Béo phì có thể ảnh hưởng đến não, làm hỏng khả năng nhận biết cảm giác no và cảm xúc thỏa mãn sau khi ăn chất béo và đường. Điều đó có thể giải thích tại sao người béo khó giảm cân, và thường dễ tăng cân trở lại nếu có giảm được.
Thông thường, sau khi ăn, não sẽ giải phóng dopamine làm người ăn có cảm giác thỏa mãn, cùng với tín hiệu rằng cần ngừng tìm kiếm thức ăn. Nhưng với người béo phì, chức năng đó của não đã bị ảnh hưởng. (Ảnh: I.E)
Một nghiên cứu thú vị của các nhà khoa học tại các trung tâm y tế Đại học Yale (Mỹ) và Đại học Amsterdam (Hà Lan) tiết lộ rằng, béo phì ảnh hưởng xấu đến cách não bộ của một người phản ứng với thực phẩm và chất dinh dưỡng. Theo các nhà nghiên cứu, một người béo phì trải qua những thay đổi não bộ kéo dài làm hạn chế khả năng cảm nhận những cảm xúc tích cực và sự hài lòng sau khi ăn.
Hơn nữa, những thay đổi não đó có thể kéo dài ngay cả sau khi những người béo phì đã giảm được một lượng cân nặng đáng kể. Cơ chế đó có thể giải thích tại sao nhiều người dễ bị tăng cân trở lại.
Tiến sĩ Caroline Apovian, giáo sư y khoa tại Trường Y Harvard, cho biết: “Không có dấu hiệu của sự đảo ngược - não của những người mắc bệnh béo phì tiếp tục thiếu các phản ứng hóa học nói với cơ thể rằng: "Được rồi, bạn đã ăn đủ rồi".
Theo định nghĩa về mặt y tế, những người mắc bệnh béo phì có chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 30, trong khi mức cân nặng bình thường có chỉ số BMI trong khoảng từ 18 đến 25.
Tiến sĩ Apovian, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết: “Nghiên cứu này nắm bắt được lý do tại sao béo phì là một căn bệnh, nó có những thay đổi thực sự đối với não bộ".
Tiến sĩ Sadaf Farooqi, Giáo sư về trao đổi chất và y học tại Đại học Cambridge ở Anh, người không tham gia vào nghiên cứu nói trên, cũng cho biết: “Nghiên cứu này rất nghiêm ngặt và khá toàn diện".
Nghiên cứu được công bố hôm 12/6 trên tạp chí Nature Metabolism, là một thử nghiệm lâm sàng có kiểm soát, trong đó 30 người được coi là béo phì về mặt y tế và 30 người có cân nặng bình thường được cho ăn đường carbohydrate (glucose), chất béo (lipid) hoặc nước (như là một dạng đối chứng). Mỗi nhóm chất dinh dưỡng được đưa trực tiếp vào dạ dày qua ống dẫn thức ăn vào những ngày riêng biệt.
Một phụ nữ đi qua quảng cáo đồ ăn nhanh ở Bristol, Anh. (Ảnh: Getty Images).
Tiến sĩ Mireille Serlie, Giáo sư nội tiết tại Trường Y Yale, người dẫn đầu nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi muốn bỏ qua miệng và tập trung vào mối liên hệ giữa ruột và não, để xem các chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến não một cách độc lập như thế nào khi nhìn, ngửi hoặc nếm thức ăn”.
Vào đêm trước khi thử nghiệm bắt đầu, tất cả 60 người tham gia nghiên cứu đều ăn cùng một bữa tối tại nhà và không ăn lại cho đến khi đặt ống truyền thức ăn vào sáng hôm sau. Khi đường hoặc chất béo đi vào dạ dày qua ống, các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) và chụp cắt lớp vi tính phát xạ đơn photon (SPECT) để ghi lại phản ứng của não trong 30 phút.
Tiến sĩ Farooqi cho biết: “MRI cho thấy nơi các tế bào thần kinh trong não đang sử dụng oxy để phản ứng với chất dinh dưỡng - phần não đó sáng lên. Một quá trình quét khác đo lường dopamine - loại hormone là một phần của hệ thống 'phần thưởng', là tín hiệu phát ra khi não tìm kiếm được thứ gì đó thú vị, bổ ích và thúc đẩy và sau đó muốn thứ đó.”
Các nhà nghiên cứu quan tâm đến việc chất béo và glucose sẽ kích hoạt riêng lẻ các vùng khác nhau của não kết nối với các khía cạnh "phần thưởng" của thực phẩm như thế nào. Họ muốn biết liệu điều đó có khác nhau ở những người béo phì so với những người có cân nặng bình thường hay không.
Tiến sĩ Serlie cho biết: “Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến thể vân - phần não liên quan đến động lực thực sự đi tìm thức ăn và ăn thực phẩm của con người". Nằm sâu trong não, thể vân cũng đóng một vai trò trong việc hình thành cảm xúc và thói quen.
Ở những người có cân nặng bình thường, nghiên cứu cho thấy tín hiệu não ở thể vân bị chậm lại khi đường hoặc chất béo được đưa vào hệ tiêu hóa - là bằng chứng cho thấy não nhận biết cơ thể đã được cho ăn.
