Mỹ chỉnh sửa gene tạo thằn lằn bạch tạng

Thằn lằn bạch tạng chỉnh sửa gene
  •  
  • 281

Công nghệ chỉnh sửa gene lần đầu tiên được áp dụng thành công trên bò sát giúp chúng ta hiểu hơn về thị lực ở người bạch tạng.

Công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR trong những năm qua có những bước tiến đột phá trên chuột, thực vật và kể cả con người, tuy nhiên, việc đưa công nghệ này hoạt động trên các loài bò sát dường như là bất khả thi bởi sự khác biệt lớn trong hình thức sinh sản. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Georgia, Mỹ đã vượt qua được thách thức này khi lần đầu tiên tạo ra hai cá thể thằn lằn bạch tạng chỉnh sửa gene.

Nhà nghiên cứu Ashley Rasys giữ thằn lằn con bạch tạng trên ngón tay.
Nhà nghiên cứu Ashley Rasys giữ thằn lằn con bạch tạng trên ngón tay. (Ảnh: AFP).

Chỉnh sửa gene CRISPR thường được thực hiện trên trứng mới thụ tinh hoặc hợp tử đơn bào. Do đó, kỹ thuật này rất khó áp dụng cho động vật đẻ trứng bởi tinh trùng của con đực được lưu trữ trong một thời gian dài bên trong ống dẫn trứng của con cái và rất khó để xác định khi nào việc thụ tinh diễn ra.

Trưởng nhóm nghiên cứu Doug Menke cùng các đồng nghiệp đã tìm ra cách làm chậm quá trình thụ tinh để để đợi trứng (chưa thụ tinh) phát triển đến giai đoạn cần thiết. Sau đó, họ nhận thấy lớp màng trong suốt bao bọc buồng trứng cho phép quan sát quả trứng nào sẽ được thụ tinh tiếp theo và quyết định tiêm thuốc thử CRISPR vào chúng ngay trước khi điều này xảy ra.

Thằn lằn bạch tạng so với thằn lằn bình thường.
Thằn lằn bạch tạng so với thằn lằn bình thường. (Ảnh: Science Mag).

Kết quả vượt ngoài mong đợi khi công nghệ chỉnh sửa gene đã hoạt động trên ADN của cả thằn lằn mẹ và con non. Bằng cách loại bỏ gene tyrosinase, công nghệ CRISPR đã giúp tạo ra được hai cá thể thằn lằn con bạch tạng. Các nhà khoa học hy vọng có thể sử dụng chúng làm mô hình để nghiên cứu cách gene tyrosinase tác động lên sự phát triển vủa võng mạc ở bệnh nhân bạch tạng.

Cập nhật: 28/08/2019 Theo VnExpress
  • 281