Năm 2029, máy sẽ giống người!

  •  
  • 611

Máy móc sẽ có trí thông minh nhân tạo giống như con người vào năm 2029, đó là tiên đoán của Ray Kurzweil, nhà phát minh hàng đầu của Mỹ.

Theo Ray Kurzweil, con người đã đi đến chặng cuối của quá trình phát triển bản thân, vì vậy sẽ có những robot nhỏ bé được cấy vào não họ làm cho họ thông minh hơn. Kurzweil cho rằng máy và con người có thể kết hợp lại với nhau thông qua những thiết bị được cấy trong cơ thể người nhằm làm tăng sức khỏe và trí thông minh.

Các thiết bị máy móc đã làm hàng trăm công việc mà con người từng làm ở mức độ thông minh tương đương, nhiều khi còn tốt hơn con người, trong nhiều lĩnh vực khác nhau. “Vào năm 2029, chúng ta sẽ chế tạo được phần cứng lẫn phần mềm để tạo ra trí thông minh nhân tạo ở cấp độ như con người", ông nói.

Theo Kurzweil, trong tương lai, các nhà khoa học sẽ chế tạo được robot nano thông minh đi vào não thông qua các ống mao dẫn và tương tác trực tiếp với hệ thần kinh con người. Các robot này có thể làm chúng ta thông minh hơn, nhớ tốt hơn và tự động đưa chúng ta đi vào môi trường hiện thực ảo thông qua hệ thống thần kinh.

Các robot siêu nhỏ có thể đi vào cơ thể con người để trị bệnh (Ảnh: BBC)

Ray Kurzweil là một trong 18 nhà tư tưởng có tầm ảnh hưởng được Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoa Kỳ đề nghị xác định các thách thức công nghệ lớn mà con người đối mặt trong thế kỷ 21. Ngoài Kurzweil, còn có nhà sáng lập Google Larry Page và nhà tiên phong trong nghiên cứu gene Craig Venter. Theo họ, 14 thách thức mà con người đối mặt là:

- Sản xuất năng lượng từ ánh sáng mặt trời;
- Cung cấp năng lượng từ phản ứng hạt nhân;
- Phát triển công nghệ cô lập carbon;
- Quản lý vòng nitơ;
- Cung cấp phương tiện khai thác nước sạch;
- Kỹ thuật đảo ngược quá trình lão hóa của não bộ;
- Ngăn chặn khủng bố hạt nhân;
- Bảo mật mạng;
- Nâng cao hiện thực ảo;
- Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị;
- Thúc đẩy khoa học thông tin về sức khỏe;
- Sản xuất dược phẩm tốt hơn;
- Nâng cao khả năng học cá thể;
- Khám phá nhiều lĩnh vực tự nhiên.

TRƯỜNG THỊNH

Theo BBC, Tuổi trẻ
  • 611