Khi nhiệt độ tăng, những đám tảo khổng lồ lại xuất hiện, tạo nên những mảng xanh khổng lồ trên mặt vịnh Biscay của Pháp.
Đám tảo khổng lồ trên vịnh Biscay hôm 4/5 trong một ảnh vệ tinh. (Ảnh: NASA)
Hai vệ tinh Terra và Aqua của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã chụp được cảnh tượng những đám tảo khổng lồ trôi dạt trên vịnh Biscay của Pháp vào ngày 4/5.
Sự bùng nổ của tảo mang đến lượng thức ăn lớn cho hàng loạt sinh vật - từ những động vật phù du tới cá voi. Thông qua hoạt động quang hợp, đám tảo biến ánh sáng mặt trời và carbon dioxide thành các loại đường.
Thỉnh thoảng chúng có thể gây ra nhiều phiền toái. Một số loài tảo có thể gây nên hiện tượng "thủy triều đỏ" và tạo ra những chất độc thần kinh. Con người và động vật có thể mắc bệnh hoặc tử vong nếu nhiễm những chất độc ấy. Khi tảo chìm xuống, chúng phân hủy và hút khí oxy khiến động vật dưới nước chết vì không còn dưỡng khí. Những vùng nước không còn dưỡng khí vì tảo sẽ trở thành "vùng chết".
Nhưng các đám tảo lớn cũng mang đến nhiều tác động môi trường tích cực. Một nghiên cứu năm ngoái chứng minh rằng những đám tảo hấp thụ khoảng một phần ba lượng khí carbon dioxide mà con người thải vào khí quyển hàng năm vì đốt nhiên liệu hóa thạch (như than đá, xăng, dầu mỏ).
Hàng loạt sắc tố tạo nên màu sắc của các đám tảo. Chẳng hạn, loại tảo Coccolithophores có màu sữa.