Một số điểm tương đồng giữa kiến và người mà chúng ta chưa biết

  •  
  • 5.856

Kiến, tên khoa học là Formicidae, là một họ côn trùng thuộc bộ Cánh màng. Các loài trong họ này có tính xã hội cao, có khả năng sống thành tập đoàn lớn có tới hàng triệu con, phân bố trên một khu vực rộng lớn. Các tập đoàn kiến đôi khi được coi là các siêu cơ quan vì chúng hoạt động như một thực thể duy nhất, vô cùng đoàn kết. Bài viết xin giới thiệu một số điều thú vị có thể bạn chưa biết về loài vật nhỏ bé nhưng vô cùng đông đúc này.

>>> Phát hiện mấu chốt về địa vị xã hội của loài kiến

1. Khối lượng to lớn và số lượng áp đảo

Có một điều bạn khó có thể tin được rằng: Tổng sinh khối của tất cả kiến ​​trên trái đất tương đương với tổng sinh khối của loài người.

Một số điểm tương đồng giữa kiến và người mà chúng ta chưa biết

Chúng ta to lớn hơn rất rất nhiều. Tất nhiên là thế. Nhưng chúng ta bị lấn át hoàn toàn về số lượng. Cứ tính trung bình, dân số thể giới hiện nay vào khoảng 7-8 tỉ người. Còn số lượng kiến vào khoảng 10 triệu tỉ, với hơn 12.000 loài kiến ​​được biết là tồn tại, trên khắp các lục địa, trừ Nam Cực.

Như vậy, mỗi người chúng ta phải so sánh với khoảng 1.5 triệu chú kiến. Mỗi người chúng ta trung bình nặng 70kg. Nhẩm tính trung bình, cứ 150 chú kiến nặng khoảng 7g.

2. Sức mạnh phi thường từ mỗi thành viên và từ sự đoàn kết cộng đồng

Chúng ta vẫn thường được nghe những chuyện lạ Việt Nam như kiểu dùng răng kéo đầu tàu hay kéo ô tô đi vài trăm mét. Cơ mà là kéo trên phương nằm ngang, tức là chỉ thắng lực ma sát ở các bánh xe. Chứ có ai mà nhấc bổng được chiếc huyndai lên cao quá đầu hay chỉ là nhấc bổng một người khác đi vài cây số thôi cũng đủ bá đạo lắm rồi. Thế nhưng, loài kiến bé nhỏ, lại có thể làm nhiều hơn cả những điều đó. Nếu tính về tỉ lệ khối lượng, kiến có khả năng mang một vật có trọng lượng gấp 50 lần trọng lượng cơ thể, và đi suốt một chặng đường rất rất dài mà không mệt mỏi. Tương ứng với việc, bạn có thể nhấc bổng một con voi lên cao quá đầu, và đi ve ve suốt một chặng đường vài chục cây số.

Một số điểm tương đồng giữa kiến và người mà chúng ta chưa biết

Và kiến là một loài hoạt động bầy đàn và có kết cấu xã hội phức tạp. Nên chẳng có gì lại khi một đàn kiến có thề khiêng 1 con voi.

Sức mạnh thực sự của một con kiến​​, nằm ở kích thước nhỏ bé của nó. Để giải thích điều này, cần phải hiểu một số số đo cơ bản của kích thước, khối lượng, và sức mạnh. Sức mạnh của cơ bắp là tỷ lệ thuận với thiết diện của cơ. Diện tích là một phép đo hai chiều, và tỷ lệ với bình phương kích thước dài. Như vậy, sức mạnh tỉ lệ với một đại lượng diện tích (thiết diện), và dó đó tỉ lệ với bình phương kích thước dài. Còn khối lượng/trọng lượng của một vật/con vật tỉ lệ với lập phương kích thước dài của nó. Khi một con vật có kích thước càng lớn, tỉ lệ giữa sức mạnh/khối lượng càng nhỏ và ngược lại. Điều đó giải thích vì sao kiến thực sự là những lực sĩ trong tự nhiên.

