Nên và không nên ăn gì khi bị sốt?

Những lưu ý khi bị sốt
  •  
  • 406

Mặc dù cơn sốt khiến cảm giác thèm ăn của bạn bị "đẩy lùi" nhưng thực tế, khi sốt, cơ thể bạn đang đốt cháy nhiều calo hơn bình thường và để chống lại nhiễm trùng, bạn cũng cần bổ sung năng lượng và chất dinh dưỡng từ thức ăn để tăng cường hệ miễn dịch và nhanh dứt sốt, khỏi ốm.

Dưới đây là những thực phẩm nên và không nên ăn khi bị sốt cũng như một số lưu ý quan trọng mà bạn cần nhớ, theo Livestrong.

1. Nên ăn gì khi bị sốt?

1.1. Sữa chua

Sữa chua và các thực phẩm lên men khác như dưa bắp cải là một nguồn cung cấp men vi sinh tốt, giúp tăng cường hệ vi sinh vật đường ruột và thúc đẩy quá trình chữa lành. Khi lợi khuẩn phát triển mạnh trong ruột, hệ miễn dịch sẽ được hưởng lợi bởi đường ruột và lợi khuẩn giúp tiêu diệt các vi khuẩn có hại khác và là tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể khi chống lại cảm lạnh và cúm.

Ngoài ra, sữa chua còn là một nguồn protein đáng kinh ngạc vì vậy mà ngay cả khi cơn sốt khiến bạn không cảm thấy thèm ăn thì một cốc sữa chua vẫn có thể giúp bạn nhận được rất nhiều chất dinh dưỡng.

1.2. Súp gà

Súp gà

Súp gà là một thực phẩm nên ăn khi bị sốt nhờ khả năng làm sạch đường mũi bằng cách thúc đẩy làm loãng chất nhầy do nghẹt mũi gây ra và giữ ấm cơ thể chống lại các triệu chứng như ớn lạnh, rùng mình cũng như cung cấp một số axit amin giúp chống lại sự xâm nhập của virus gây bệnh cúm.

Súp gà cũng là một món ăn dễ tiêu hóa, nhanh no bụng và là nguồn protein tốt cho người đang bị ốm sốt. Bạn nên ăn súp gà khi còn nóng để là dịu cơn đau họng và giúp cơ thể dễ chịu nhất.

1.3. Nước dừa

Khi bị sốt, điều quan trọng là cần phải giữ đủ nước. Việc bổ sung chất lỏng có tác dụng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, ức chế nhiễm trùng và vận chuyển các chất dinh dưỡng cần thiết tới các tế bào trong cơ thể.

Nước dừa không những giúp bổ sung các chất điện giải quan trọng bị thoát ra qua mồ hôi khi sốt mà còn có hương vị thơm ngon, dễ uống. Bạn chỉ cần chắc chắn rằng bạn đang uống nước dừa tự nhiên chứ không phải nước dừa thêm bất kì loại đường hay hương vị nào khác.

Nước dừa
Nước dừa giàu điện giải tốt cho người bị sốt (Ảnh: Internet)

1.4. Trái cây

Hầu hết các loại trái cây đều chứa ít nhất 80% nước vì vậy mà trái cây là một lựa chọn nên được ưu tiên khi thắc mắc nên ăn gì khi bị sốt. Ngoài để bù nước thì trái cây cũng chứa một lượng vitamin C khá dồi dào, cần thiết cho phản ứng miễn dịch cũng như tốc độ sửa chữa tế bào.

Bạn có thể ăn các loại trái cây giàu vitamin C như dâu tây, kiwi, cam, quýt, việt quất,... để tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ chống lại các yếu tố nhiễm trùng gây sốt. Tuy nhiên bạn cần nhớ rằng, một số loại trái cây, đặc biệt là trái cây có hạt và vỏ chứa nhiều chất xơ có thể khó tiêu hóa khi bạn bị sốt (do hệ tiêu hóa đang không ở trạng thái tốt nhất), vì thế mà chuối, bơ, táo, cam quýt có thể là lựa chọn nên ăn quả khi bị sốt vì chúng ít gây khó chịu cho đường tiêu hóa.

1.5. Các loại rau nấu chín

Giống như trái cây thì rau cũng giúp cung cấp các vitamin và khoáng chất quan trọng cho việc tăng cường miễn dịch và giúp bạn thoát khỏi cơn sốt.

Những loại rau củ như cà rốt, hành tây, cần tây thêm vào súp gà là một gợi ý không tồi cho người bị sốt đang cần bổ sung dinh dưỡng. Lưu ý là một số loại rau giàu chất xơ nếu ăn sống có thể tăng nguy cơ đầy hơi và chướng bụng, do đó mà bạn nên ăn các loại rau nấu chín để giảm tải gánh nặng cho hệ tiêu hóa - vốn đang phải tập trung chống lại các nhiễm trùng.

