NASA trình diễn mô hình khí nhà kính CO2

  •  
  • 741

Một đoạn video mới của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã mô tả quá trình khí gây hiệu ứng nhà kính CO2 lan rộng khắp trái đất trong chu kỳ một năm.

Video trên được tạo ra bởi mô hình GEOS-5 chạy trên một siêu máy tính trong thời gian hơn hai tháng, mô hình tái tạo lại quá trình tương tác hỗn loạn giữa các luồng gió trong khí quyển, diễn biến thời tiết và địa lý, Livescience cho hay.

Nhóm nghiên cứu tại NASA nhập dữ liệu thời tiết và khí carbon dioxide (CO2) trong nhiều thập kỷ vào một mô hình máy tính cụ thể gọi là "Nature Run". Các mô phỏng bao gồm lượng khí CO2 được tạo ra từ hai nguồn tự nhiên như núi lửa, và do con người tạo ra, chẳng hạn như trong quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch.

NASA trình diễn mô hình khí nhà kính CO2
Quá trình gây hiệu ứng nhà kính. (Ảnh chụp từ video)

Dữ liệu tập trung vào một khoảng thời gian giữa tháng 5/2005 và tháng 6/2007. Tại thời điểm đó, nồng độ CO2 trong khí quyển dao động từ 375 đến 395 ppm. Đầu năm nay, nồng độ CO2 đạt hơn 400 ppm trong ba tháng liên tiếp (nghĩa là có 400 phân tử CO2 trong một triệu phân tử không khí).

Theo hình ảnh mô phỏng, ba nước gây ô nhiễm lớn nhất hành tinh là Mỹ, Trung Quốc và khu vực châu Âu. Tuy nhiên, mô hình này cũng nhấn mạnh ảnh hưởng của chu kỳ theo mùa và từng quốc gia đến hàm lượng khí CO2 trong khí quyển.

Nồng độ CO2 trung bình trên trái đất cao nhất vào mùa xuân, sau đó giảm dần cho tới mùa hè, do thực vật ở Bắc bán cầu tăng trưởng và hấp thụ khí CO2. Nồng độ CO22 tăng dần trở lại trong mùa thu và mùa đông.

"Thật hấp dẫn để xem xét lượng phát thải của từng nước và hệ thống thời tiết trên toàn khu vực. Bằng cách kết hợp những mô phỏng máy tính và dữ liệu quan sát trực tiếp, sẽ giúp cải thiện hiểu biết của con người về khí thải CO2 cũng như các luồng khí CO2 tự nhiên trên toàn cầu", Bill Putman, nhà khoa học dẫn đầu dự án tại Trung tâm không gian Goddard của NASA, nói.

Theo Vnexpress, Youtube
  • 741