Loài ốc "mặc áo giáp"

  •  
  • 1.048

Các nhà nghiên cứu thuộc Viện bảo tàng Lịch sử tự nhiên Thuỵ Điển đã phát hiện ra một trong những loài ốc dị thường nhất thế giới. Chúng có một lớp vảy cứng bằng sắt móc chặt vào nhau, tạo thành một tấm áo giáp kiên cố che phủ thân mình và phần dưới chân.

Loài ốc mới được phát hiện tại các miệng phun thuỷ nhiệt thuộc Ấn Độ Dương. Theo Anders Waren, trưởng nhóm nghiên cứu phát hiện ra loài ốc lạ, "con quái vật tí hon" này là động vật đầu tiên trên thế giới có bộ phận cơ thể "làm bằng" sulfur sắt. Khi ông dùng kẹp sắt để kiểm tra vảy của con ốc biển, chúng liền dính luôn vào kẹp. Nhờ thế, ông mới biết rằng vảy ốc được làm bằng sắt và bị nhiễm từ. Theo nhóm nghiên cứu, "áo giáp" của ốc giúp chúng tự bảo vệ trước những loài ăn thịt cùng sống trong miệng phun. Trước những tấm vảy chắc chắn, loài ốc chuyên săn mồi bằng cách tiêm nọc độc vào con mồi cũng phải chào thua.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng một chiếc tàu ngầm điều khiển từ xa để thám hiểm các miệng phun thuỷ nhiệt tại Ấn Độ Dương. Miệng phun thuỷ nhiệt là những ống ngầm dưới nước, được mệnh danh là "con nghiện đen" vì thường xuyên phun ra những dòng nước đen ngòm, nóng tới 400oC. Tuy nhiệt độ cao nhưng nước không sôi được do áp suất dưới đáy biển rất lớn, cao gấp 250 lần so với trên mặt biển. Nước ở gần miệng phun nguội hơn, mang nhiều khoáng chất (khiến cho nước có màu đen), trong đó có cả thành phần tạo nên "áo giáp" của ốc biển.

Đối với động vật hiện đại ngày nay, cấu trúc cơ thể của loài ốc biển này thực sự là một "mẫu trang phục" kỳ lạ. Tuy nhiên, đối với nhiều động vật nguyên thuỷ, đặc biệt là ở Kỷ Cambri (cách đây 540-500 triệu năm), vảy lại là "thời trang". Nhưng kết quả xét nghiệm gene và giải phẫu học cho thấy rằng, ốc "mặc áo giáp" có mối quan hệ rất gần gũi với ốc hiện đại. Điều này có thể khiến những người giàu trí tưởng tượng nghĩ ngay đến sự xuất hiện của một chiến binh La Mã lỉnh kỉnh giáp mũ bên bờ Hồ Gươm nhộn nhịp...

Thành phần vảy ốc có chứa 2 khoáng chất sulfur sắt là pyrite và greigite. Do cấu tạo sulfur thường thiếu ổn định nên chúng ta hiếm khi nhìn thấy chúng trên cơ thể sinh vật. Tuy nhiên, hợp chất sắt và sulfur lại xuất hiện rất nhiều ở những vùng biển giàu khoáng chất tại các hệ sinh thái có miệng phun thuỷ nhiệt, vì thế có thể hiểu được tại sao ốc ở đây lại có vảy bằng sulfur sắt.

Callum Roberts, chuyên gia nghiên cứu động vật thân mềm thuộc ĐH York (Anh), cho biết: "Miệng phun thuỷ nhiệt là nơi trú ngụ của quần thể động vật độc đáo, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về quá trình tiến hóa, thích nghi, và lịch sử về cuộc sống nguyên thuỷ trên trái đất. Đây chính là một hệ sinh thái tự nhiên phong phú mà chúng ta cần phải hết sức nâng niu, bảo vệ, như chúng ta từng bảo vệ vườn quốc gia trên mặt đất".

Theo VNN
  • 1.048