Nhiều người cho rằng, chỉ những ai có siêu năng lực thì mới có khả năng nhúng tay vào chảo dầu sôi mà không bỏng thôi.
Gần đây, cư dân mạng đang chia sẻ câu chuyện của ông Prem Kumar (65 tuổi) - một đầu bếp tại New Delhi, Ấn Độ với tài năng đặc biệt. Theo đó, ông sở hữu khả năng đủ khiến người xem phải thót tim: dùng tay không nhúng vào chảo dầu sôi để chiên cá.
Nhưng nhìn đi nhìn lại, ông Kumar cũng chỉ là người bình thường như bao người khác. Vậy phải chăng ông có... siêu năng lực hay việc nhúng tay vào chảo dầu sôi không nguy hiểm như chúng ta nghĩ?
Thực chất, việc nhúng tay vào nước nóng trên 60 độ C đã có khả năng gây bỏng cho chúng ta. Chính vì thế, việc nhúng tay các chất lỏng có nhiệt độ sôi cao hơn như dầu sôi (khoảng 200 độ C) đều CỰC KỲ NGUY HIỂM.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể "bình an vô sự" khi nhúng tay vào dầu sôi, giống như trường hợp của ông Pumar. Câu trả lời nằm ở một hiện tượng vật lý, mang tên "hiệu ứng Leidenfrost".
Leidenfrost là hiện tượng xảy ra khi chất lỏng tiếp xúc với bề mặt có nhiệt độ lớn hơn gấp nhiều lần nhiệt độ sôi của nó. Lúc này, một phần chất lỏng sẽ hóa hơi, tạo thành một lớp cách nhiệt mỏng. Các bạn có thể quan sát điều này trong hình dưới đây, khi nhúng quả cầu thép được nung đỏ vào nước.
Lớp cách nhiệt này sẽ làm chậm quá trình bay hơi của chất lỏng. Đặc biệt, tốc độ bay hơi lúc này còn chậm hơn so với khi chất lỏng tiếp xúc với bề mặt có nhiệt độ tiệm cận với nhiệt độ sôi của nó.
Giọt nước rơi vào chảo nóng (200 độ C) bay hơi rất chậm, mà thậm chí có thể lơ lửng do có lớp hơi cách nhiệt phía dưới.
Áp dụng nguyên lý này, chỉ cần nhúng tay vào nước, chúng ta thậm chí có thể nhúng tay vào... chì lỏng - với nhiệt độ sôi khoảng 450 độ C như thí nghiệm sau đây.
Đầu tiên là nung chảy chì...
Nhúng tay vào nước rồi... làm thật nhanh.
Nước khi tiếp xúc với bề mặt có nhiệt độ quá cao (ở đây là chì lỏng) sẽ tạo thành một lớp cách nhiệt, giúp tay chúng ta vô sự.
Các bạn có thể xem kỹ hơn về khả năng... nhúng tay vào chì lỏng qua video dưới đây.
Và ngược lại, chúng ta cũng có thể nhúng tay vào Ni-tơ lỏng mà không bị bỏng lạnh. Lúc này, tay chúng ta có nhiệt độ cao hơn rất nhiều so với nhiệt độ sôi của Ni-tơ (chỉ rơi vào khoảng -196 độ C).
Lúc này Ni-tơ lỏng sẽ làm thay vai trò của nước - hình thành một lớp khí cách nhiệt, giúp chúng ta bình an vô sự (tất nhiên chỉ trong thời gian rất ngắn thôi).
* Lưu ý: Tất cả các thí nghiệm trên đều đặc biệt nguy hiểm, các bạn tuyệt đối KHÔNG NÊN THỬ LÀM.