Loài ký sinh ở mèo xuất hiện trên động vật biển có vú

  •  
  • 1.878

Các nhà nghiên cứu tại đại học bách khoa California đã phát hiện ra đầu mối giải thích cho bí ẩn tại sao các loài động vật biển có vú trên thế giới lại không chống chịu nổi một loài ký sinh thường chỉ thấy trên mèo. Nghiên cứu được trình bày trong cuộc họp lần thứ 108 của Hội vi trùng học Hoa Kỳ tại Boston. Chìa khóa của vấn đề có thể chỉ là loài cá cơm tầm thường.

Toxoplasma gondii - một loài ký sinh đơn bào gây ra bệnh toxoplasmosis, đứng thứ ba trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong liên quan đến nhiễm độc thức ăn ở Hoa Kỳ. Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa bệnh dịch ước lượng khoảng trên 20% dân số Hòa Kỳ nhiễm loài ký sinh này. Tuy nhiên, dạng lây truyền của nó (kén hợp tử) chỉ có ở mèo.

Trong thập kỷ vừa qua, toxoplasma đã lây lan sang rất nhiều loài động vật biển có vú bao gồm cá voi trắng, cá heo, sư tử biển và hải cẩu. Đây cũng là nguyên nhân chính gây tử vong đối với rái cá biển sống ở vùng bờ biển Califonia. Theo ước tính, khoảng 17% rái cá biển chết do toxoplasma. Nhiều người cho rằng dòng nước ngọt có chứa phân mèo chính là nguyên nhân, tuy nhiên vẫn chưa có kết luận khoa học dứt khoát về nguồn lây nhiễm.

Gloeta Massie, sinh viên cao học thực hiện cuộc nghiên cứu cùng với giáo sư Michael Black, cho biết: “Vấn đề đặt ra cho nghiên cứu của chúng tôi là làm cách nào động vật biển có vú từ Bắc Cực đến Úc lại bị lây nhiễm bởi loài ký sinh đươc nhân rộng chủ yếu qua tiêu huỷ phân mèo và thịt mèo mang bệnh? Dựa trên tính phổ biến lây nhiễm T. gondii, chúng tôi đưa ra giả thuyết rằng những loài di trú có cách thức kiếm mồi nhờ lọc thức ăn từ môi trường xung quanh, đặc biệt là loài cá cơm phương Bắc, là tác nhân đem T. gondii đi khắp các vùng biển”.

Cá cơm. (Ảnh: www.rockportflyfishers.com)


Không hề có nghiên cứu nào được công bố trước đây về khả năng lọc kén hợp tử của cá cơm. Vì vậy, đây là bước đầu tiên để chứng minh giả thuyết của họ. Massie và Black cho loài cá cơm phương Bắc tiếp xúc với loài ký sinh, rồi sử dụng kỹ thuật phân tử để kiểm tra sự hiện diện của loài ký sinh ở những con cá. Họ nhận thấy ADN của T. gondii xuất hiện trên 66% những con cá được thí nghiệm.

Như vậy họ đã chứng minh rằng cá cơm có thể lọc kén hợp tử từ nước, bước tiếp theo là xác định sự lây nhiễm của cá cơm khi tiếp xúc với những loài có vú.

Massie cho biết: “Bạn nghĩ rằng phát hiện của nghiên cứu muốn khuyên bạn nên ngừng ăn piza cá cơm? Nhưng không phải như vậy. Kén hợp tử của T.gondii bị tiêu hủy ở nhiệt độ cao. Thật không may rằng các loài động vật biển có vú không thể nấu thức ăn của mình trước khi ăn. Cá cơm là con mồi cho hầu hết các loài cá ăn thịt, động vật biển có vú và chim. Vì vậy nếu cá cơm có chứa kén hợp tử gây bệnh, đó có thể là con đường lây truyền T. gondii vào môi trường biển”

Trà Mi (Theo Physorg)
  • 1.878