Mộc nhĩ đen, mộc nhĩ trắng mỗi thứ 15 g nấu nhừ, thêm 10 g đường phèn, ăn nóng điểm tâm hoặc tráng miệng. Cả hai loại mộc nhĩ này đều chứa nhiều canxi, cao hơn hẳn đậu nành.
Trong y học cổ truyền, tình trạng thiếu canxi và các bệnh lý còi xương, loãng xương... thuộc phạm vi chứng “cốt nuy”, “cam tích”. Cơ chế bệnh sinh chủ yếu là do tạng thận hư suy nên không sinh được tủy, tủy thiếu không sinh được xương. Một số bài dược thiện điển hình phòng trị thiếu canxi:
Quy bản (mai rùa), vỏ trứng gà mỗi thứ 100 g rửa sạch, để ráo nước rồi sao giòn, nghiền thành bột mịn, đựng trong lọ kín dùng dần. Mỗi ngày ăn 2 lần, mỗi lần 5 g, trộn thêm với một chút đường trắng. Quy bản và vỏ trứng gà đều chứa rất nhiều canxi, riêng quy bản còn là một vị thuốc đông y có công dụng bổ thận âm, chuyên dùng để điều trị các chứng nhức xương, lưng đau gối mỏi, ho lâu ngày. Món dược thiện này đặc biệt tốt cho người có tuổi bị loãng xương hoặc xương gãy lâu liền.
Ngao 10 con, ngâm trong nước, rửa sạch, cho vào bát, đập một quả trứng gà, quấy đều, chế thêm gia vị rồi đem hấp chín ăn. Theo dược học cổ truyền, ngao vị mặn, tính lạnh, có công dụng tư âm lợi thủy hóa đàm; trứng gà vị ngọt, tính bình có công dụng tư âm, nhuận táo, dưỡng huyết. Nghiên cứu hiện đại cho thấy thịt ngao và trứng gà đều chứa khá nhiều canxi: trong mỗi 100 g thịt ngao có 177 mg canxi, mỗi 100 g lòng đỏ trứng gà có 134 mg canxi. Ngoài ra, trứng gà còn chứa khá nhiều vitamin D, có tác dụng thúc đẩy quá trình hấp thu canxi và phốt pho.
Đậu tương 100 g, rửa sạch; nấm hương khô 10 g, ngâm nước sôi cho nở; xương sườn lợn 500 g, rửa sạch, chặt nhỏ. Đem đậu tương và sườn lợn hầm thật nhừ, cho nấm hương vào đun thêm một lát là được, chế đủ gia vị, dùng làm canh ăn. Theo dược học cổ truyền, đậu tương vị ngọt, tính bình, có công dụng kiện tỳ vị, bổ khí huyết, lợi thủy; nấm hương vị ngọt, tính bình, có công dụng kiện tỳ vị, bổ khí huyết. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, thành phần dinh dưỡng của đậu tương hết sức phong phú, rất giàu đạm và các acid amin quý, đồng thời còn chứa nhiều các chất khoáng cần thiết cho cơ thể, trong mỗi 100 g đậu tương có chứa tới 165 mg canxi. Nấm hương từng được mệnh danh là “vua của các loại rau khô”, cũng là một loại thực phẩm có rất nhiều canxi và vitamin D, trong mỗi 100 g nấm hương có chứa 180 mg canxi.
Chân cua tươi 200 g rửa sạch, sao vàng, nghiền thành bột mịn, đựng trong lọ kín dùng dần, mỗi ngày uống 1-2 lần, mỗi lần 5 g với nước cơm. Theo dược học cổ truyền, cua vị mặn, tính lạnh, có công dụng thanh nhiệt, dưỡng cân, hoạt huyết, thông kinh hoạt lạc. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, cua là loại thực phẩm giàu canxi vào bậc nhất, ước tính mỗi 100 g cua đồng có tới 5.040 mg canxi. Bởi vậy, kinh nghiệm dân gian dùng bột chân cua đồng để chữa chứng bệnh còi xương ở trẻ em là rất có lý.
Bột hải mã, tinh hoàn trâu hoặc bò, đan sâm mỗi vị 500 g; hoàng kỳ, a giao, hạch đào nhân (sấy khô tán bột), đường phèn mỗi vị 250 g. Đem hoàng kỳ và đan sâm sắc kỹ 3 lần, lấy nước bỏ bã rồi cho tinh hoàn trâu, bò đã rửa sạch thái lát vào, hầm nhỏ lửa cho thật nhừ. Tiếp đó cho a giao đã đun chảy bằng rượu, đường phèn, bột hải mã vào cô đặc thành cao. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 thìa canh. Công dụng: bổ thận tráng dương, cường gân kiện cốt, dùng rất tốt cho những người có tuổi bị thiếu canxi, loãng xương.
Tôm nõn 50 g, trứng gà một quả, rau hẹ 200 g, dùng dầu thực vật xào ăn. Theo dược học cổ truyền, tôm vị ngọt, tính ấm, có công dụng bổ thận tráng dương, cường gân kiện cốt; rau hẹ vị ngọt, tính ấm, có công dụng ôn thận trợ dương, bồi bổ và làm ấm tỳ vị. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, tôm là một trong những loại thực phẩm rất giàu canxi, trong mỗi 100 g tôm đồng có tới 1.120 mg canxi, trong mỗi 100 g tôm nõn có 882 mg canxi.
ThS Hoàng Khánh Toàn, Sức Khỏe & Đời Sống