Nam Bộ bàng hoàng

  •  
  • 289

Hơn 100 người chết và mất tích, trên 400 người bị thương - đó là những con số đau lòng mà cơn bão số 9 để lại. Ngay từ khi bão Durian còn chờn vờn ngoài khơi Khánh Hòa, Tuổi Trẻ đã dự báo và cử các phóng viên tỏa đi các nơi nằm vùng đón bão. Dưới đây là tường trình từ vùng bão.
 Xem bản tin VTV phát lúc 22g ngày 5-12
 Xem bản tin VTV phát lúc 19g ngày 5-12

Hoang tàn, mất mát

PV Hải Đăng đã sống những giây phút kinh hoàng trong bão ở nơi bị thiệt hại nặng nề nhất về nhân mạng: Bà Rịa - Vũng Tàu, với 23 người chết, 16 người mất tích, 173 người bị thương.

Gần 4g sáng 5-12, vừa chợp mắt được một lúc, cả nhà anh Thảo - nhà một ngư dân tôi tá túc - và tôi choàng thức dậy khi gió bên ngoài giật lên từng hồi. Căn nhà rung lên bần bật, tiếng kính vỡ loảng xoảng nghe rợn người.

4g21. điện mất, một tiếng “sầm” vang lên, mái nhà phòng khách bị hất tung. Anh Thảo kéo vợ con nhào xuống gian bếp. Vợ anh Thảo cùng hai đứa con nhỏ được đưa vào trốn dưới kệ bếp, còn tôi và anh đứng giữ cửa, sẵn sàng trong tư thế tung cửa đưa người thoát thân bởi ngôi nhà có thể sập bất cứ lúc nào.


Những chiếc tàu bị bão đánh tan nát dạt lên bãi biển trên đảo Phú Quý, Bình Thuận (ảnh chụp từ trực thăng cứu hộ SAR04 sáng 5-12) (Ảnh: T.T.D)


Hàng trăm người dân bị thương được đưa đến Bệnh viện Bà Rịa - Vũng Tàu sáng 5-12 (Ảnh: T.TR)


Vợ chồng anh Trần Thế Phương ở xã Bình Thới, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre đội mưa tìm kiếm những vật dụng còn lại sau bão (Ảnh: V.T)

Theo số liệu thống kê sơ bộ, đến trưa 5-12 toàn tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đã xác định có 23 người chết, 16 người mất tích, chưa kể 173 người khác bị thương nặng đang nằm ở các bệnh viện.

Tại xã Phước Hải (huyện Đất Đỏ), gần 1.000 căn nhà bị tốc mái hoặc sập hoàn toàn; tại xã Lộc An, hơn 80% ngôi nhà bị hư hại nhẹ đến nặng. Theo ông Trần Thống Nhứt - chủ tịch UBND thị trấn Long Hải, khoảng 80-90% trong tổng số hơn 6.200 căn hộ tại khu vực này bị hư hại nặng hoặc tốc mái...

Khoảng 6g sáng, mưa vẫn như trút, nhiều người bắt đầu đổ ra đường để tìm nơi trú ẩn do hầu hết các ngôi nhà tại khu vực này đều đã bị tốc mái ngã đổ ngổn ngang. Trường tiểu học Phước Lâm 1 cạnh đó bị phá nát, cửa kính bị đập vỡ vụn và mái nhà cũng không còn. Ba trong bốn người trong gia đình người bảo vệ trường đều bị đá, tôn chém bị thương.

7g sáng tại Trung tâm Y tế xã Lộc An, tiếng bà Phúc khóc than cho cô con gái xấu số Võ Thị Thy (21 tuổi) rền rĩ trong mưa gió. Giọng bà Phúc nấc nghẹn, đứt quãng. Khoảng 4g sáng, khi gió bắt đầu thổi mạnh và mưa lớn, bà kêu hai đứa con chạy tìm nơi khác tránh bão. Đứa con nhỏ vừa ra khỏi cửa bỗng nghe một tiếng “rầm”, bà Phúc và cô Thy bị căn nhà đổ sụp xuống đè lên.

Thoát ra khỏi đống đổ nát, cùng một số bà con hàng xóm bới tìm được Thy, nhưng bà ngất xỉu khi thấy chân tay cô con gái lạnh ngắt, mềm oặt. Cô Thy đi làm xa, vừa được nghỉ phép hai ngày về thăm nhà thì bị bão cướp mất mạng sống. “Khổ cho thân con tôi, sao không để mẹ chết thay cho con...” - bà Phúc nghẹn ngào. Anh Trần Hồng Sơn - hàng xóm bà Phúc - cho biết gia đình anh cũng đưa mấy đứa nhỏ xuống nấp dưới gầm giường khi nhà bị tốc mái, không thể thoát ra ngoài để cứu kịp con chị Phúc.tại Trung tâm Y tế xã Phước Hưng, huyện Long Điền, thi thể của một cháu bé khoảng 10 tuổi vẫn còn nằm đó, chưa có thân nhân đến nhận. Anh Trần Văn Nhuần - trưởng trạm y tế xã - cho biết có quá nhiều người bị thương được đưa vào trạm, trong đó ba người chết đã có thân nhân đến nhận xác, còn cháu bé vẫn chưa biết ai đưa vào. “Trạm y tế này không còn một viên thuốc hay cuộn băng, hàng trăm người bị thương được đưa vào đây, nhiều người rất nặng” - anh Nhuần nói.

