Các bãi biển ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc thuộc biển Hoàng Hải đang chuyển sang màu xanh do lớp tảo biển sinh sôi nhanh chóng bao phủ dày đặc.
Một người đàn ông vác phao đi trên bờ biển phủ lớp tảo dày ở Thanh Đảo hôm 6/7. (Ảnh: Reuters)
Hai em bé chơi đùa trên bờ biển kín tảo một ngày cuối tháng 6/2015. (Ảnh: Reuters)
Hiện tượng tảo phủ kín mặt nước được cho là hậu quả của biến đổi khí hậu kết hợp với ô nhiễm công nghiệp tại Trung Quốc. Nhiệt độ nước biển ấm lên cộng với phốt pho và nitrat trong phân bón và rác thải công nghiệp, trở thành điều kiện lý tưởng để tảo sinh sôi và lan rộng nhanh chóng.
Tình trạng tảo xâm lấn mặt biển Trung Quốc đã xảy ra từ nhiều năm nay. Năm 2013, ước tính tảo biển trải khắp diện tích lên đến gần 19.500 km2, xấp xỉ diện tích của xứ Wales, Anh. Các tình nguyện viên và công nhân vệ sinh đã vớt được khoảng 20.000 tấn tảo bốc mùi hôi thối.
Trong hình là vạt tảo xanh đặc trải rộng mặt biển ở Thanh Đảo được ghi lại ngày 4/7/2013. (Ảnh: AFP)
Một người đàn ông vùi mình trong lớp tảo dày khi chơi đùa cùng bạn bè tại biển Thanh Đảo hôm 3/7/2013. Tảo biển được cho là không có hại với con người. Tuy nhiên, với số lượng lớn nó có thể gây nguy hiểm khi phân hủy và sản sinh khí hydrogen sulphide độc hại. Lớp tảo dày cũng hút hết oxy trong nước khiến các động vật biển ngạt thở. (Ảnh: AFP)
Trước đó, tảo tấn công khiến chính phủ Trung Quốc phải huy động cả lực lượng quân đội dọn dẹp vùng biển Thanh Đảo, nơi tổ chức đua thuyền trong khuôn khổ Olympic Bắc Kinh 2008. (Ảnh: Reuters)
Hơn 11.000 người gồm các tình nguyện viên và binh lính cùng ra quân làm sạch bờ biển. Bức hình ghi lại cảnh làm vệ sinh bãi biển của các binh lính Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc gần Trung tâm Đua Thuyền tại Thanh Đảo hôm 5/7/2008. (Ảnh: AFP)
IBTimes cho hay, một trong những sáng kiến thời trang kỳ lạ do hệ lụy của hiện tượng tảo xâm lấn là Facekini, loại mặt nạ trùm kín đầu được khoét 3 lỗ ở hai mắt và miệng. (Ảnh: Rex Features)