Mực ma cà rồng lộn ngược cơ thể

  •  
  • 4.389

Đoạn phim dưới đây cho thấy khả năng kỳ lạ của mực ma cà rồng, một trong những sinh vật độc đáo nhất dưới đại dương.

 

Dù có cái tên ghê gớm, mực ma cà rồng (Vampyroteuthis infernalis) chỉ là loài động vật thân mềm cỡ nhỏ - với chiều dài thân cực đại khoảng 30 cm - sống ở tầng nước sâu 550-1.100 m dưới đại dương. Chúng không hề nguy hiểm đối với người. Các nhà khoa học thường nhìn thấy chúng ở các vùng biển ôn đới và nhiệt đới trên hành tinh. Đây là loài động vật chân đầu duy nhất có quan hệ họ hàng với cả bạch tuộc và mực. Trên thực tế mực ma cà rồng được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1903, nhưng khi đó các nhà khoa học xếp chúng vào họ bạch tuộc.

Nếu gặp chúng lần đầu tiên, người ta dễ nhầm tưởng mực ma cà rồng thoát ra từ một bộ phim khoa học viễn tưởng nào đó, bởi cơ thể chúng có khả năng lộn ngược từ ngoài vào trong. Chúng có cặp vây ở phía trên cùng của cơ thể. Cặp vây này - trông khá giống đôi tai - là phương tiện giúp mực ma cà rồng di chuyển trong nước. Một màng da kết nối 8 chi của mực ma cà rồng. Giống như các loài mực khác, chúng cũng có thể tạo ra phản lực để di chuyển bằng cách phun nước qua một lỗ trên cơ thể. Mực ma cà rồng có thể bơi nhanh đến mức khó tin - khoảng 2 lần chiều dài cơ thể mỗi giây.

Dù kích thước cơ thể nhỏ song mực ma cà rồng có mắt rất lớn. Mắt chúng có đường kính trung bình 2,5 cm - tương đương với mắt của một con chó cỡ to. Tùy thuộc vào điều kiện ánh sáng mà mắt chúng có màu đỏ hoặc xanh dương. Màu sắc cơ thể chúng cũng thay đổi liên tục từ màu đen tới đỏ nhạt theo vị trí và điều kiện ánh sáng.

Cơ thể mực ma cà rồng gần như được bao phủ bởi các cơ quan tạo ra ánh sáng có tên photophore. Mực có thể điều khiển các cơ quan này để tạo ra những chớp sáng trong khoảng thời gian từ vài phần trăm giây cho tới nhiều phút. Chúng cũng có thể thay đổi kích thước và cường độ của các photophore.

Theo VnExpress (Video: Newscientist)
  • 4.389