NASA công bố hình ảnh mô phỏng sắc nét chưa từng thấy về hố đen

  •   52
  • 3.374

Nhằm hưởng ứng tuần lễ hố đen đang diễn ra, NASA mới đây đã công bố hình ảnh mô phỏng đầu tiên về hố đen với độ sắc nét chưa từng thấy.

Hình ảnh ấn tượng trên, được tạo ra bởi giáo sư Jeremy Schnittman bằng phần mềm tùy chỉnh tại Trung tâm bay không gian Goddard của NASA, phỏng theo hình chụp hố đen đầu tiên trong lịch sử được thực hiện bởi kính viễn vọng Event Horizon (EHT), giúp chúng ta hình dung một cách trực quan hơn về vật thể bí ẩn nhất ở ngoài vũ trụ này.

Hình ảnh mô phỏng sắc nét về hố đen mới được NASA công bố.
Hình ảnh mô phỏng sắc nét về hố đen mới được NASA công bố. (Ảnh: NASA).

Nằm ở trung tâm các thiên hà, hố đen là tên gọi chung chỉ các vùng không gian dày đặc với lực hấp dẫn vô cùng lớn, đến mức thậm chí ánh sáng cũng không thể lọt được ra ngoài.

Cho đến nay, tất cả những gì chúng ta biết về hố đen là chúng có kích thước khổng lồ, gấp hàng triệu hay hàng tỷ lần khối lượng Mặt trời. Chúng có thể hút toàn bộ những thứ xung quanh, kiểm soát sự hình thành các vì sao, và thậm chí có thể trở thành vật thể sáng nhất vũ trụ.

Ảnh chụp đầu tiên về hố đen của kính viễn vọng EHT.
Ảnh chụp đầu tiên về hố đen của kính viễn vọng EHT. (Ảnh: NASA).

Hình ảnh hố đen của NASA được mô phỏng dưới dạng lát cắt, vì vậy ánh sáng ở góc trên cùng của hình thực chính là phần phía sau của hố đen. Với hình ảnh này, chúng ta có thể thấy góc phía bên trái sáng hơn so với bên phải hình, vì đó là phần hố đen đang hướng về phía hành tinh của chúng ta. Hiện tượng vũ trụ này được gọi là "chùm sáng Doppler” - độ sáng của hố đen càng lớn khi hướng về phía chúng ta, và ngược lại.

Trên thực tế, hình ảnh mô phỏng đầu tiên của một hố đen đã được tính toán bằng máy tính dùng thẻ đục lỗ IBM 7040 vào những năm 1960, và được nhà vật lý thiên văn người Pháp Jean-Pierre Luminet vẽ tay vào năm 1978. Dù vậy, hình ảnh này so với hình ảnh mới đây của NASA đều có những nét tương đồng nhau.

Bản vẽ tay đầu tiên về hố đen của Jean-Pierre Luminet.
Bản vẽ tay đầu tiên về hố đen của Jean-Pierre Luminet.

“Sự mô phỏng này là một trong những bước đột phá lớn nhất trong nghiên cứu hố đen”, giáo sư Jeremy Schnittman cho biết, "Nó thực sự giúp chúng ta hình dung ra ý nghĩa câu nói của nhà bác học Einstein, khi ông cho rằng trọng lực có thể bẻ cong cả không gian và thời gian. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể nhìn thấy một hố đen chân thực đến vậy". 

Cập nhật: 27/09/2019 Theo Dân Việt
  • 52
  • 3.374