Sao Diêm Vương - được biết đến là hành tinh lùn lớn thứ 2 trong Hệ Mặt Trời - giờ đã không còn là nơi lạnh nhất trong hệ Mặt Trời. Các miệng hố đen ở gần cực Nam của Mặt Trăng đã giành được "danh hiệu" này.
Những bờ mép thẳng đứng của những những miệng hố này đã ngăn không cho ánh sáng Mặt Trời chạm tới vùng trung tâm của nó. Trong vùng bóng đêm vĩnh viễn này, nhiệt độ luôn giữ nguyên không thay đổi là -240 độ C, cao hơn khoảng 30 độ trên độ không tuyệt đối và lạnh hơn trên sao Diêm Vương là 10 độ C, nơi đã đo được nhiệt độ là -230 độ C vào năm 2006.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, Richard Vondrak, một nhà khoa học của NASA đã cho biết, cực Nam Mặt Trăng là một trong những nơi lạnh nhất trong hệ Mặt Trời và thực tế nhiệt độ đo được tại đây còn lạnh hơn nhiều so với chúng ta thường nghĩ như tại sao Diêm Vương.
Cực Nam của Mặt Trăng là một trong những nơi lạnh nhất trong hệ Mặt Trời.
Tuy nhiên, nhiệt độ lạnh này lại là một tín hiệu tốt cho những ai đang có ý định tìm kiếm nước đóng băng tích tụ trong các vùng tối (bóng râm) của Mặt Trăng. Những tính toán trước đây cho thấy nước và những chất khí dễ bay hơi khác sẽ biến mất trong không gian ở nhiệt độ trên khoảng -220 độ C.
Những số liệu đo được này được thực hiện bởi con tàu thám hiểm Mặt Trăng (LRO) của NASA phóng lên hồi tháng 6 vừa qua.
Bộ cảm biến nhiệt độ của vệ tinh này, DIVINER, đã đo được lượng bức xạ phát ra và phản xạ lại bởi bề mặt. LRO có một số thiết bị khác được thiết kế để lập bản đồ các tính chất, ví dụ như địa hình và hàm lượng neutron, một dấu hiệu có thể giúp nhận diện dấu hiệu của nước.
Những kết quả nghiên cứu về nhiệt độ này làm tăng thêm hy vọng rằng Vệ tinh cảm biến và quan sát miệng núi lửa Mặt Trăng (LCROSS) sẽ tìm thấy những bằng chứng của nước khi nó sẽ lao vào một hố gần cực Nam của Mặt Trăng vào ngày 9/10 tới.