Nghệ thuật lừa đảo: Sự thật về những chiếc sọ pha lê

  •   12
  • 1.957

Chỉ 3 tháng sau khi Bảo tàng Quai Branly ở Paris phát hiện một chiếc sọ pha lê - từng được tung hô là một kiệt tác Aztec huyền bí - là đồ giả, đến lượt Bảo tàng Anh quốc và Viện Smithsonian cay đắng nhận ra họ cũng là nạn nhân của bọn làm sọ giả.

Các nhà khoa học thuộc hai viện danh tiếng trên phát biểu rằng những chiếc sọ pha lê của họ được cắt gọt và đánh bóng bằng các công cụ thời đại công nghiệp, không phải do tay của các thợ thủ công Trung Mỹ ngày xưa.

“Những chiếc sọ đang được xem xét không thuộc về thời tiền Columbus. Chắc chắn chúng sẽ bị xem là sản phẩm thời hiện đại. Mỗi chiếc sọ có lẽ đã được tạo thành khoảng 1 thập kỷ trước khi chúng được đem đi chào bán.”

Những chiếc sọ trở thành ngôi sao trong các buổi triển lãm tại cả 3 bảo tàng này từ lâu trước khi bộ phim “Indiana Jones: Vương quốc sọ pha lê” được công chiếu trong năm nay.

Những người mê tín cho rằng chúng thuộc một bộ gồm 12 sọ, có khả năng chữa thương và những quyền năng huyền bí khác, có từ thời văn hóa Trung Mỹ cổ. Theo một câu chuyện cổ, 12 chiếc sọ khi được tập hợp lại cùng với một chiếc thứ 13 sẽ tạo ra quyền năng vô biên giúp ngăn chặn trái đất không bị lật ngược vào ngày 21 tháng 12 năm 2012, “ngày tận thế” theo lịch của người Maya.

Những người tôn sùng thần thoại đã có một ngày 18 tháng 4 đầy đau khổ khi Quai Branly tuyên bố họ phát hiện lỗ đục và đường rãnh trên chiếc sọ thạch anh cao khoảng 11cm, cho thấy sự tồn tại của “đá mài trang sức và các công cụ hiện đại khác.”

Chiếc sọ pha lê được trưng bài ở Triển lãm Wellcome Trust của Bảo tàng Anh quốc. Chiếc sọ vốn được tin rằng xuất phát từ nền văn minh Aztec cổ này, đã được xác định là đồ giả sau khi các điều tra viên phát hiện dấu vết của vòng quay trên tác phẩm. (Ảnh: static.howstuffworks.com)


Nghi ngờ cũng nổi lên xung quanh những chiếc sọ ở London và Washington, khi các chuyên gia nghệ thuật chú ý chúng lớn bất thường với dấu răng thẳng hàng hoàn hảo. Để tìm kiếm kết luận khoa học, các nhà khoa học thuộc 2 bảo tàng trên kiểm tra chiếc sọ bằng kính hiển vi điện tử, quan sát các vết trầy xước vô cùng bé và các dấu vết do dụng cụ đẽo gọt để lại. Sau đó các vết này được so sánh với cốc pha lê, chuỗi hạt pha lê và hàng tá các đồ trang sức lục bảo khác được biết là có nguồn gốc Aztec hoặc Mixtec nghiêm chỉnh.

Chiếc sọ được Bảo tàng Anh quốc mua về năm 1987, làm từ đá pha lê trong suốt và cao 15 cm. Sọ ở Smithsonian được bảo tàng nhận về năm 1992, làm từ thạch anh và cao khoảng 25.5 cm.

Các nhân viên điều tra phát hiện rằng các vòng quay khiến sọ Anh quốc có hình dáng sắc gọn, một mũi khoan tạo ra lỗ mũi và mắt, còn kim cương hoặc corundum được gắn vào bằng các công cụ sắt hoặc thép để làm mượt bề mặt trên của nó. Chiếc sọ Mỹ có vết tích mờ nhạt của công cụ, nhưng những vết tích này thống nhất với các vòng quay hoặc các mảnh nghiền.

Không có bằng chứng nào cho thấy vòng quay được dùng để cắt đá ở Trung Mỹ trước khi người châu Âu đến.

Các điều tra viên cũng phát hiện chất đỏ và đen trong một khoang bé xíu của sọ Smithsonian. Nhiễu xạ tia X chứng tỏ nó là silic cacbua – một hợp chất cứng chỉ tồn tại tự nhiên trong thiên thể nhưng phổ biến trong các chất mài mòn công nghiệp hiện đại.

Tính không đều cực nhỏ trong thạch anh cho thấy chất khoáng dùng trong sọ London xuất xứ từ dãy Alps châu Âu, Brazil hoặc Madagascar, trong khi thạch anh trong sọ Washington “có thể có nhiều nguồn”, bao gồm Mexico và Mỹ.

Các điều tra viên nghiên cứu rất kỹ lưỡng văn thư lưu trữ của cả hai bảo tàng, Bảo tàng Nhân loại Paris, Thư viện quốc gia Pháp, Bảo tàng Cộng đồng Mỹ la tinh và báo chí để tìm ra nguồn gốc những chiếc sọ. Tài liệu duy nhất tồn tại đối với sọ Smithsonian ghi rằng nó được mua ở Mexico City vào năm 1960. Các nhà nghiên cứu tin rằng sọ “có lẽ được sản xuất không lâu trước khi được mua về”.

Còn về các sọ ở Bảo tàng Anh quốc và Quai Branly, tài liệu giấy tờ dẫn đến một nhà sưu tầm đồ cổ Pháp có tên Eugene Boban Duverge.

Boban có một cửa hiệu ở Mexico City và tìm đường đến các phòng trưng bày ở Paris nhờ vào “Can thiệp của Pháp”
1863-1867, khi quân đội Pháp xâm chiếm Mexico. Ông đã tạo nên bộ sưu tập 2000 di vật tiền Columbus, bộ sưu tập lớn nhất châu Âu thời nay. Nó bao gồm vài chiếc sọ pha lê, kể cả những món đồ giả mới được phát hiện ở London và Paris.

Chiếc sọ về tay Bảo tàng Anh quốc được Boban mua vào giữa năm 1878 và 1881, có lẽ ở châu Âu. Vào năm 1885, ông cố gắng bán nó cho Bảo tàng quốc gia Mexico, nhưng bị từ chối.

Một năm sau, Boban bán nó trong một buổi đấu giá cho nhà kim hoàn Tiffany ở New York. Hai năm sau, Tiffany bán chiếc sọ cho một thương nhân California. Gần một thập kỷ sau, người này phá sản và nhờ nhà kim hoàn này tìm người mua mới.

Vì vậy phó chủ tịch của Tiffany, George Kunz, tìm đến Bảo tàng Anh quốc.

Ông gợi ý việc mua lại “vật thể đáng chú ý này”, thảo ra quá khứ huy hoàng của chủ nhân, bắt đầu bằng một người lính Tây Ban Nha đem về từ Mexico, và trích dẫn lời của những người khác rằng cái sọ có nguồn gốc Mexico cổ nhưng không ai chắc chắn cả.

Phần còn lại, như mọi người vẫn nói, thuộc về lịch sử…và tính cả tin của con người.

Tuệ Minh (Theo PhysOrg)
  • 12
  • 1.957