Con rắn hổ mang chúa gieo rắc lo sợ cho dân làng Ấn Độ bị chuyên gia bắt rắn tóm gọn từ chỗ trốn dưới suối.
Các cư dân ở ngôi làng gần thành phố Thiruvananthapuram, thủ phủ bang Kerala, Ấn Độ, phát hiện con rắn hổ mang chúa dài 4,6 mét hôm 4/11, theo Newsflare. Lo sợ con rắn kịch độc có thể bò tới gần nhà, họ gọi cho chuyên gia bắt rắn Vava Suresh tới đưa nó đi.
Sau một hồi vật lộn, Suresh kéo thành công con rắn lên bờ.
Khi Suresh tới nơi, con rắn đã bò xuống suối, do đó anh phải lội nước. Sau một hồi vật lộn, Suresh kéo thành công con rắn lên bờ. Anh mang nó ra khỏi làng và thả vào khu rừng gần đó. Theo Suresh, đây là con rắn hổ mang chúa thứ 150 mà anh di chuyển.
Rắn hổ mang chúa (Ophiophagus hannah) là loài rắn thuộc họ Elapidae (rắn hổ) phân bố chủ yếu trong các vùng rừng nhiệt đới từ Ấn Độ đến Đông Nam Á. Đây là loài rắn độc dài nhất thế giới, với chiều dài tối đa ghi nhận được trong tự nhiên là 7 m.
Nọc độc của rắn hổ mang chúa chủ yếu thuộc nhóm neurotoxin (độc tố thần kinh). Nọc độc tấn công hệ thần kinh trung ương của nạn nhân, dẫn đến đau nhức, mờ mắt, chóng mặt, buồn ngủ, và cuối cùng tê liệt. Nếu tình trạng nghiêm trọng, chất độc có thể tiến đến hệ tuần hoàn khiến nạn nhân hôn mê và tử vong nhanh chóng do suy hô hấp.