Ngăn chặn các cuộc tấn công thiết bị cấy ghép

  •  
  • 316

Các chuyên gia Mỹ đã chế tạo một loại “lá chắn” ngăn chặn nguy cơ hacker tấn công những thiết bị cấy ghép kết nối không dây.

Hàng triệu người trên thế giới hiện đang sống lệ thuộc vào các thiết bị cấy ghép y khoa như máy khử rung tim, máy tạo nhịp tim, máy bơm thuốc… Mỗi năm lại có thêm 300.000 người được gắn các thiết bị như vậy. Hầu hết các thiết bị nhân tạo đó vận hành thông qua kết nối không dây. Điều này cho phép bác sĩ hoặc người chăm sóc bệnh nhân có thể theo dõi sát sao các chỉ số quan trọng của bệnh nhân, cho thuốc và điều chỉnh phương pháp điều trị nếu cần thiết.

Hầu hết các thiết bị nhân tạo đó vận hành thông qua kết nối không dây
Hầu hết các thiết bị nhân tạo đó vận hành thông qua kết nối không dây (Ảnh: LiveScicence)

Tuy nhiên, cũng như hầu hết những thiết bị không dây phổ biến khác, chúng cũng có khả năng bị hacker tấn công. Trang tin Tech News Daily dẫn lời phó giáo sư Dina Katabi (Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ), cho rằng kẻ tấn công có thể ra lệnh cho bộ phận cấy ghép cung cấp một lượng thuốc hoặc điện áp gây chết người.

Dù cho đến nay những vụ tấn công kiểu như vậy chưa xảy ra nhưng đó là nguy cơ không thể loại trừ, và điều này đã thúc giục chuyên gia Katabi và các cộng sự hành động. Và họ đã tạo ra một hệ thống có thể ngăn chặn các vụ tấn công tương tự.

Hệ thống trên sử dụng một máy phát thứ hai mà các nhà nghiên cứu gọi là "lá chắn" để mã hóa và xác thực các giao tiếp không dây để các thông điệp trái phép không thể tiếp cận thiết bị cấy ghép. Lá chắn do bác sĩ phụ trách bệnh nhân điều khiển. Theo bà Katabi, thiết bị này đóng vai trò như một cổng giao tiếp an toàn giữa bác sĩ và bệnh nhân. “Muốn giao tiếp với thiết bị cấy ghép bên trong phải gửi các thông điệp được xác thực và mã hóa đến lá chắn. Sau đó, lá chắn truyền thông điệp đó đến bộ phận cấy ghép, đồng thời ngăn chặn các thông điệp không được xác thực tiếp cận thiết bị”, phó giáo sư Mỹ giải thích.

Nói cách khác, chỉ những người có “chìa khóa” của lá chắn mới có thể truy cập thông tin trên máy khử nhịp tim, máy tạo nhịp tim hoặc các bộ phận cấy ghép y khoa khác. Các nhà nghiên cứu đã quyết định thiết kế lá chắn là một thiết bị ngoài vì một số lý do. Theo đó, họ không muốn các thiết bị cấy ghép trở nên quá tải. Ngoài ra, việc mã hóa trên một thiết bị y khoa có thể gây hậu quả chết người trong trường hợp khẩn cấp. Nhưng tấm lá chắn này đủ nhỏ để đeo như một vòng cổ hay trâm cài đầu nên có thể dễ dàng tháo ra.

Theo Livescience, Thanh niên
  • 316