Nên và không nên khi ăn trứng vịt lộn

  •   32
  • 7.594

Món trứng vịt lộn rất nhiều chất bổ nhưng ăn thế nào và đối tượng nào không nên ăn thì không phải ai cũng biết. Chuyên gia sẽ đưa ra lời khuyên giúp bạn ăn đúng cách món ăn này.

Tránh ăn vào buổi tối

Lương y Đa khoa Bùi Hồng Minh - Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình cho hay, cả theo đông y lẫn tây y, trứng vịt lộn là một món ăn rất bổ dưỡng. Trong một quả trứng vịt lộn có tới 182 kcal năng lượng, 13,6 gr protein, 12,4 gr lipid, 82mg canxi, 212 gr photpho và 600mg cholesterol. Ngoài ra, còn có rất nhiều beta carotene, các vitamin nhóm A, B, C, sắt…

Chính vì vậy, trứng vịt lộn được coi là món ăn bài thuốc có công hiệu dưỡng huyết, ích trí, giúp cơ thể mau trưởng thành, cải thiện khả năng sinh lý. Tuy nhiên, món này rất khó tiêu do chứa hàm lượng chất đạm và cholesterol cao. Lương y khuyến cáo nên tránh ăn vào buổi tối sẽ khiến người ăn bị khó chịu, đầy hơi, có hại cho hệ tiêu hóa. Thời điểm thích hợp nhất để ăn món ăn này là vào buổi sáng song không nên ăn quá thường xuyên và ăn nhiều vào mỗi lần.

Ai không nên ăn?

Vẫn theo lương y Bùi Hồng Minh, không phải ai cũng có thể ăn trứng vịt lộn dù đây là món ăn bổ dưỡng, hấp dẫn. Trong đó, trẻ nhỏ và người già là hai đối tượng cần cẩn trọng nhất.

Nên và không nên khi ăn trứng vịt lộn
Trẻ nhỏ và người già là hai đối tượng cần cẩn trọng nhất.

Về điều này, TS.BS Hồ Thu Mai, khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec khuyến nghị: “Theo tôi, trẻ dưới 5 tuổi không nên ăn trứng vịt lộn do hệ tiêu hóa của các bé còn chưa phát triển hoàn thiện, dễ dẫn tới sình bụng, rối loạn tiêu hóa, rất có hại cho sức khỏe. Trẻ từ 5 tuổi trở lên cũng chỉ nên ăn nửa quả mỗi lần, mỗi tuần từ 1-2 lần là đủ. Ăn trứng lộn thường xuyên còn khiến lượng vitamin A dư thừa làm vàng da, bong tróc biểu bì, gây ảnh hưởng đến việc hình thành xương làm cho trẻ phát triển không toàn diện”.

Ngoài trẻ em ra, những người dưới đây không nên ăn trứng vịt lộn:

1. Người mắc bệnh gút

Trong mỗi quả trứng vịt lộn đều chứa rất nhiều protein, chúng ta càng ăn nhiều trứng vịt lộn sẽ càng làm tăng lượng protein trong máu, điều này sẽ khiến tình trạng của người bệnh gút thêm trầm trọng.

2. Người bệnh thận

Những bệnh nhân mắc bệnh thận đều sẽ gặp vấn đề lớn trong quá trình trao đổi chất của cơ thể, lượng nước tiểu giảm khiến thận không thể lọc hết mọi độc tố ra khỏi cơ thể.

Trong khi đó, việc ăn trứng vịt lộn sẽ làm cho lượng urê trong cơ thể tăng cao, gây tổn thương thận, thậm chí nhiễm độc đường tiết niệu.

3. Bệnh nhân bị bệnh gan

Trứng vịt lộn chứa quá nhiều đạm, chính vì vậy nó sẽ khiến cho chức năng gan bị hoạt động quá sức, dẫn đến suy gan nhanh chóng. Bên cạnh đó, trứng vịt lộn còn khiến cho người bệnh gan bị đầy hơi, khó tiêu, trướng bụng…

4. Người bị sốt

Chúng ta đều nghĩ rằng việc tẩm bổ bằng trứng vịt lộn trong lúc ốm sẽ khiến cho cơ thể nhanh hồi phục hơn. Xong thực tế, protein trong trứng vịt lộn khi đi vào cơ thể sẽ bị phân hủy, sinh ra lượng nhiệt cao hơn 30% so với bình thường, từ đó khiến nhiệt độ của người đang sốt cao hơn, khiến bệnh tình thêm trầm trọng.

Trứng vịt lộn
Bệnh nhân cao huyết áp cần tuyệt đối tránh xa trứng vịt lộn.

5. Người bị cao huyết áp

Theo lương y Bùi Đắc Sáng, bệnh nhân cao huyết áp cần tuyệt đối tránh xa trứng vịt lộn bởi khi ăn thực phẩm này, cơ thể sẽ thu nạp một lượng lớn chất đạm và cholesterol – 2 chất gây nên tình trạng cao huyết áp.

6. Người vừa sinh con

Sở dĩ sản phụ vừa sinh con không nên ăn trứng vịt lộn là vì trong loại thực phẩm này có chứa nhiều protein và chất béo, có thể gây khó tiêu, đầy bụng.

Lời khuyên của bác sĩ dành cho sản phụ là chỉ nên ăn trứng sau khi sinh từ 1-2 ngày sinh và không nên ăn quá 2 trứng mỗi ngày.

Riêng người lớn khỏe mạnh tốt nhất chỉ nên ăn 2 trứng vịt lộn mỗi tuần.

Tại sao phải ăn cùng rau răm?

Giải thích lý do tại sao khi ăn trứng vịt lộn, người ta thường ăn cùng gừng và rau răm, lương y Bùi Hồng Minh cho hay, đây là cách kết hợp hài hòa đem lại sự cân bằng cho cơ thể. Rau răm, gừng vị cay nồng, tính ấm, tác dụng ấm bụng, chống đầy hơi, sát trùng, tán hàn. Do đó, chúng có tác dụng chống lạnh bụng, đầy hơi và chậm tiêu hóa.

Đặc biệt, chính vì công năng làm tăng ham muốn tình dục của trứng vịt lộn, người ta phải ăn kèm chúng với rau răm để giảm bớt sự hưng phấn sau khi ăn.

“Cả nam và nữ nếu ăn rau răm nhiều và thường xuyên có thể gây giảm ham muốn, đàn ông kém cường dương tráng khí, chân huyết sẽ khô đi. Phụ nữ có thể mất chu kỳ kinh nguyệt. Với thai phụ, loại rau này còn có thể gây sảy thai. Vì vậy, nếu ăn trứng vịt lộn, phụ nữ có thai không được ăn cùng rau răm và gừng”, lương y Hồng Minh khuyến cáo.

Cập nhật: 01/07/2024 Theo Zing/vnreview
  • 32
  • 7.594