3. Nhà nông điêu luyện

Kiến đã bắt đầu “nghề nông” từ khoảng 50 triệu năm về trước, tức là trước luôn cả lúc con người có suy nghĩ đầu tiên về nghề nông. Chúng biết cắt lá, xây tổ, trồng trọt, chăn nuôi…. đủ cả. Hầu hết chúng làm được điều này là do bản năng (nghĩa là chúng không phải nghĩ hay tập làm những công việc này để làm như thế nào). Và theo một cách khác chúng ta vẫn hiểu, đây chính là mội quan hệ cộng sinh giữa các loài trong tự nhiên. Vậy loài kiến trồng cây gì và nuôi con gì?

Kiến chăn nuôi

Một số điểm tương đồng giữa kiến và người mà chúng ta chưa biết

Kiến nuôi con gì? Câu trả lời hay gặp nhất là con rệp (rệp sáp, rệp vừng…). Rệp, thường hút nhựa cây, và tiết ra chất mật mà kiến rất thích ăn. Kiến chăn nuôi rệp để lấy mật như người ta chăn nuôi bò để lấy sữa. Ngược lại, chúng bảo vệ rệp khỏi các loài thiên địch (ong bò vẽ hoặc bọ dừa…), cũng có thể tha rệp từ nơi này đến nơi khác an toàn hơn.

Kiến trồng trọt

Một ví dụ điển hình là loài kiến Cheye (kiến cắn lá) ở khu rừng nhiệt đớn Goatemala Brazil. Vào ban đêm, những con khỏe mạnh có nhiệm vụ cắt lá cây. Những con khác có nhiệm vụ xén nhỏ những chiếc lá đã cắt thành miếng nhỏ hơn, để vẩn chuyển về tổ.

Một số điểm tương đồng giữa kiến và người mà chúng ta chưa biết

Ở tổ, một số con khác chuyên lo mảng kĩ thuật sẽ nghiền lá vụn ra, tiết nước bọt để trộn đều, rồi cấy lên đó những sợi nấm giống vẫn cất giữ. Sau một thời gian, nấm mọc lên và chính các con kiến kĩ thuật sẽ thu hoạch nấm trước khi chúng nở xòe, phân chia cho cả đàn. Có một điều đặc biệt rằng, ruộng nấm của chúng vô tình có một điều kiện khá thuận lợi. Ở đó, lá cây lên men, mục dã nên nhiệt độ dao động quanh mức 25 độ và độ ẩm khoảng 55-60%.

Điều đáng ngạc nhiên là chúng cũng biết cách bón phân (tiết nước bọt, nhiều dinh dưỡng), cắn bỏ những phần nấm không ăn được, và chọn ra những sợi nấm để cất giữ làm giống cho vụ sau.

Kiến bảo vệ cây cối

Một số loài kiến sống cộng sinh với các cây mà chúng làm tổ. Chúng bảo vệ một số loài cây tiết mật, hoặc những cây làm chỗ để sinh sống. Một ví dụ điển hình là cây keo. Trải qua hàng ngàn năm, loài cây bụi đầy gai này đã trở thành nguồn cung cấp thức ăn và nơi trú ẩn cho những chú kiến hiếu chiến nhằm bảo vệ cây khỏi những động vật muốn ăn lá keo. Đây chính là mối quan hệ cộng sinh có lợi cho cả cây keo và kiến.

Một số điểm tương đồng giữa kiến và người mà chúng ta chưa biết

Các nhà khoa học khi đang tiến hành nghiên cứu về sự sụt giảm số lượng những loài động vật lớn ở Châu Phi đã băn khoăn không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu những loài động vật này không ăn lá cây keo nữa. Chính vì thế họ đã rào xung quanh một số cây keo để ngăn không cho voi, hươu cao cổ và các loài động vật khác tiếp cận. Đáng ngạc nhiên là sau một vài năm những cây bị rào trông có vẻ ốm yếu và lớn chậm hơn những họ hàng không bị ngăn cách. Hoá ra là khi không có động vật ăn lá quấy rầy, cây keo không buồn quan tâm đến những chú kiến. Chúng tiết ít mật hoa hơn và mọc ít gai lồi hơn để những chú kiến có nơi trú ẩn. Kết quả là những chú kiến vệ sĩ sẽ phá hoại cây bị thay thế bởi những loài côn trùng khác đục lỗ trên vỏ cây.

