Mỹ phóng vệ tinh đo khí thải

  •  
  • 271

Sáng qua, cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đưa một vệ tinh mang tên OCO có khả năng đánh giá mật độ phân bố khí thải CO2 trong bầu khí quyển trái đất vào không gian. 

OCO sẽ bay ở độ cao 705 km và tiến hành 30.000 phân tích trên mỗi vòng quay quanh địa cầu. Ảnh: Wikipedia.


Vệ tinh Orbiting Carbon Observatory (OCO) trị giá 270 triệu USD, được đưa lên quỹ đạo từ căn cứ không quân Vandenberg, bang California, Mỹ. Nó sẽ giúp các nhà khoa học xác định những địa điểm giải phóng CO2 cả tự nhiên và nhân tạo để lập bản đồ về mật độ phân bố khí thải này trên hành tinh và nghiên cứu sự biến động của chúng theo thời gian.

OCO sẽ bay trên quỹ đạo cách mặt đất 705 km và mất 16 ngày để "quét" toàn bộ các khu vực trên địa cầu. Trên mỗi vòng OCO sẽ tiến hành 30.000 phân tích khác nhau. Trong khi đó NASA nhấn mạnh rằng nhiệm vụ của OCO chỉ mang tính thử nghiệm.

Vệ tinh trang bị một thiết bị đo quang phổ để phân tích ánh sáng phản chiếu từ bề mặt trái đất. Bằng cách tách ánh sáng trắng thành các màu, OCO có thể “nhìn thấy” phần quang phổ được hấp thụ bởi các phân tử CO2. Thông qua việc xác định lượng oxy có trong bầu khí quyển, vệ tinh có thể đưa ra dữ liệu chính xác về mật độ CO2 ở từng khu vực.

Dữ liệu của vệ tinh sẽ được kết hợp với các trạm quan sát trên mặt đất và một số vệ tinh khác để các nhà khoa học của NASA có thể đưa ra một bức tranh hoàn chỉnh hơn về các chu trình của khí CO2, vai trò của nó trong bầu khí quyển trái đất. Các nhà hoạch định chính sách có thể dùng dữ liệu để đưa ra những quyết định chính xác trong nỗ lực cải thiện chất lượng bầu khí quyển.

Theo VnExpress (BBC)
  • 271