Nền văn minh bí ẩn ở Tây bán cầu

  •   2,73
  • 4.265

Nhóm phóng viên đặc biệt của Tạp chí địa lý Đức Geo xuất bản tại Hamburg vừa có một chuyến du khảo tới mạn cực Tây Colombia thuộc vùng Nam Mỹ, thâm nhập vào khu tự quản Tumaco ven bờ Thái Bình Dương.

Điều khám phá lớn nhất trong chuyến đi  chính là sắc dân Tumaco cội nguồn, thuộc một nền văn minh cực kỳ bí ẩn chưa được nhân loại biết đến. Dưới đây là bài tường thuật về cuộc du khảo đầy cuốn hút này.

Chuyện của kẻ đào trộm tượng

Antonio Dakas và Marco Medina gặp nhau mỗi năm một lần theo quy ước, tại địa điểm là quán cà phê Los Turcos ngay trung tâm thành phố Cali, đô thị lớn hàng thứ 2 ở Cộng hòa Colombia.

Trong ngày hôm nay, Antonio mua được một “mớ” tượng từ Marco ngay trước mắt chúng tôi. Marco là kẻ chuyên đào trộm mộ cổ. Ở đây đó là một “nghề” bất thành văn được giới hữu trách chấp nhận, bởi mang lại nguồn lợi tức cho “ngân sách” địa phương…

Marco trải tấm khăn nhung trắng ố vàng lên chiếc bàn nhỏ rồi lôi từ trong bao đồ ra từng thứ một. Hắn lột bỏ lớp giấy báo cũ bọc ngoài và đặt lần lượt các bức tượng lên. Hơn chục đầu tượng đại diện cho 3 châu lục đang hiện hữu trên chiếc bàn này. Những kiệt tác vô giá mà chúng tôi chưa thấy bao giờ trong suốt cả vùng Nam Mỹ, ví như pho tượng đất sét trắng kia…

“Bức này ư?”, Marco nhấc lên và hỏi. “Đúng”, Antonio đáp. “Đó là của tộc người Phoenicia”, Antonio quả quyết với vẻ tự hào, rồi thêm: “Phoenicia, đó là tổ tiên của tôi! Họ từng là vua trong ngành thiên văn và đóng tàu. Họ đã tới xứ Colombia này trước đây hơn 2000 năm”.

Những lời của A.Dakas quả là đúng, bởi ngay từ thế kỷ VI-IV trước Công nguyên (Tr.CN), người Phoenicia đã tổ chức và lãnh đạo hạm đội của Đế chế Ba Tư Thứ nhất - thời đó bao gồm cả Ấn Độ. Trong thế kỷ II Tr.CN các nhà buôn Phoenicia đã nhập mù tạt từ Anh quốc và sắt từ Trung Hoa về.

“Vâng, mọi chuyện diễn ra đúng như vậy. Các ngài hãy đến Tumaco với tôi. Chúng ta sẽ cùng tìm trong rừng rậm. Có nhiều bằng chứng vật chất và nhất định sẽ tìm ra chúng”, Marco nói.

Sự khẳng định của hai tay lái buôn sành sỏi khiến chúng tôi phân vân về kiến thức lịch sử của mình. Chúng ta biết rằng tộc người Phoenicia từng giao thương buôn bán bằng đường bộ tới tận Trung Quốc qua “Con đường tơ lụa”, rằng họ cũng đã đi dọc các bờ biển theo “Con đường của ngọc trai” hay “Con đường gia vị”, nhưng đó chỉ là những chuyến đi ven bờ: đất liền không bao giờ rời khỏi tầm mắt họ. Tại sao sắc dân Phoenicia phải vượt 2.000km xuyên một đại dương xa lạ kia chứ?

Vị trí Tumaco trên bản đồ Nam Mỹ.
Vị trí Tumaco trên bản đồ Nam Mỹ.

Khảo cứu rừng già với thuyền độc mộc

Sau khi hẹn trước ngày gặp Marco tại Tumaco, một khu tự quản thuộc tỉnh Narino phía cực Tây Colombia, chúng tôi tới tham khảo Giáo sư Julio Cesar Kubilios, một nhà khảo cổ học am hiểu, người đầu tiên từng mô tả các cổ vật tìm thấy tại Tumaco.

Dọc các ngăn kệ trên giá sách bao quanh phòng làm việc là hàng trăm bức tượng bán thân, mặt nạ, đầu người… Chúng tôi hỏi vị giáo sư về xuất xứ của các đồ vật trên, ông cho biết: “Ồ, các bảo tàng ở đây chỉ có một nhà cung cấp duy nhất, đó là Marco, người trước kia chuyên bán sọt đựng hoa quả. Nhưng giờ đây giới hữu trách thậm chí chẳng có nhiều tiền để trả cho các bức tượng mà anh ta tìm được nữa. Vậy là những tác phẩm tinh xảo nhất đã lọt vào tay tư nhân. Đây là tấn bi kịch quốc gia thực sự. Cả cách khai quật cũng vậy là không cẩn trọng, không thăm dò độ sâu, không bảo quản đúng cách… nên cũng khó mà xác định được hoàn hảo về mỗi cổ vật…”.

