đường máu được Jenner gọi là vaccination.

Edward Jenner đã báo cáo các nghiên cứu của mình cho Hiệp Hội Hoàng Gia. Hiệp Hội Hoàng Gia đã nghiên cứu kỹ các báo cáo của ông. Sau đó, các cơ sở y tế Anh quốc đã chấp nhận phương pháp vaccine mới và cho phép phổ biến rộng rãi. Đến năm 1840, chính phủ Anh cho phép tiêm chủng đậu bò hoàn toàn miễn phí, cấm hẳn phương pháp tiêm chủng biến dị đã thực hiện trước đó. Sau đó, phương pháp tiêm chủng vaccine đậu bò đã lan rộng khắp châu Âu, sang tận Bắc Mỹ.

Theo ông, khi loại vi khuẩn bị suy yếu được tiêm vào người, cơ thể sẽ tự phát sinh ra một yếu tố kháng lại bệnh đó. Vì thế, những người đã được tiêm sẽ không mắc bệnh đậu mùa nữa. Ông không những áp dụng phương pháp này cho cậu bé James Phipps mà còn áp dụng ngay trên cả chính con trai mình. Ông khẳng định rằng bệnh đậu mùa bò bảo vệ con người khỏi sự lây nhiễm bệnh đậu mùa và đặt nền móng cho vaccine hiện đại.

Thành công lớn nhất của Jenner là chinh phục được bệnh đậu mùa. Năm 1802, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban quốc tế về phòng chống đậu mùa. Vị bác sĩ lần lượt được Nữ hoàng Anh, Nga, Hoàng đế Pháp, Tổng thống Mỹ trao giải thưởng giá trị vì đã có những đóng góp to lớn cho nhân loại. Sau đó Jenner được mời vào làm việc tại Viện Hàn lâm khoa học Pháp. Tại các quốc gia như Anh, Pháp, Italy... người ta đã đúc tượng của ông để tưởng nhớ và ghi ơn.

 Tranh vẽ Edward Jenner tiêm cho James Phipps.
Tranh vẽ Edward Jenner tiêm cho James Phipps.

Ngày 16/1/1823, do tai biến mạch máu não, Jenner trút hơi thở cuối cùng. Chính phủ Anh xin được chôn cất thi hài ông ở Tu viện Westminster, nơi an nghỉ những người con ưu tú của nước Anh và cả nhân loại. Ông được gọi là "bác sĩ tài ba bất tử của nhân loại" và "cha đẻ của vaccine".

Vào nửa sau thế kỷ XIX, khoa học thế giới đã đạt được những thành tựu lớn. Đặc biệt, bộ môn miễn dịch học thực nghiệm đã giúp nghiên cứu các quá trình xảy ra trong cơ thể sau khi tiêm chủng.

Louis Pasteur (1822-1895) - nhà khoa học, nhà hóa học và vi sinh học lừng danh của Pháp, người sáng lập ngành vi sinh vật học và miễn dịch học kết luận rằng, phương pháp tiêm chủng có thể được áp dụng để điều trị các bệnh truyền nhiễm khác. Dựa theo mẫu bệnh dịch tả gà, nhà khoa học đã đưa ra kết luận có cơ sở thực nghiệm rằng, một căn bệnh mới sẽ giúp ngăn chặn loại bệnh tiếp theo. Pasteur đã định nghĩa việc không tái phát bệnh truyền nhiễm sau khi tiêm là “khả năng miễn dịch”.

Năm 1881, Louis Pasteur đã phát hiện ra vaccine ngừa bệnh than. Sau đó, vaccine ngừa bệnh dại đã được nghiên cứu và điều chế. Năm 1885, trạm phòng chống bệnh dại đầu tiên xuất hiện ở Paris. Trạm thứ hai do Ilya Mechnikov thành lập ở Nga. Học trò của Louis Pasteur là Nikolai Gamaleya đã cùng nghiên cứu bào chế với ông. Ngay từ thời Liên Xô, Gamaleya đã trở thành nhà vi sinh vật học lỗi lạc nhất và là người đứng đầu Viện dịch tễ học và vi sinh vật học Moscow.

