Muôn hình vạn trạng về lồng nhốt dế Trung Hoa cổ xưa: Những tạo tác tuyệt vời của nhân loại

  •  
  • 2.600

Kể từ thời Nhà Đường (618-907), ở Trung Quốc đã xuất hiện thú vui nuôi dế. Người ta mê "nhạc công" của tự nhiên này đến nỗi chế tác ra đủ các kiểu loại lồng chuyên dụng từ bằng đất sét đến bằng vàng, thậm chí nỗ lực chạm khắc, biến chúng thành những tạo tác mỹ nghệ tuyệt đẹp.

Dế - nhạc công của tự nhiên: Loài côn trùng dễ nuôi

Dế là loài sinh vật có vòng đời ngắn, chỉ khoảng 70-90 ngày. Nghe nói kể từ thời Nhà Đường (618-907) của Trung Quốc, các phi tần trong cung đã có truyền thống rủ nhau đi bắt dế vào thu.

Ước tính trong tự nhiên có khoảng 1.000 loài dế khác nhau, chia vào hai nhánh dế mèn (Gryllidae) và dế trũi (Gryllotalpidae).

Dế là loài sinh vật có vòng đời ngắn, chỉ khoảng 70-90 ngày.
Dế là loài sinh vật có vòng đời ngắn, chỉ khoảng 70-90 ngày.

Không khó để nuôi dế bởi chúng là loài ăn tạp, tiêu hóa được cả rau cỏ, hoa quả lẫn các loài côn trùng khác nhỏ hơn. Song lý do chính khiến dế được "cưng" là bởi vì con đực biết gáy. Bằng cách cọ cặp cánh cứng bên ngoài có nhiều đường gân đan xen nhau, chúng phát ra tiếng kêu.

Vốn dĩ thuở xưa, hoàng đế Trung Hoa có đến tam cung lục viện, phi tần nhiều đến hàng ngàn người. Để vơi bớt buồn chán trong những tháng ngày chờ đợi đến lượt sủng hạnh, những phụ nữ rảnh rỗi này mới vẽ ra đủ kiểu thú vui, trong đó có trò nuôi dế.

Từ thế kỷ 8, chuyện nuôi dế đã có trong cung điện Trung Hoa.
Từ thế kỷ 8, chuyện nuôi dế đã có trong cung điện Trung Hoa.

Theo ghi chép thì chí ít là từ thế kỷ 8, chuyện nuôi dế đã có trong cung điện Trung Hoa. Tuy không chắc các "vợ vua" là người khởi xướng trò nuôi dế, nhưng đúng là nhờ họ thích bắt dế về nuôi mà dân gian cũng học theo.

Bắt buộc phải nhốt vì không thể thuần hóa

Trong vai trò là "sủng vật" của các cung phi, dế được nhốt trong những cái lồng quý giá bằng vàng, bằng bạc. Người ta đặt lồng dế ngay đầu giường, háo hức chờ nghe chúng gáy.

Tuy nuôi dế không khó, nhưng thuần hóa chúng thành "vật cưng" biết nhận chủ thì không thể. Não của nhà côn trùng quá nhỏ, chỉ nhận thức được bản năng chứ không phát triển cảm xúc như sinh vật bậc cao hơn (ví dụ như chim, thú).

Dế dễ nuôi nhưng buộc phải nhốt.
Dế dễ nuôi nhưng buộc phải nhốt.

Trung Quốc là vùng đất bốn mùa, mùa hạ nóng còn mùa đông lại lạnh. Dế dù dễ nuôi nhưng cũng cần dụng cụ nhốt chuyên dụng, đảm bảo hè thì mát còn mùa đông ấm.

Ban đầu, người ta đơn giản nhốt dế trong những cái lọ được làm bằng đất sét. Nghề gốm đã sớm xuất hiện, cung cấp đủ các loại vật dụng tiện ích cho đời sống hàng ngày. Chỉ cần biến tấu một chút là các thợ gốm đã có kiểu lọ có nắp, có lỗ thoát khí thích hợp cho dế ở.