4. Cấu trúc xã hội của một tổ kiến vô cùng chặt chẽ

Mỗi đàn kiến thông thường có khoảng 100.000 thành viên, trong đó chỉ có một con đầu đàn, gọi là kiến chúa. Kiến chúa có kích thước lớn nhất tổ, trung bình có chiều dài 6 xentimét (2,4 in) với sải cách 15 xentimét (5,9 in). Kiến chúa là kiến cái, cũng là mẹ chung của các con kiến khác. Kiến chúa sống trong phòng chúa ở giữa tổ, đẻ trứng suốt đời. Trong suốt cuộc đời, kiến chúa có thể đẻ tới hàng vạn quả trứng. Những trứng đó sau này sẽ là "thành viên" của tổ, bao gồm cả kiến thợ (lực lượng đông đảo nhất), kiến đực và cả kiến chúa non (để sau đó xây dựng tổ mới).

Kiến đực có kích thước nhỏ nhất trong tổ, có cánh, và chỉ có nhiệm vụ là ăn và ‘’xếp hình’’ với kiến chúa để duy trì nòi giống. Phối giống xong, con đực chết, cánh của những con đực rụng xuống cộng với phần cơ bắp của chúng chính là thức ăn duy trì sự sống cho con cái để sản sinh ra những con kiến thợ đầu tiên.

Thành phần đông đảo nhất, cũng là lực lượng lao động chính của tổ kiến chin là kiến thợ. Công việc của chúng là chăm sóc kiến chúa, ấp trứng, chuyển trứng, nuôi kiến con, tìm kiếm thức ăn, đào đất xây dựng tổ, canh gác tổ (kiến lính- một loại đặc biệt của kiến thợ)... Tất cả những con kiến thợ này đều là kiến cái nhưng chúng không thể sinh sản được vì cơ cấu giới tính của chúng chưa phát triển đầy đủ. Các con kiến trong mỗi tổ phân biệt với những con cùng loài khác tổ bằng mùi.

Một số kiến thợ được tuyển dụng, huấn luyện trở thành kiến lính, có nhiệm vụ gác cổng và bảo vệ tổ. Có một điều đặc biệt ít ai biết đến là kiến lính dùng đầu của mình, cắm các lối vào tổ và ngăn chặn tất cả các kẻ xâm nhập bất hợp pháp. Đầu chúng thò ra khỏi các lối vào như một cái nút chai, khi các kiến thợ khác trở về, muốn vào tổ, chúng sẽ phải chạm và đầu kiến lính. Bằng một hình thức truyền tin nào đó, kiến lính biết đây là thành viên của tổ, và mở cổng cho kiến thợ vào. Khi có kẻ thù xâm chiếm hoặc tấn công tổ, chúng tập trung và giúp bảo vệ tổ bằng cách cắn, tiêm (bản chất tiết là acid fomic) vào kẻ thù. Một số loài dùng răng để đuổi các con kiến khác khỏi tổ của mình.

Kiến ăn nhiều loại thức ăn. Một số ăn hạt giống, săn động vật khác và có cả loài ăn nấm... nhưng hầu hết chúng thích đồ ngọt. Các con kiến tìm mồi ở khắp mọi nơi, đôi khi lấy của các tổ khác. Chúng mang về tổ và làm của cải chung cùng hưởng thụ.

Ngoài mối quan hệ, phân chia công việc và thành phẩm rõ ràng như vậy trong tổ, giữa các tổ trong một loài cũng có những mối quan hệ cạnh tranh, chiến tranh hoặc hợp tác nhất định sẽ phần nào được nói đến ở phần dưới đây.

