Loài rắn sọc ma quái “giả gái” để hút sinh khí tình địch

  •  
  • 3.645

Rắn sọc (Thamnophis) có đời sống tình dục đầy bí ẩn, trong đó con đực có thể tiết ra kích thích tố giống như con cái để đánh lừa các con đực khác quấn lại giao phối với nó tạo thành những quả bóng giao phối có khi tới cả 100 con đực khác cùng tham gia.

Hiện tượng kỳ lạ hàng chục con rắn sọc đực quấn quanh một con rắn đực lần đầu tiên đã được các nhà khoa học thuộc Đại học Oregon mô tả lại từ năm 1985 nhưng phải mất gần 20 năm sau các nhà khoa học mới bắt đầu tìm ra được những manh mối bước đầu lí giải về điều này.

Theo các nhà khoa học, rắn sọc vốn là loài ăn tạp, ăn sâu, cá và cóc, đặc biệt là có tập quán ngủ đông. Vào mùa đông khắc nghiệt chúng thường tụ tập ở dưới lòng đất trong những hang. Mỗi hang trú đông thậm chí có thể chứa tới 50.000 con rắn, thông thường khoảng 20.000-30.000 con.

Mùa giao phối của rắn sọc chỉ bắt đầu vào mùa xuân cũng là lúc chúng vừa trú đông xong, sức khỏe rất yếu. Ở loài rắn này, những con rắn phát hiện bạn tình thông qua đánh hơi kích thích tố đực và cái. Khi giao phối thường diễn ra theo kiểu tập thể, rất nhiều con đực quấn xung quanh một con cái tạo thành “quả bóng” giao phối.

Loài rắn sọc ma quái “giả gái” để hút sinh khí tình địch
Một con rắn sọc đực bị lạnh sau ngủ đông (màu trắng hơn so với những con khác) tiết ra kích thích tố đánh lừa một loạt con rắn đực khác vây quanh đòi quan hệ tình dục.

Tuy nhiên, điều kỳ lạ ở chỗ con rắn sọc đực lại có khả năng tiết ra cả hai loại kích thích tố tình dục đực và cái. Trong thực tế, các con đực sử dụng kích thích tố cái để hấp dẫn các con rắn đực khác hiểu nhầm nó là con cái và quấn lấy quan hệ. Từ đó cũng tạo thành những quả bóng tình dục cuốn hút thậm chí tới 100 con đực khác.

Đi tìm lời giải cho hiện tượng trên, một nhóm nhà nghiên cứu từ Đại học Sydney của Australia và Đại học bang Oregon của Mỹ trong một công trình được công bố trên tạp chí Nature cho rằng, chìa khóa giải mã sự khác thường này do chính tập quán sinh sống của loài rắn sọc.

Cụ thể, sau khi ngủ đông chúng đã trở nên yếu ớt, chậm chạp và cơ thể bị lạnh. Điều tất yếu để tồn tại được chúng cần phải được sưởi ấm trở lại càng nhanh càng tốt để di chuyển được. Cho nên việc rắn đực tạo ra phernomone (kích thích tố làm cho nó có mùi giống như một con rắn cái) để thu hút các con đực khác quấn lại có thể sẽ cách giúp con rắn hấp thụ được khí ấm của những con đực khác làm cho nó trở nên khỏe mạnh hơn nhiều so với những con rắn đực chỉ tiết ra kích thích tố đực và hành động như một con đực thực thụ.

Theo các nhà nghiên cứu, những con rắn đực mới ngủ đông dậy sử dụng kích thích tố giả làm rắn cái để thu hút sự chú ý của các con rắn đực khác tới vây quanh có thể được làm ấm cơ thể tới 28 độ C để hoạt động bình thường được chỉ trong vòng 3 giờ.

Điều cần lưu ý rằng, “thủ thuật” tiết kích thích tố giả làm rắn cái của rắn sọc đực để thu hút sự tán tỉnh, quan hệ của đại đa số rắn đực khác chỉ kéo dài một vài ngày. “Những con rắn đực giả làm rắn cái chỉ giới hạn trong ngày đầu tiên hoặc 2 ngày đầu tiên sau khi con rắn đực bừng tỉnh sau 8 tháng ngủ đông”, nhóm nghiên cứu cho biết trên tạp chí Nature.

Thậm chí một số nghiên cứu khác còn cho rằng, do mùa giao phối của rắn sọc thường bắt đầu ngay sau khi kết thúc ngủ đông nên việc ngụy trang thành rắn cái để đánh lừa hút sinh của các con rắn đực khác còn cho phép con rắn sọc đực có thể dễ dàng giao phối với các con cái khác mà không có nhiều đối thủ cạnh tranh. Song giả thiết này vẫn còn gây tranh cãi vì vẫn chưa đủ cứ liệu để chứng minh những con rắn đực làm vậy thì sẽ có lợi thế giao phối hơn. Trong thực tế những con rắn bị lạnh với thân nhiệt 10 độ C vẫn có thể quan hệ tình dục bình thường sau 5 giờ rời khỏi hang ngủ đông.

Ngoài ra, một số ý kiến còn nghi ngờ, chính việc giả làm rắn cái để tạo thành những quả bóng giao phối sẽ giúp con rắn mới ngủ đông dậy tránh được các nguy hiểm từ những loài săn mồi khác như quạ. Vì trong thực tế, rắn sọc không có khả năng độc tính mạnh, khi ngủ đông dậy chúng lại chạy rất chậm.

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục tìm hiểu xem hiện tượng giả rắn cái trong mùa giao phối của loài rắn sọc đem lại những lợi ích gì cho rắn đực. Theo nhà khoa học Barry R. Sinervo tại Đại học California cho biết, nguyên lý “hấp thụ nhiệt và có được an toàn” là một cách giải thích khá hợp lý trong trường hợp này nhưng sẽ cần phải mở rộng thêm nghiên cứu ở những loài khác để củng cố kết luận cho chặt chẽ hơn.

Theo Dân Việt
  • 3.645