Nhưng bất tiện một nỗi là lọ đất nung không thể dùng cho mùa đông. Nó quá lạnh, khiến dế bị chết vì rét. Chúng cần một kiểu lồng nhốt vừa thoáng khí lại vừa ấm cúng. Và để đáp ứng, lồng quả bầu ra đời.

Muôn hình vạn vẻ về lồng nhốt dế.
Muôn hình vạn vẻ về lồng nhốt dế.

Quả bầu: Loại hình lồng nhốt dế chuyên dụng và phổ biến nhất

Bầu là một loại thực vật quen thuộc ở Châu Á, được trồng lấy quả non làm thức ăn và vỏ làm đồ múc, đựng.

Cũng kể từ thời Nhà Đường, người Trung Quốc đã biết lấy quả bầu khô rỗng ruột làm lồng nuôi dế. Không như lọ đất sét lạnh ngắt trong thời tiết mùa đông, bên trong vỏ bầu khá ấm cúng. Chỉ cần trộn đất và vôi trải một lớp dưới đáy hoặc bỏ thêm một miếng bông, thế là "dế cưng" đã có "mái nhà".

Lồng quả bầu.
Lồng quả bầu.

Để làm lồng dế quả bầu, đầu tiên là phơi khô và moi hết phần ruột ra. Sau đó thì đục thêm vài cái lỗ cho không khí ra vào. Có điều sơ sài như thế thì e không xứng với các "nhạc công của tự nhiên". Giới nghệ nhân vào cuộc, biến mớ quả bầu khô thành những kiệt tác thủ công đẹp mê hồn.

Lúc đầu, người ta chỉ tô vẽ trên trái bầu khô. Sau đó thì kỳ công tạo dáng lồng quả bầu từ thuở hoa mới đậu trái. Họ lồng những chiếc khuôn bằng gỗ hoặc kim loại vào quả bầu non, ép chúng lớn lên theo kiểu dáng như ý. Thế giới lồng dế quả bầu trở nên đa dạng, có từ khiểu hình tròn tự nhiên đến hình trụ, hình vuông, hình chiếc bình...

Trên tất cả là nỗ lực trang trí vỏ và nắp lồng quả bầu. Qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, chúng có từ hoa văn hình học đơn giản cho đến chạm khắc rồng bay phượng múa vô cùng tinh xảo.

Đặc biệt là ngoài đẹp ra, lồng dế quả bầu còn khuếch đại âm thanh. Nó giúp khiến tiếng dế vang và hay hơn.

Mê dế xuyên thời đại, đến tận bây giờ vẫn chưa vơi

Sau vỏ quả bầu, người Trung Quốc còn chế tác các kiểu lồng nhốt dế từ mai rùa đến vỏ dừa, gỗ đàn hương, thậm chí là ngà voi. Song phổ biến nhất vẫn là lồng quả bầu, tre, gỗ, kim loại... Lý do thì đơn giản thôi, vì chúng vừa rẻ vừa sẵn lại vừa dễ tạo tác. Ngoài lồng nhốt, người ta còn đúc thêm cả khay sứ siêu tí hon để đựng thức ăn cho dế nữa.

Các kiệt tác thủ công mỹ nghệ như xưa dùng để nhốt dế.
Các kiệt tác thủ công mỹ nghệ như xưa dùng để nhốt dế.

Trong tự nhiên, ngoại trừ việc dùng tiếng gáy để tán tỉnh con cái ra, dế đực còn dùng nó để "diễu võ dương oai" với con cùng giới. Chúng cực kỳ hiếu chiến, có thể vì tranh giành con cái hay lãnh thổ mà đánh nhau tới một mất một còn.

Sau thú vui nghe tiếng gáy, người Hán còn vì đam mê các trận dế đá nhau mà nuôi dế. Kể từ thời Nhà Tống (960-1279), chọi dế trở thành thú vui rộng khắp.

Thú vị là bất chấp 1000 năm đã qua, người Trung Hoa vẫn chưa thôi mê dế. Chỉ là tại các điểm bán dế ngày nay, họ không dùng các kiệt tác thủ công mỹ nghệ như xưa nữa nữa mà dùng lồng tre hoặc lồng nhựa đơn giản thôi.

Cập nhật: 27/07/2019 Theo helino
  • 2.600