10g30

Dọc con đường chạy dài theo bờ biển từ thị trấn Long Hải đến xã Lộc An, thay cho hàng dương xanh ngắt trước đây là một cảnh hoang tàn đổ nát. Đến đâu cũng thấy cảnh những ngôi nhà toang hoác mái hoặc một đống gạch vụn. Các trường học từ Lộc An đến Phước Hải, Long Hải và Phước Tỉnh đều đông nghịt người đến lánh nạn.

Cái chết thương tâm của hai mẹ con chị Trần Thị Thanh Lê (sinh 1964) và Nguyễn Lê Văn (1992) gây bàng hoàng cho người dân Bình Thuận. Vì sợ nhà sập nên gia đình chị Lê sang trú bão trong nhà thờ Đồng Tiến cạnh nhà. Bỗng “ầm” một tiếng. Một nửa tầng gác nhà thờ đổ ập, mẹ con chị Lê bị vùi trong đống đổ nát. Đến sáng, khi gió lặng, người dân trong vùng mới đưa được thi thể mẹ con chị Lê ra để đưa về nhà an táng (ảnh).

LAM ĐIỀN

Như bình địa

Chỉ trong một giờ hoành hành dữ dội, bão Durian đã biến phần lớn huyện Bình Đại (Bến Tre), Gò Công Đông (Tiền Giang) và một số vùng lân cận trở thành... bình địa. Hai bên đường ĐT 883 về thị trấn Bình Đại dài gần 40km là những “bãi chiến trường” thật sự.

Qua cầu An Hóa vào địa phận huyện Bình Đại là ngổn ngang nhà sập, cột điện và cây xanh ngã đổ la liệt. Càng đi sâu về phía biển, mức độ thương vong do cơn bão Durian gây ra càng tăng lên gấp nhiều lần. Bên căn nhà đổ nát đang được những người hàng xóm ở ấp Hưng Chánh, xã Châu Hưng tốt bụng giúp thu dọn, chị Phạm Hồng Vui cho biết hồi 8g chồng chị bị tôn bay trúng làm đứt gân tay và chân, phải đưa đến bệnh viện tỉnh cấp cứu.

Nhặt nhạnh từ đổ nát để cất lại căn nhà (Ảnh: Vân Trường)

Dưới cơn mưa khá nặng hạt, vợ chồng anh Trần Thế Phương vẫn ẵm con cố tìm kiếm những gì còn sử dụng được trong căn nhà bẹp dúm. Chiếc nôi của đứa bé chỉ còn lại khung sườn. Nồi nấu cơm, xô... bị móp méo. Chỉ trong một giờ bão đi qua, những người dân nghèo ở đây trở thành kẻ trắng tay.

Thị trấn Bình Đại ngày nào sầm uất, náo nhiệt nhưng hôm nay hoang tàn một cách khó tin. Cả huyện bị cúp điện. Có hơn 80% số nhà ở đây “bị thương”. Bệnh viện, trụ sở huyện ủy - UBND và các cơ quan của huyện Bình Đại đều không còn lành lặn. Chủ tịch huyện Nguyễn Văn Tu cho biết có 8/20 xã của huyện bị thiệt hại nặng. Thống kê sơ bộ đến 17g có hơn 2.900 căn nhà sập hoàn toàn, hơn 24.000 căn hư hỏng. Điều đáng buồn là có tới sáu người chết, chủ yếu do nhà sập đè. Số người bị thương đã hơn trăm người. Bệnh viện huyện quá tải, phải di dời bệnh nhân liên tục.

9g, khi chúng tôi đến văn phòng Đảng ủy xã Tân Thành huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang cũng là lúc CSGT đưa hai nạn nhân bị trôi dạt vào bờ biển về sơ cứu. Người tên Tùng lập cập: “Nhóm của tôi có sáu người đi đóng đáy ở sông Cầu (xã Vàm Láng, huyện Gò Công Đông). Trong lúc vào bờ thì bị sóng đánh chìm ghe. Tôi và Tha ôm được cái can nhựa rồi để mặc sóng vùi dập suốt bốn giờ. Bốn người kia không biết sống chết ra sao...”.

