Nam Cực: Mật độ CO2 cao kỷ lục sau 4 triệu năm

  •  
  • 1.108

Đây là lần đầu tiên Nam Cực đạt lượng CO2 kỷ lục trong bầu khí quyển, lên tới 400 phần triệu (ppm), điều chưa từng xảy ra tại lục địa lạnh lẽo nhất thế giới trong suốt 4 triệu năm qua.

Lượng CO2 trong bầu khí quyển đã tăng nhanh từ thời tiền công nghiệp cho tới nay. Đáng chú ý rằng con số này liên tục cao hơn qua từng năm.

Khi lượng CO2 trong bầu khí quyển tính trung bình toàn cầu đã vượt mốc 400 phần triệu (ppm), ngưỡng an toàn được con người đặt ra cách đây ba năm, người ta vẫn hy vọng rằng, lục địa cằn cỗi xa xôi Nam Cực sẽ thoát xa được hiểm họa CO2 đang bao trùm lên các lục địa khác.

Nồng độ CO2 trong khí quyển đo được tại Đài quan sát Nam Cực đã vượt mức 400 ppm vào ngày 23/5.
Nồng độ CO2 trong khí quyển đo được tại Đài quan sát Nam Cực đã vượt mức 400 ppm vào ngày 23/5.

Tuy nhiên biến đổi khí hậu và hiện tượng Trái Đất nóng lên dường như không tha cho bất kỳ một nơi nào trên khắp hành tinh này.

Nam Cực đã chạm ngưỡng hạn mức của hành tinh

Theo một thông báo mới nhất của Cơ quan Khí quyển và Đại Dương Mỹ (NOAA), nồng độ CO2 trong khí quyển đo được tại Đài quan sát Nam Cực đã vượt mức 400 ppm vào ngày 23/5. Đây là nồng độ CO2 kỷ lục trong khí quyển lần đầu tiên được ghi nhận trong suốt 4 triệu năm qua tại Nam Cực.

Được biết, lượng CO2 trong bầu khí quyển thời tiền công nghiệp chỉ dao động trong khoảng 280 ppm. Hơn một thế kỷ sau, con số này đã tăng lên tới hơn 120 ppm và chạm ngưỡng 400 ppm vào năm 2013. Không có gì bất ngờ khi chính hoạt động tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch của con người đã trở thành nguyên nhân chính gây nên sự thay đổi mạnh mẽ trên.

Lượng CO2 trung bình tại Nam Cực trong vài năm nay.
Lượng CO2 trung bình tại Nam Cực trong vài năm nay.

Theo IFLScience, luôn có một độ trễ nhất định để CO2 có thể bao trùm lên toàn bộ bầu khí quyển của hành tinh. Hầu hết ô nhiễm CO2 đều xuất phát từ Bắc Bán Cầu, nơi tập trung phần lớn dân số thế giới. Đó cũng là lý do giải thích tại sao cột mốc 400 ppm đã được ghi nhận tại Bắc Bán Cầu cách đây khá lâu.

Nhà khoa học giám sát carbon tại Phòng nghiên cứu Khoa học môi trường (ESRL) thuộc ĐH. California, Mỹ, ông Pieter Tans cho biết: "Sự gia tăng nồng độ CO2 đang xuất hiện ở khắp mọi nơi, thậm chí ngay cả những vùng xa xôi cũng đã có thể cảm nhận được sự tác động này. Nếu bạn phát thải CO2 ở New York, một phần CO2 trong đó sẽ sớm bao phủ tới Nam Cực vào năm sau".

Nồng độ CO2 trong không khí vượt 400 ppm một lần nữa là lời cảnh báo và nhắc nhở tới tất cả loài người. Chúng ta đã thấy mực nước biển dâng lên trong khoảng 120 năm qua và nhiệt độ đã tăng trung bình khoảng 1 độ C trên toàn cầu.

Theo ClimateCentral, biển băng ở Bắc Cực đã giảm 13,4% mỗi thập kỷ kể từ năm 1970. Nền nhiệt độ cao phổ biến và tình trạng axit hóa đại dương đang dần đẩy nhiều loài thủy sinh rơi vào nguy cơ tuyệt chủng.


Mô tả sự di chuyển của CO2 trên Trái Đất.

Một phát hiện mới nhất cho thấy, khoảng 95% cụm san hô tại Đảo Jarrvis, phái Nam Thái Bình Dương đã bị chết sau khi xảy ra hiện tượng tẩy trắng san hô hàng loạt. Nguyên nhân phần lớn do tác động cực đoan của hiện tượng El Nino và tình trạng axit hóa đại đương.

Mặc dù Hiệp định về chống biến đổi khí hậu mới nhất đã được thông qua tại Paris, Pháp vào tháng 12/2015, và sau đó được 175 quốc gia và vùng lãnh thổ chung tay ký kết vào tháng 4/2016. Tuy nhiên mọi nỗ lực sẽ chẳng thể nào đủ nếu các quốc gia không có cơ chế giám sát và cắt giảm tối đa lượng khí thải CO2 trong tương lai.

Đó cũng là lý do tại sao các trạm khí tượng tại vùng cực Nam của Trái Đất vẫn sẽ là nơi đưa ra được những đánh giá chính xác nhất về tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay của Trái Đất.

Cập nhật: 23/06/2016 Theo vnreview
  • 1.108