Muỗi hoành hành ở Bangkok

  •  
  • 464

Những bức tường của nhiều ngôi nhà tại thành phố Bangkok chuyển sang màu đen bởi sự hiện diện của hàng nghìn con muỗi. Sự hoành hành của chúng khiến cuộc sống vốn đã khốn đốn của người dân càng trở nên tồi tệ hơn.

Nước đã rút đáng kể sau cơn lũ khủng khiếp tại Thái Lan khiến hơn 600 người chết vừa qua, song nhiều khu vực xung quanh Bangkok vẫn chìm dưới nước lũ. Có thể nước sẽ rút hết sau vài tuần nữa. Tuy nhiên, ngay cả người dân ở những khu vực khô ráo cũng vẫn đối mặt với nhiều vấn đề, như các loại bệnh dịch do côn trùng gây ra sau lũ lụt. Mặt khác rất nhiều các hồ nước ứ đọng - là nơi hoàn hảo cho các loại côn trùng sinh sôi - đang bị lãng quên, The Wall Street Journal đưa tin.

Sự hoành hành của các loại côn trùng là vấn đề rất nghiêm trọng. Nó làm tăng nguy cơ lây lan của bệnh sốt xuất huyết và các loại bệnh dịch khác. Thái Lan là một trong các nước phát triển hơn trong khu vực, nhưng theo số liệu báo cáo thì Thái Lan cũng là quốc gia có tỉ lệ sốt xuất huyết lớn nhất trong các quốc gia Đông Nam Á những năm gần đây. Nhiều người còn nhớ tới những trận dịch lớn trong những năm 1987, 1998 và 2001 với hơn 125.000 trường hợp mắc bệnh mỗi năm. Mặc dù có thể điều trị được, sốt xuất huyết là một loại bệnh nguy hiểm và đôi khi dẫn đến tử vong, rất nguy hiểm với trẻ em.

Bà Wannakorn Kaochartchai, một nhà cung cấp hoa 43 tuổi ở Bangkok, nói rằng bà rất vui mừng được trở lại làm việc sau hai tuần khu chợ bị ngập lụt. Tuy nhiên, bây giờ bà và bạn bè của bà đang phải chịu đựng những cuộc tấn công hàng ngày từ bầy muỗi. Và có vẻ như không thứ gì có thể ngăn chặn chúng.

Một gia đình mắc màn vào ban ngày để tránh muỗi tại thành phố Bangkok.
Một gia đình mắc màn vào ban ngày
để tránh muỗi tại thành phố Bangkok. (Ảnh: AP)

"Tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì như thế này", Wannakorn nói về đàn muỗi bà nhìn thấy mỗi ngày khi đến chợ lúc 4 giờ sáng. Bà đã đốt hương chống muỗi khi rời khỏi chợ buổi tối và còn đốt nhiều hơn vào buổi sáng nhưng việc đó không mang lại kết quả. Wannakorn cũng sử dụng thuốc xịt muỗi và bật quạt để xua đuổi chúng, nhưng chúng vẫn tiếp tục quay lại.

Theo Wannakorn, những con muỗi mà bà thấy to hơn muỗi thường và chúng không sợ người.

"Chúng tấn công chúng tôi ngay lập tức và đôi khi đốt qua ống quần của tôi khiến tôi cảm thấy rất ngứa ngáy khó chịu. Trong nhà của tôi cũng có rất nhiều muỗi, nhưng tôi có thể làm gì được? Tôi không biết phải làm gì ngoài việc cố gắng giết chúng để không bị mắc bệnh sốt xuất huyết nhưng chúng sẽ không bao giờ bỏ đi", Wannakorn tâm sự.

Thanyathip Netichaiseth, mẹ của hai đứa trẻ hiện sống trong một ngôi nhà ba tầng đã bị ngập một phần dưới nước hai tuần qua, kể: "Muỗi bay vo ve trong ngôi nhà của tôi, đậu khắp trần nhà và trên các bức tường. Tôi thật sự sốc khi nhìn lên trần nhà. Những bức tường đã chuyển sang màu đen, có rất nhiều muỗi đậu trên đó. Bạn sẽ cảm thấy rất khó chịu và ngứa khi bị muỗi đốt. Sau đó, vết cắn sẽ chuyển sang màu đỏ, sưng to dần và bạn sẽ bị nhiễm bệnh".

Người phụ nữ 48 tuổi đã thử dùng bốn chai thuốc xịt côn trùng nhưng bầy muỗi tiếp tục quay trở lại.

"Dường như bầy muỗi sinh sản rất nhanh. Tôi phun thuốc vào tầng trệt, đóng cửa phòng và sau đó lên tầng ba, chờ đợi một tiếng, sau đó quay trở lại để xem xét. Những con muỗi nằm trên sàn nhà trông rất đáng sợ. Dường như có hàng ngàn con muỗi đã chết. Tôi nghĩ rằng mình đã loại bỏ được chúng, nhưng rất nhiều muỗi xuất hiện trở lại vào buổi sáng hôm sau”, bà nói.

Hai đứa con của Thanyathip đều dưới 5 tuổi nên bà sợ rằng chúng có thể bị bệnh. Bà để lũ trẻ ở tầng ba và thường xuyên đổ các hóa chất xuống một cái cống gần đó. Việc này sẽ giúp những người khác, nhưng sớm hay muộn, bầy muỗi sẽ lại xuất hiện để tìm kiếm máu.

Ông Pornthep Sirivanarangsan, Tổng giám đốc Cục kiểm soát dịch bệnh Bộ Y tế Thái Lan, cho biết, đến nay bầy muỗi chưa gây ra ca mắc bệnh sốt xuất huyết nào và không hề có những báo cáo về đợt dịch lớn trong vùng lũ lụt.

"Những con muỗi chỉ gây phiền nhiễu cho người dân chứ không mang theo mầm bệnh sốt xuất huyết”, ông nói.

Tuy nhiên, ông cho biết, giới chức sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và sẽ gửi đến các khu vực lưu động thuốc xịt côn trùng và các hóa chất để tiêu diệt ấu trùng nếu có dịch xuất hiện.

Các tổ chức cứu trợ bao gồm UNICEF ​​đã trao hàng ngàn màn chống muỗi có khả năng chống côn trùng, và các quan chức Thái Lan sẽ dùng thuốc chống côn trùng sẵn có trong một số trường hợp. Các chuyên gia y tế đang tích cực tư vấn cho người dân nên ngủ dưới màn chống muỗi và sử dụng thuốc chống côn trùng vào ban ngày, thời gian hoạt động của loại muỗi gây bệnh sốt xuất huyết.

Theo Vnexpress
  • 464