5. Nô dịch và đấu tranh

Loài kiến chủ nô (Protomognathus americanus) ở Mỹ thường tập kích các tổ của một loài kiến láng giềng (Temnothorax longispinosus), giết chết những cá thể trưởng thành và bắt những con kiến trẻ khác loài làm nô lệ. Và cuộc sống nô lệ của những con kiến T.longispinosus bắt đầu với vai trò gần giống như “ôsin” ở xã hội loài người.

Một số điểm tương đồng giữa kiến và người mà chúng ta chưa biết

Chúng bón cho kiến chủ nô ăn. Hàm trên của kiến chủ nô rất khỏe và nhọn hoắt như mũi kim, là vũ khí sắc bén trong các cuộc cướp bóc và chiếm cứ các tổ kiến khác. Thế nhưng chính vũ khí này lại làm chúng không thể tự ăn được, phải nhờ những con kiến nô lệ bón cho ăn. Ngoài ra, kiến nô lệ giúp kiến chủ nô xây tổ, kiếm thức ăn, nuôi con nhỏ, làm sạch tổ, thậm chí giúp chủ cướp phá các tổ kiến khác. Những con kiến nô lệ này bị bóc lột thậm tệ, và tuổi đời thường chỉ khoảng 2 tháng.

Một số điểm tương đồng giữa kiến và người mà chúng ta chưa biết

Kiến nô lệ bón cho kiến chủ nô ăn

Có một điều đặc biệt là, kiến dũng sĩ không bao giờ cướp kiến trưởng thành từ tổ khác, mà chỉ cướp ấu trùng. Các nhà khoa học cho rằng, có thể vì chúng sợ khi cướp và áp bức những con kiến lớn, chúng sẽ tìm cách trốn thoát hoặc chống lại chủ. Trong khi những con kiến nhỏ, còn quá yếu và quá nhỏ để phản kháng, hoặc là chúng không biết mình bị cướp mà tưởng rằng kiến dũng sĩ là ông chủ bẩm sinh của mình.

Tuy nhiên, mới đây, nhà nghiên cứu Susanne Foitzik đến từ trường Đại học Johannes Gutenberg (Đức) cho biết đã phát hiện thấy những cuộc nổi dậy trong số kiến nô lệ. Công bố trên xuất phát từ kết quả nghiên cứu thấy tỉ lệ song sót của ấu trùng kiến chủ nô giảm mạnh dưới “bàn tay” chăm sóc của những kẻ nô lệ. Thông thường, ấu trùng của kiến P. americanus có 85% cơ hội sống sót. Tuy nhiên, tỉ lệ này giảm mạnh khi các con kiến nô lệ tham gia chăm sóc ấu trùng. Cụ thể là 27% ở các tổ kiến ở Tây Virginia (Mỹ), 49% ở New York và 58% ở Ohio.

Một số điểm tương đồng giữa kiến và người mà chúng ta chưa biết

Có thể, ban đầu những con kiến nô lệ không nhận thức được các ấu trùng thuộc về loài khác. Tuy nhiên, khi các ấu trùng phát triển thành nhộng, những con kiến “vú em” đã phát hiện ra kẻ khác loài dựa vào các dấu hiệu hóa học ở lớp biểu bì, và trở nên thù địch với chúng. Đám kiến nô lệ sau đó hoặc bỏ bê lũ con của “chủ nô” hoặc tấn công trực diện vào các con nhộng, thường là “xé xác, phanh thây” chúng. Những hành động nổi dậy này, có thể làm giảm sức mạnh của cộng đồng kiến P. americanus, ngăn cản chúng bóc lột các tổ kiến khác cùng loài Temnothorax longispinosus.

Chỉ một vài nét thôi, cũng đủ để hình dung về một loài vốn dĩ rất quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày, mà có thể bạn ít để ý. Còn rất nhiều những điều thú vị khác xoay quanh loài kiến hy vọng sẽ được truyền tải đến bạn đọc trong thời gian gần nhất.

Theo Trí Thức Trẻ
  • 5.856