1.6. Thực phẩm giàu protein

Khi nói tới các chất dinh dưỡng có tác dụng chống lại nhiễm trùng thì protein là chất đứng đầu danh sách. Nguyên nhân là bởi cơ thể khi ốm cần protein để tăng sinh kháng thể bảo vệ khỏi tổn thương do mầm bệnh xâm nhập gây ra.

Các thực phẩm giàu protein như đậu, các loại hạt, thịt nạc và thịt gia cầm giàu kẽm và selen cũng cần thiết để nâng cao hệ miễn dịch thời điểm này. Ngoài ra trứng giàu vitamin D cũng là một nguồn protein dồi dào khác mà bạn có thể thêm vào chế độ ăn khi bị ốm sốt.

1.7. Tỏi và gừng

Các loại gia vị phổ biến trong bếp của các gia đình Việt như tỏi và gừng từ lâu được biết đến là một cách giảm sốt và tăng miễn dịch tự nhiên.

Tỏi chứa allicin - một hợp chất kháng khuẩn có thể giúp giảm viêm và chống sốt cũng như làm dịu các triệu chứng cảm lạnh. Gừng cũng là một loại gia vị khác có thể hỗ trợ hệ miễn dịch nhờ thành phần gingerol và shogaol - hợp chất có đặc tính chống viêm mạnh mẽ, giảm buồn nôn, nôn mửa.


Tỏi là một gia vị tự nhiên có thể giúp hạ sốt. (Ảnh: Internet).

2. Nên tránh gì khi bị sốt?

Nếu bạn đang bị sốt, hãy cẩn thận với những thực phẩm sau đây có thể khiến quá trình phục hồi của bạn bị chậm lại:

  • Đồ uống có cồn, soda và caffeine có thể dẫn tới mất nước, trong khi đó sốt vốn dĩ đã khiến cơ thể bạn mất nước
  • Thực phẩm và đồ uống có đường, đặc biệt là những thực phẩm đã qua chế biến có thể tăng viêm trong cơ thể và có thể cản trở phản ứng của hệ miễn dịch chống lại sốt và mầm bệnh. Vì thế hãy hạn chế các thực phẩm như bánh ngọt, kẹo, ngũ cốc có đường, kem, nước ngọt khi đang bị sốt
  • Thịt chế biến như xúc xích, thịt xông khói, thịt nguội cũng là thực phẩm không nên ăn khi bị sốt,...

3. Lưu ý khi bị sốt

Sốt không phải là một bệnh là các triệu chứng của sốt cũng vậy. Tùy theo tình trạng của bản thân mà bạn sẽ quyết định cách hạ sốt cần thiết là gì. Khi bị sốt, bạn có thể gặp các triệu chứng sau: Mệt mỏi, ăn không ngon, đau đầu, đau cơ, đổ mồ hôi, ớn lạnh, buồn nôn và nôn mửa, phát ban. Nếu bạn bị sốt, hãy:

  • Cố gắng nằm và nghỉ ngơi
  • Giữ nước bằng cách uống nhiều nước và điện giải để bổ sung lượng chất lỏng bị mất
  • Dùng thuốc không kê đơn như acetaminophen để hạ sốt theo hướng dẫn trên hộp thuốc
  • Giữ mát cho cơ thể, bỏ bớt quần áo và chăn trừ khi bạn cảm thấy ớn lạnh
  • Tránh tiếp xúc với người khác cho tới khi hết sốt.


Hãy ưu tiên nghỉ ngơi và bù nước khi bị sốt. (Ảnh: Internet).

Với trường hợp sốt cao, sốt dai dẳng cần thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

Trên đây là những thông tin về thực phẩm nên và không nên ăn khi bị sốt mà bạn có thể tham khảo. Lưu ý khi bị sốt không nên nhịn ăn mà nên ăn đủ để cơ thể có năng lượng chống lại cơn sốt và hạn chế tình trạng cơ thể sẽ bắt đầu phân hủy các mô cơ để lấy năng lượng, điều này sẽ khiến bạn yếu đi.

Nói cách khác, nếu bạn cảm thấy không đủ khỏe để ăn thức ăn đặc, hãy thử uống sinh tố hoặc súp giàu chất dinh dưỡng. Có một chút thức ăn trong bụng sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn mà vẫn cung cấp cho cơ thể năng lượng cần thiết để chống chọi với nhiễm trùng.

Cập nhật: 11/01/2024 PNVN
  • 406