“Vậy có xác định được niên đại của chúng không, thưa Giáo sư?”, đại diện nhóm du khảo hỏi. “Có. Chúng tôi có những cuộc nghiên cứu nghiêm túc. Tuy rằng đó là thành quả từ một người Pháp - Giáo sư Jean-Francois Bursar thuộc Bảo tàng Nhân chủng học ở Paris, ông áp dụng phương pháp đồng vị phóng xạ carbone -14, cho thấy các cổ vật thuộc giai đoạn trước đây hơn 2000 năm”.

Chúng tôi quyết định tới thị trấn Tumaco. Từ trên phi cơ nhìn xuống là một khoảng xanh bất tận. Marco đợi chúng tôi trên đường băng bên chiếc xe jeep như đã thỏa thuận trước.

Sáng sớm ngày hôm sau thì lên đường, cùng bơi thuyền độc mộc dọc sông Ohal giữa thảm thực vật dày đặc. Không khí ẩm và mặn, muỗi và côn trùng nhiều vô kể. Thi thoảng có vài ánh đèn le lói của các ngôi nhà gần đó. Rừng rậm đã có người cư ngụ là những nông dân da đen, hậu duệ của các nô lệ từ Phi châu đến hồi xưa.

Khi chúng tôi đi ngang, vài người gọi với theo hẹn Marco tới cuốc khai quật khu đất họ ở. Tiếng tăm của “nhà sưu tập” Marco trải dài suốt cả 600km theo dòng Ohal, đến tận biên giới với Ecuador ở phía Tây Nam. Mọi người đồn rằng chiếc cuốc của Marco “có hồn”, luôn cuốc ra vàng bạc. Mỗi khi cuốc được vật nào đó, Marco thường “hào phóng” thưởng cho người dẫn đường và chủ đất.

Thật ra Marco rất cẩn trọng để giới nông dân không thể biết được, rằng các pho tượng có giá trị đến đâu. Sau này chúng tôi có dịp mục kích cảnh Marco chi ra vài đồng peso mệnh giá nhỏ để mua được cả chục bức tượng cổ quý báu.

Một phần bộ sưu tập của M.Medina với các bức tượng về nền văn minh “ẩn dật” của người Tumaco.
Một phần bộ sưu tập của M.Medina với các bức tượng về nền văn minh “ẩn dật” của người Tumaco.

Truy lùng khu lăng mộ

Cùng đi với Marco và chúng tôi là thợ đốn cây Aureliano Colorado, người đã hứa với Marco về một “khu mỏ”. Cả đoàn tới căn lều của anh trên một chạc cây khổng lồ, nằm vắt vẻo bên rìa sông Ohal. Nhưng cái “khu mỏ” mà Aureliano nói ở đâu kia chứ?...

Xung quanh là một màu nước tối sẫm. Thủy triều đang xuống, các tia mặt trời lọt qua tán lá soi rõ lớp đất ẩm. Bất thình lình giữa khoảng đất mềm hiện lên những hình cạnh lô nhô.

Cả nhóm tiến lại gần và sửng sốt: trước mặt là các “tấm thảm” từ những mảnh gốm, với các hình dáng thể hiện đó là đồ dùng sinh hoạt của con người. Chúng tôi nắm tay nhau và cùng reo lên giọng hồ hởi. Những cái bình gốm mà người ta ngóng chờ suốt 2000 năm nay giờ đã nằm trong tay chúng tôi.

Nhưng Marco lại có vẻ không hài lòng, khi buông lời phán: “Chúng ta sẽ tìm trong các lăng mộ. Người Tumaco thường chôn những báu vật ở các khu mộ”. Cả nhóm lại trèo lên xuồng và đi tiếp dọc theo sông. Một người nông dân gọi với theo, thông báo là có người ở làng Santo Domingo vừa tìm thấy một “con búp bê” rất to.

Chúng tôi liền vòng qua phía đó. Santo Domingo là một ngôi làng có 15 túp lều, xếp thành hình bán nguyệt ven cánh đồng ngô. Trước một căn lều có ba đứa trẻ đang chơi đá bóng. Thật đáng sợ, “quả bóng” chính là phần bên trong của “búp bê”. 

“Một con búp bê tuyệt đẹp, cao hơn cả gang tay. Chồng tôi liền đập vỡ ra xem có vàng giấu bên trong không. Nhưng xin các ông đừng lo, không có vàng đâu. Chỉ có trái bóng tròn bằng gốm đó thôi”, người mẹ lũ trẻ nói.