Năm 1886, một “trạm Pasteur” đã xuất hiện ở Odessa. Trạm này trở thành trung tâm nghiên cứu vi khuẩn học đầu tiên tại Nga. Không lâu sau, các trạm phòng bệnh dại mang tên Pasteur đã được xây dựng ở các thành phố khác của Nga.

Thành công này đã giúp nhà khoa học Louis Pasteur tránh được làn sóng chỉ trích những phương pháp phòng bệnh của ông. Năm 1888, một viện đặc biệt phòng chống bệnh dại và các bệnh truyền nhiễm khác đã được thành lập tại thủ đô Paris của Pháp, sau này được đặt tên là Viện Pasteur.

Những phát minh của các nhà khoa học khác là Ilya Ilyich Mechnikov (Nga) và Paul Ehrlich (Đức) đã giúp nghiên cứu bản chất của khả năng miễn dịch cá thể sinh vật đối với các bệnh truyền nhiễm. Họ đã tạo ra học thuyết thống nhất về khả năng miễn dịch và được trao giải Nobel năm 1908.

Năm 1892, Vladimir Khavkin (học trò của Ilya Ilyich Mechnikov) là đã tạo ra vaccine đầu tiên ngừa bệnh tả, vaccine này được ông thử nghiệm trên chính cơ thể mình. Năm 1893, với sự giúp đỡ của nước Anh, Vladimir Khavkin đã phát động chương trình tiêm chủng đại trà chống lại bệnh dịch tả ở Ấn Độ, nơi khi đó dịch bệnh đang hoành hành.

Khi ở Ấn Độ bắt đầu lây lan đại dịch hạch, một trong những dịch bệnh mới nhất trong lịch sử nhân loại, Khavkin đã tạo ra một loại vaccine chống lại căn bệnh này. Vì vậy, tên của nhà khoa học này đã được đặt cho Viện miễn dịch học Trung ương Mumbai.

Vaccine của Khavkin đã cứu sống nhiều người ở Ấn Độ, nhưng hiệu quả của nó vẫn chưa được biết đến. Một nhà khoa học người Nga khác là Magdalena Pokrovskaya đã điều chế vaccine phòng ngừa dịch hạch bằng virus sống.

Trong cuộc nội chiến Nga, nhà khoa học nữ này đã điều tra các đợt bùng phát bệnh dịch hạch và sốt rét ở miền Đông Nam nước Nga. Năm 1934, một loại vaccine hoạt động đã được tạo ra. Trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Liên Xô, Magdalena Pokrovskaya đã tạo ra công nghệ điều trị các bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng bằng cách sử dụng vi khuẩn, loại virus đặc biệt tiêu diệt vi khuẩn.

Vaccine giúp nâng cao khả năng kháng bệnh của cơ thể. Khi chủng ngừa, hệ miễn dịch của cơ thể nhận diện vaccine là vật lạ sẽ tiêu diệt và ghi nhớ chúng, từ đó tạo được trí nhớ miễn dịch. Về sau khi tác nhân bệnh thật xâm nhập vào cơ thể, hệ miễn dịch sẽ tấn công tác nhân gây bệnh nhanh chóng và hiệu quả để bảo vệ cơ thể chống lại bệnh đó.

Vaccine là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do bệnh truyền nhiễm của nhân loại. Khoảng 85% - 95% người được tiêm ngừa vaccine sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh. Nhờ có vaccine hàng năm trên thế giới đã cứu sống được khoảng 2,5 triệu trẻ em không bị tử vong do bệnh truyền nhiễm. Tiêm ngừa vaccine góp phần quan trọng để đạt được mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc về giảm tỷ lệ tử vong cho trẻ dưới 5 tuổi trên toàn thế giới.

Cập nhật: 07/10/2022 SKĐS
  • 390