Tiến sĩ Serlie giải thích: “Việc giảm tổng thể hoạt động của não có ý nghĩa bởi vì một khi thức ăn đã ở trong dạ dày của bạn, bạn không cần phải đi kiếm thêm thức ăn".
Đồng thời, mức độ dopamine tăng ở những người có cân nặng bình thường, báo hiệu rằng các trung tâm "khen thưởng" của não cũng được kích hoạt, tức là não phát đi cảm xúc thỏa mãn sau khi ăn.
Tuy nhiên, khi các chất dinh dưỡng tương tự được cung cấp qua ống cho những người được coi là béo phì về mặt y tế, hoạt động của não không chậm lại và mức độ dopamine không tăng. Điều đó đồng nghĩa, não chưa phát tín hiệu ngừng tìm kiếm thức ăn, và chưa cho cảm xúc thỏa mãn vì đã được ăn.
Điều này đặc biệt đúng khi thức ăn là chất béo. Tiến sĩ Farooqi cho biết phát hiện đó rất thú vị vì hàm lượng chất béo càng cao thì thực phẩm càng mang tính "phần thưởng": “Đó là lý do tại sao bạn thực sự muốn ăn một chiếc bánh mì kẹp thịt thay vì bông cải xanh, chất béo trong bánh mì kẹp thịt sẽ mang lại phản ứng tốt hơn trong não về mặt sinh học”.
Tiếp theo, nghiên cứu yêu cầu những người mắc bệnh béo phì giảm 10% trọng lượng cơ thể trong vòng ba tháng - một lượng cân nặng được biết là giúp cải thiện lượng đường trong máu, thiết lập lại quá trình trao đổi chất và tăng cường sức khỏe tổng thể.
Các thử nghiệm được lặp lại như trước - với kết quả đáng ngạc nhiên. Tiến sĩ Serlie cho biết, việc giảm cân không thiết lập lại cơ chế bộ não ở những người béo phì.
Bà nói: “Không có gì thay đổi - bộ não vẫn không nhận ra cảm giác no hoặc cảm thấy hài lòng. Bây giờ, bạn có thể nói ba tháng là không đủ dài, hoặc họ không giảm đủ cân".
“Nhưng phát hiện này cũng có thể giải thích lý do tại sao mọi người giảm cân thành công và sau đó dễ tăng cân trở lại, bởi tác động lên não có thể không hồi phục như chúng ta mong muốn", nhà nghiên cứu giải thích.
Một phân tích tổng hợp năm 2018 về các thử nghiệm lâm sàng giảm cân dài hạn cho thấy 50% số cân nặng giảm ban đầu của một người đã "trở lại" sau hai năm, và đến năm thứ năm, 80% số cân nặng về như cũ.
Tiến sĩ Serlie cho biết cần thận trọng khi giải thích những phát hiện này, vì còn nhiều điều chưa biết: “Chúng tôi không biết khi nào những thay đổi sâu sắc này trong não xảy ra trong quá trình tăng cân. Khi nào não bắt đầu mất khả năng cảm nhận?”
Chúng ta sai lầm khi cho rằng việc tăng cân có thể được giải quyết đơn giản bằng cách "chỉ cần ăn ít hơn, tập thể dục nhiều hơn và nếu bạn không làm điều đó thì đó là sự thiếu ý chí'".
Béo phì có yếu tố di truyền và mặc dù nghiên cứu đã cố gắng kiểm soát điều đó bằng cách loại trừ những người mắc bệnh béo phì khi còn nhỏ, nhưng vẫn có khả năng “các gene đang ảnh hưởng đến phản ứng của chúng ta trong não đối với một số chất dinh dưỡng", Tiến sĩ Farooqi, người đã nghiên cứu vai trò của gene trên trọng lượng trong nhiều năm, nhận xét.
Theo họ, cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để hiểu đầy đủ tác hại của bệnh béo phì đối với não và liệu điều đó có được kích hoạt bởi chính mô mỡ, loại thực phẩm ăn vào hoặc các yếu tố môi trường và di truyền khác hay không.
“Có những thay đổi xảy ra ở mọi người khi họ tăng cân không? Hay có những thứ mà họ ăn khi tăng cân, chẳng hạn như thực phẩm siêu chế biến, đã gây ra sự thay đổi trong não bộ? Tất cả những điều này đều có thể xảy ra và chúng tôi thực sự không biết đó là gì", ông Farooqi nói.
TIến sĩ Serlie cho biết, cho đến khi khoa học trả lời những câu hỏi này, nghiên cứu nhấn mạnh một lần nữa rằng, sự kỳ thị cân nặng không có chỗ trong cuộc chiến chống béo phì.
Bà nói: “Niềm tin rằng việc tăng cân có thể được giải quyết đơn giản bằng cách "chỉ cần ăn ít hơn, tập thể dục nhiều hơn và nếu bạn không làm điều đó thì đó là sự thiếu ý chí" là điều quá đơn giản và sai sự thật".
“Tôi nghĩ điều quan trọng đối với những người đang đấu tranh với bệnh béo phì là phải biết rằng bộ não bị trục trặc có thể là lý do khiến họ phải vật lộn với lượng thức ăn nạp vào cơ thể. Và hy vọng thông tin này sẽ làm tăng sự đồng cảm cho cuộc đấu tranh đó", bà Serlie nhấn mạnh.