Marco khùng lên: “Bọn vô tích sự. Con búp bê mang trong mình nó cả mấy nghìn năm lịch sử đấy”. Hắn xòe 5 tờ 100 peso ra và gọi cả làng lại. Marco nói: “Hãy nghe đây, vàng là rất đắt và hẳn các ngươi thừa biết điều đó. Trong các con búp bê gốm không bao giờ lại có vàng cả. Chớ có đập vỡ chúng mà tìm vàng. Ta mua chúng chỉ vì các ngươi. Các ngươi có hứa là sẽ giữ chúng lại cho ta không?”. “Vâng, thưa ngài, chúng tôi hứa là lần sau sẽ giữ lại cho ngài”, viên trưởng làng vừa nhận tiền vừa khúm núm đáp.

Cả đoàn tiếp tục đi tìm khu mộ. Bất ngờ phía trước mặt đất bỗng “nhô” lên. Té ra là một bức tường bằng đất đắp cao độ 5-6m. “Mộ rồi. Tôi đang tìm chính chỗ này đây”, Marco reo lên. Sau đó hắn lôi xẻng ra và hì hục đào. Sâu độ 15cm đã thấy cổ vật là một chiếc bình gốm nhiều màu sặc sỡ. Medina lại hăm hở đào tiếp…

Sau độ 2 giờ quần nát ngôi mộ, Marco tiến hành lau chùi các vật tìm được và xếp chúng lên những tàu lá chuối dại. Có một bức tượng lôi cuốn ngay sự chú ý của chúng tôi: một khuôn mặt châu Á.

Sáng hôm sau, Marco chia nhóm dân ra thành từng nhóm ba người đào bới trong từng khu vực riêng, có đường kính khoảng 10m bên trong khu hầm mộ. Công việc nhộn nhịp bắt đầu. Nhiều giờ trôi qua… Bỗng tại lô số 6 có nhiều tiếng reo hân hoan. Chúng tôi chạy lại đó, thấy hai người đàn ông đang nâng một ngôi nhà bằng đất sét nung dài cỡ 25cm.

Marco đỡ lấy và nói: “Một hiện vật cực hiếm. Một ngôi chùa đấy”. Quả đúng thật. Đường nét gợi nhớ tới các vòm mái cong kiểu Trung Hoa hay Nhật Bản. Ngôi chùa này giống dạng cổ vật từng tìm thấy ở Trung Quốc về một nền văn minh cổ cách đây 4000 năm. Tại lô số 3 vừa tìm được vài bức tượng có đội mũ giống sắc dân Tiểu Á. Riêng lô số 4 thì thật phong phú: ngoài những vòng vàng hình thoi là những kiểu trang sức được chạm khắc theo nhiều hình thể khác nhau. Người ta cũng tìm thấy các bức tượng gốm của người và động vật, như một con tôm đang co càng; một con cá mập có 6 lỗ, khi thổi vào phát ra những âm thanh khác hẳn nhau. Những cái còi thực thụ!… Một đầu tượng được Medina đặt tên là “Cleopatra” vì vẻ đẹp thánh thiện hiếm thấy.

Những ngày kế tiếp, cuộc khai quật vẫn tiếp tục. Chúng tôi có dịp quan sát tổng thể khu lăng mộ, và nhận ra rằng người Tumaco cổ  tạo dựng các công trình của mình đều có tính tới việc phòng chống lũ lụt. Chúng tôi ngỡ ngàng trước một hiện vật cuối cùng là chiếc “phù hiệu” bằng bàn tay, làm từ gốm và ở giữa có chỗ trũng để đựng cát, gợi nhớ tới một nền văn minh cổ xưa ở Ấn Độ trước đây 5000 năm.

Một hiện vật của người Tumaco được nhóm khảo cổ phát hiện.
Một hiện vật của người Tumaco được nhóm khảo cổ phát hiện.

Thay lời kết

Trong Viện bảo tàng Guimet nổi tiếng ở Paris (Pháp), nhóm chuyên gia về châu Á đang lặng ngắm những bức ảnh của đoàn du khảo. Chúng tôi cho họ xem hình của các đầu tượng thạch cao, ngôi nhà mái cong, tấm phù hiệu… Paul De Decker, một nhà sử học uyên bác về châu đại dương không giấu nổi vẻ ngạc nhiên của mình.

Chúng tôi chỉ còn hy vọng một ngày nào đó, những bí ẩn về sắc dân Tumaco cổ đại sẽ được hé mở, một khi các nhà nhân chủng học quốc tế lưu tâm tới nền văn minh bí ẩn ở Tây bán cầu chưa được nhân loại biết đến.

Cập nhật: 28/09/2019 Theo CNAD
  • 2,73
  • 4.265