Kênh đào Suez: Lịch sử tuyến đường thủy huyết mạch quan trọng của thế giới

  •  
  • 1.304

Kênh đào Suez của Ai Cập - nơi một con tàu chở hàng lớn nhất thế giới đang bị mắc kẹt - có lịch sử từ 150 năm trước.

Kênh đào Suez của Ai Cập - nối biển Địa Trung Hải với Biển Đỏ thuộc Ấn Độ Dương - hiện là tuyến đường lưu thông của 10% thương mại hàng hải quốc tế, có khả năng đón tiếp những siêu tàu chở hàng lớn nhất thế giới. Để đạt được như ngày nay, tuyến đường thủy quan trọng này đã trải qua một số giai đoạn cải tạo và mở rộng nhất định.

Thời kỳ đầu

Khi lần đầu tiên đi vào hoạt động năm 1869, kênh đào Suez xuyên biển dài 164km và sâu 8m.

Theo Cơ quan quản lý kênh đào Suez, kênh này có thể đón các tàu có trọng tải lên tới khoảng 4.500 tấn ở độ sâu 6,7m - đặc điểm của phần lớn các con tàu trên thế giới vào thời điểm đó.

Hình tư liệu về lễ khánh thành kênh đào Suez của Ai Cập năm 1869.
Hình tư liệu về lễ khánh thành kênh đào Suez của Ai Cập năm 1869. (Ảnh: AFP).

Năm 1887, kênh Suez được hiện đại hóa để cho phép tàu thuyền đi lại vào ban đêm, tăng gấp đôi sức chứa.

Mở rộng vào những năm 1950

Mãi đến những năm 1950, tuyến đường thủy Suez mới được mở rộng đáng kể về độ sâu và chiều dài, theo yêu cầu của các công ty vận tải biển.

Vào thời điểm kênh Suez được Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser quốc hữu hóa năm 1956, nó có chiều dài 175km và sâu 14m - có thể để tàu chở dầu có tải trọng khoảng 27.000 tấn ở độ sâu 10,7m đi qua.

Kênh đào Suez năm 1955 trong một đợt cải tạo để mở rộng trước khi được Ai Cập quốc hữu hóa
Kênh đào Suez năm 1955 trong một đợt cải tạo để mở rộng trước khi được Ai Cập quốc hữu hóa. (Ảnh: AFP).

Thế kỷ 21

Một đợt mở rộng chính vào năm 2015 đã nâng chiều dài của tuyến đường thủy này lên 193,3km và độ sâu là 24m.

Điều đó đồng nghĩa với việc kênh đào có thể tiếp nhận các siêu tàu chở dầu với trọng tải khoảng 217.000 tấn - một trong những con tàu lớn nhất thế giới - ở sâu dưới nước tới 20,1m.

Vào năm 2019, lưu lượng tàu qua kênh đào Suez mỗi ngày là khoảng 50 tàu, so với chỉ 3 tàu một ngày vào năm 1869.

Nhóm tàu sân bay USS Abraham Lincoln của Hải quân Mỹ đi qua kênh đào Suez
Nhóm tàu sân bay USS Abraham Lincoln của Hải quân Mỹ đi qua kênh đào Suez ngày 8/5/2019 để tới vùng Vịnh. (Ảnh: AFP).

Theo thông tin từ giới chức, lưu lượng này dự kiến ​​sẽ tăng gần gấp đôi vào năm 2023 nhờ việc lưu thông hai chiều, giúp giảm thời gian chờ đợi.

Con đường nhanh nhất

Phần lớn lượng dầu vận chuyển bằng đường biển đi qua kênh đào Suez - con đường nhanh nhất băng qua Đại Tây Dương đến Ấn Độ Dương - tuy đòi hỏi phí đi lại rất cao.

Để dễ hình dung, hành trình giữa các cảng ở vùng Vịnh và London khi đi qua kênh Suez đã giảm gần một nửa so với hành trình tương tự đi qua cực nam của Châu Phi.

Hàng hóa đi từ vùng Vịnh đến Tây Âu chủ yếu là dầu mỏ. Ở chiều ngược lại, phần lớn lại là hàng hóa thành phẩm và ngũ cốc từ Châu Âu và Bắc Mỹ tới Viễn Đông và Châu Á.

Cập nhật: 26/03/2021 Theo Lao Động
  • 1.304