Tại tâm bão Tiền Giang lúc 10g, chủ tịch huyện Gò Công Đông Lê Văn Nghĩa thông báo số người mất tích đã vượt qua con số 40. Số nhà bị thiệt hại đã hơn 4.000 căn. Hai xã cù lao Phú Đông, Phú Tân bây giờ cũng tan hoang không khác gì huyện Bình Đại (Bến Tre) phía bên kia sông Cửa Đại.

Ngay khi gió vừa giảm, ông Nghĩa chỉ đạo đưa ngay qua cù lao 15.000 gói mì để giúp 4.000 người không còn nhà ở ăn lót dạ vì lúc này không còn thực phẩm. Các lực lượng xung kích, quân đội, công an chia nhau giúp dân thu dọn nhà cửa bị hư hỏng, che lều bạt ở tạm.

VÂN TRƯỜNG - HẢI ĐĂNG 

Bến Tre: 19 người chết, trên 77.000 căn nhà sập và tốc mái

Theo báo cáo nhanh tình hình thiệt hại do bão Durian gây ra của Ban chỉ huy PCLB & TKCN lúc 14g ngày 5-12, toàn tỉnh có 10.743 căn nhà sập, 66.724 căn nhà tốc mái. Toàn tỉnh đã có 19 người chết (một em bé) và nhiều người bị thương do bị cây đè.

Trong buổi tiếp xúc báo chí chiều 5-12, ông Huỳnh Văn Be - bí thư Tỉnh ủy - cho biết tỉnh đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho gia đình có người chết do bão Durian là 2 triệu đồng/người. Với người bị thương điều trị tại các bệnh viện, trước mắt miễn hoàn toàn chi phí điều trị.

Vĩnh Long: 4 người chết và mất tích, sập - tốc mái 10.381 căn nhà

Thống kê từ Ủy ban PCLB tỉnh Vĩnh Long, đến 17g chiều cùng ngày trên địa bàn tỉnh đã có 2.366 căn nhà sập, 8.465 căn nhà bị tốc mái. Có một người chết, ba người mất tích. Ít nhất có 20 bè cá bị chìm, thiệt hại ước khoảng 5 tỉ đồng.

Nhóm PV - CTV ĐBSCL

Chiến thắng tử thần

Chiến thắng tử thần, Xuân trở về trong vòng tay của người mẹ (Ảnh: Minh Luận)

Chuyện thần kỳ đã xảy ra: sau nhiều giờ vật lộn với sóng dữ trong cơn bão mịt mù do chìm tàu, ngư dân Bùi Thanh Xuân (sinh 1987) đã chiến thắng thần chết, trở về làng biển An Phước, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ (TP.HCM) trong sự vui mừng của bà con.

Tối 4-12 ghe Xuân ra khơi. Lúc đó gần 24g đêm, trên ghe ngoài Xuân còn có hai anh em Phan Thanh Hải, Phan Thanh Thủy và Phùng Văn Đông (anh rể Thủy). Mưa nặng hạt nhưng biển vẫn lặng. Mọi người buông đáy. Đến gần 3g sáng 5-12 gió giật dữ dội và sóng đánh mạnh. Bất chợt một con sóng lớn đánh ầm, quật mọi người ngã nhào. Xuân đập đầu vào thành ghe, tay trái rách một đường dài máu tuôn xối xả. Chiếc ghe ngả nghiêng rồi chìm xuống biển. Bốn người bảo nhau nhảy xuống biển đen kịt thoát thân.

 

Xuân cố vật lộn với con sóng gần một giờ giữa biển mịt mù sóng cả. Tuyệt vọng và sợ hãi, bị

Dân Cần Giờ dắt dìu nhau chạy bão
( Ảnh: Minh Đức)

sóng nhồi mấy bận, Xuân ngất xỉu nhưng vẫn cố chòi đạp. Rồi lại ngất đi... Đến khi tỉnh dậy, Xuân  thấy mình nằm trên một bãi nghêu, lúc này trời đã sáng và mưa như trút nước. Kiệt sức nhưng Xuân cố lê lết trên bãi bùn đi về hướng đất liền. Lại ngất… Rồi tỉnh dậy, bò tiếp. Cứ thế, Xuân ngất đi tỉnh lại mấy bận thì vào đến bãi rừng đước trong bờ. May mắn thay, một người đàn ông phát hiện và cứu sống Xuân.

Chúng tôi tìm đến nhà anh Phan Thanh Hải, bạn thuyền của Xuân trong đêm kinh hoàng ấy. Tại đây, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng hết sức đau lòng khi chị Nguyễn Thị Hoàng Oanh - vợ anh Hải, gào khóc, ngất lên ngất xuống. Anh Hải và chị Oanh vừa cưới nhau được năm tháng, hiện chị Oanh đang có thai hơn ba tháng. Giữa những cơn khóc ngất, người vợ van vái chồng mình thoát nạn trở về.

MINH LUẬN

Theo Tuổi trẻ
  • 289