Linh vật SEA Games 31 - loài thú cổ đại được cho là bí ẩn nhất thế giới

  •  
  • 3.444

Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 đã chọn hình ảnh con sao la làm linh vật. Xung quanh loài động vật từng gây chấn động thế giới vào năm 1992 này vẫn còn nhiều điều bí ẩn thú vị.

Năm 1992, trong một chuyến khảo sát được Bộ Lâm nghiệp Việt Nam và Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tiến hành trong Vườn quốc gia Vũ Quang (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh), lần đầu tiên các chuyên gia phát hiện loài động vật mới trên thế giới, đó là sao la.

Tên sao la được phiên âm ra từ tiếng Thái và tiếng Lào, có nghĩa là "cặp sừng thẳng vút". Trên khuôn mặt sao la có các đốm trắng "như những ngôi sao thể hiện sự tỏa sáng trong rừng thẳm".

 Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 đã chọn hình ảnh sao la làm linh vật của đại hội.
Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 đã chọn hình ảnh sao la làm linh vật của đại hội.

Việc phát hiện loài sao la đã gây chấn động trên thế giới, vì giới khoa học cho rằng một loài thú lớn được tìm thấy vào cuối thế kỷ XX là chuyện khó có thể xảy ra. Nhưng, trong ký ức của nhiều người dân xã Hương Điền (nay là xã Thọ Điền) và Hương Quang (nay là xã Quang Thọ), huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh, thì hình ảnh con sao la không quá xa lạ với họ. Những năm 1990 về trước, người dân nơi đây đã săn bắt được rất nhiều cá thể sao la. Tuy nhiên, thời điểm đó, họ chỉ gọi đây là loài dê sừng dài.

Các nhà khoa học đi thực địa tại Vườn quốc gia Vũ Quang
Các nhà khoa học đi thực địa tại Vườn quốc gia Vũ Quang (Ảnh: Ông Tự cung cấp).

Ông Nguyễn Tiến Thanh (SN 1968), sinh ra và lớn lên tại xã Hương Quang, không lạ gì loài động vật này. Ông kể: "Trước đây, khu vực xã Hương Quang rất hoang vu, cây cối rậm rạp, chỉ có khoảng 12 hộ dân sinh sống. Loài vật này trước tập trung nhiều ở suối Chi Lời, từ chỗ chúng tôi sinh sống đi bộ đường rừng lên mất khoảng một tiếng đồng hồ".

Cũng theo ông Thanh, ngày trước, cuộc sống của người dân xã Hương Quang phần lớn phải dựa vào rừng. Họ chủ yếu đi săn bắt, chặt gỗ để sinh sống, nên sao la cũng là một trong những loài vật bị săn bắt để làm thức ăn.

"Trước đây chủ yếu dùng chó săn để đi săn bắt thú rừng. Loài sao la này chúng tôi gọi là dê sừng dài, vì chúng có cặp sừng dài, thẳng vút rất đẹp. Thời điểm đó, chúng tôi săn về để làm thức ăn, chứ không biết là nó quý hiếm như thế nào đâu. Một vài ngày người dân lại bắt được loài vật này. Mãi đến khi được các cơ quan chức năng thông tin là loài động vật quý hiếm, lần đầu tiên được tìm thấy, chúng tôi mới biết", ông Thanh cho biết.

Ông Trần Bỉnh Tự bên các tài liệu về loài sao la.
Ông Trần Bỉnh Tự bên các tài liệu về loài sao la. (Ảnh: Đức Phạm).

Ông Trần Bỉnh Tự - nguyên cán bộ Vườn quốc gia Vũ Quang là người được đoàn nghiên cứu của Bộ Lâm nghiệp Việt Nam (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và WWF nhờ dẫn đường, cộng tác trong chuyến nghiên cứu, khảo sát tại Vườn quốc gia Vũ Quang vào năm 1990. Ông nói: "Mục đích của chuyến khảo sát là hỗ trợ ban quản lý khu bảo tồn về công tác nghiên cứu, bảo vệ các nguồn gen, giống, loài và đa dạng sinh học".

Ông Tự kể, trong quá trình đi khảo sát, đoàn chuyên gia vào một nhà dân nằm ở gần bìa rừng, phát hiện tại đây đang lưu giữ bộ sừng thú thon dài và màu sắc rất đẹp. Các nhà khoa học đã thật sự sửng sốt vì bộ sừng này rất đặc biệt, không giống bất cứ sừng của loài động vật nào từng được công bố trước đó.

Trạm nghiên cứu, bảo tồn sao la ngay trong Vườn quốc gia Vũ Quang
Trạm nghiên cứu, bảo tồn sao la ngay trong Vườn quốc gia Vũ Quang (Ảnh: Ông Tự cung cấp).

"Gia đình này cho biết đây là cặp sừng của con dê sừng dài. Trong một lần đi làm rẫy bẫy được và đã giết thịt. Thấy cặp sừng đẹp nên họ để lại treo trong nhà như vật trang trí. Các nhà khoa học lúc ấy nhận định đây chính là loài động vật mới nên đã mua lại cặp sừng để đưa về nghiên cứu và mở cuộc điều tra. Đến tháng 5/1992, đoàn khảo sát đã công bố cặp sừng này chính là của con sao la, thuộc họ bò và lần đầu tiên được phát hiện trên thế giới", ông Tự nói.

Ngay sau khi loài sao la được công bố, Bộ Lâm nghiệp Việt Nam và WWF đã quyết định thành lập Trạm nghiên cứu, bảo tồn sao la ngay trong Vườn quốc gia Vũ Quang.

"Sao la có trọng lượng có thể lên tới 100 kg và cao 84 cm, cùng cặp sừng đẹp mắt dài đến 50 cm. Sao la là một loài nhút nhát, đánh hơi người rất giỏi nên để phát hiện ra chúng là cực kỳ khó khăn. Từ năm 1992-1997, các nhà nghiên cứu cũng chỉ thu thập được một số mẫu chân, mà không thấy bóng dáng của một cá thể sao la nào", ông Tự cho biết.

Hình ảnh chiếc đầu và cặp sừng của một con sao la được người dân treo trong nhà trước đây (Ảnh: Người dân cung cấp).

Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Vườn quốc gia Vũ Quang cho biết thêm, sao la là một mẫu vật sống quý giá cho các nhà nghiên cứu về các loài động vật cổ đại, vì qua hàng triệu năm, bộ gen của chúng vẫn giữ nguyên, tồn tại và thích nghi với môi trường sống cho tới tận bây giờ .

"Sao la là một loài thú cổ đại được cho là bí ẩn nhất thế giới, chỉ tồn tại ở vùng rừng núi hoang sơ nơi giáp ranh giữa Việt Nam và Lào", ông Hùng cho biết.

Theo ông Hùng, từ ngày loài sao la được công bố, Vườn quốc gia Vũ Quang cũng đã nhiều lần phối hợp với các nhà nghiên cứu khoa học thực hiện một số dự án về bảo tồn sao la nhưng quá trình thực địa không tìm thấy được con vật này.

"Loài sao la vừa rồi cũng được phát hiện tại tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế. Còn tại Hà Tĩnh từ lâu rồi rất ít có các chương trình, dự án nghiên cứu để điều tra về loài này. Chính vì thế mà sao la có còn sinh sống, tồn tại tại Vườn quốc gia Vũ Quang hay không cũng đang là một điều bí ẩn", ông Hùng nói.

Cập nhật: 10/05/2022 Theo Dân Trí
  • 3.444