National Geographic công bố hiện tượng siêu hiếm mà có thể bạn chưa thấy bao giờ

  •  
  • 4.801

Bạn đã bao giờ nhìn thấy một tia sét màu đỏ chưa? Đó là một hiện tượng có thật đấy.

Mới đây, Instagram chính thức của National Geographic vừa công bố những bức ảnh về hiện tượng này. Và thành thật mà nói, chúng tuyệt đẹp.

Sét đỏ
Sét đỏ.

Bức ảnh trên do nhiếp ảnh gia Babak Tafreshi thực hiện, chụp cận cảnh một hiện tượng thiên nhiên mang tên "Red Sprite". Về cơ bản, sprite là quá tình phóng điện ở quy mô lớn ngay phía trên các đám mây dông - còn gọi là mây vũ tích, ở độ cao 50 - 90km.

Tuy nhiên, gọi nó là sét tầng thượng quyển thì cũng không hoàn toàn chính xác. Bản chất của sprite là giải phóng các tia plasma lạnh, giống như quá trình phóng điện trong các ống huỳnh quang hơn là sét thông thường.

Các tia sprite thường có màu đỏ cam. Tuy nhiên, chúng gần như không có màu khi quan sát bằng mắt thường, chỉ thể hiện màu sắc thực sự dưới ống kính của những chiếc máy ảnh đủ nhạy. Mặt khác, sprite diễn ra cũng cực kỳ nhanh khiến việc chụp lại ảnh của chúng là vô cùng khó.

Vậy nên, tấm ảnh của Tafreshi được nhận xét là siêu hiếm, vì trong lịch sử cũng không có nhiều trường hợp chụp lại được. Bản thân cái tên "sprite" (tạm dịch: tinh linh không khí) cũng được đặt dựa trên đặc tính của chúng,


Sét đỏ sprite ở góc chụp rộng hơn.

Sự tồn tại của sprite được xác định lần đầu nhờ Johann Georg Estor vào năm 1730, khi ông nhận thấy có hiện tượng quang học gì đó thường xảy ra phía trên các đám mây dông. Đến năm 1925, C.T.R Wilson - một nhà khoa học từng đạt giải Nobel - đã đưa ra giả thuyết rằng phía trên các đám mây dông có một sự giải phóng điện tích, và năm 1956 ông tự tin khẳng định mình đã quan sát thấy sprite.

Nhưng phải mãi đến năm 1989, các bằng chứng bằng hình ảnh của sprite mới được ghi lại bằng camera nhạy sáng nhóm chuyên gia từ ĐH Minnesota. Và kể từ khi xác định chính xác sprite có tồn tại, các báo cáo về nó cũng liên tục xuất hiện và trở thành đối tượng được nghiên cứu kỹ càng của khoa học.

Hiện tượng nguy hiểm khó giải thích với ngành hàng không

Sét sprite từng được ghi nhận tại châu Mỹ, châu Âu, Trung Phi, Úc, Nhật Bản và một số quốc gia tại châu Á. Matthew Geoff McHarg từ Viện Không quân Hoa Kỳ đã phân sprite thành 3 loại dựa trên hình dạng của chúng, bao gồm:

  • Sprite sứa: loại sét sprite cực lớn, rộng đến 50km.
  • Sprite dạng cột (column sprite hay C-sprite): loại sprite con người vẫn chưa hoàn toàn hiểu rõ.
  • Sprite cà-rốt (carrot sprite)

Sét dạng sứa
Sprite dạng sứaSpSp.

Sét dạng cà rốt
Sprite dạng cà rốt.

Trong lịch sử, sprite được cho là nguyên nhân gây ra một số vụ tai nạn trong ngành hàng không vũ trụ, khi các thiết bị bay cao hơn các đám mây dông. Chẳng hạn như khinh khí cầu tầng bình lưuc của NASA được phóng vào ngày 6/6/1989. Khi đạt đến độ cao 37km, vượt qua một cơn bão tại Texas, thiết bị đã bị mất kiểm soát trầm trọng.

Vài tháng sau vụ tai nạn, các chuyên gia kết luận rằng chiếc khinh khí cầu đã bị "sét đánh trúng" khi vượt qua đám mây dông. Đến năm 1993, nguyên nhân được chuyển lại thành sprite, vì lúc này thuật ngữ ấy mới ra đời.

Cập nhật: 03/11/2024 Theo helino
  • 4.801