Con người đã tránh giao phối cận huyết từ 3.000 năm trước

  •  
  • 3.265

Ngay từ 34.000 năm trước, tổ tiên chúng ta đã biết giao phối cận huyết là một ý tưởng tồi. Phân tích những hài cốt người cổ đại phát hiện tại Nga mới đây cho thấy rằng, ngay cả trong một xã hội cực kỳ nhỏ, quan hệ tình dục cận huyết cũng không xảy ra.

Nghiên cứu do Đại học Cambridge và Đại học Copenhagen chủ trì cho thấy người tiền sử đã xây dựng những mạng lưới xã hội và giao phối tinh vi đến đáng ngạc nhiên và tìm kiếm những đối tác bên ngoài gia đình của mình một cách có chủ ý.

Nghiên cứu này có thể một phần giải thích vì sao con người hiện đại về mặt giải phẫu lại thành công hơn trong việc tồn tại so với các chủng loài khác như người Neanderthal vốn không tránh việc giao phối cận huyết.

Bộ xương thời cổ đại
Người thời kỳ hậu đồ đá cũ sống thành những nhóm nhỏ cũng hiểu tầm quan trọng của việc tránh giao phối cận huyết. (Ảnh minh họa).

Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra những mẫu gene của bốn hài cốt người hiện đại về mặt giải phẫu từ Sunghir, một khu di tích hậu thời kỳ đồ đá cũ ở Nga. Không giống với những phát hiện về thời kỳ này, những hài cốt này nằm trong cùng một mộ với nhau.

Và điều khiến các nhà nghiên cứu ngạc nhiên là họ không có liên hệ gần gũi về mặt di truyền. Quan hệ gần nhất giữa họ có thể chỉ là anh em họ thế hệ thứ hai. Điều này là đúng ngay cả trong trường hợp hai bộ hài cốt trẻ em được chôn đối đầu nhau trong cùng ngôi mộ.

Các đồ vật và trang sức được chôn theo cho thấy có thể họ đã xây dựng các quy tắc, lễ nghi và nghi thức cho việc trao đổi bạn tình giữa các nhóm người, mà có lẽ sau này đã phát triển thành các nghi lễ kết hôn hiện đại.

Giáo sư Eske Willerslev thuộc trường Cao đẳng St John, Cambridge cho biết: "Điều này có nghĩa là ngay cả người thời kỳ hậu đồ đá cũ sống thành những nhóm nhỏ cũng hiểu tầm quan trọng của việc tránh giao phối cận huyết".

“Dữ liệu mà chúng tôi có cho thấy họ cố ý tránh việc này, và họ đã xây dựng một hệ thống cho mục đích này. Nếu các nhóm thợ săn - người hái lượm nhỏ kết hợp ngẫu nhiên với nhau, chúng ta sẽ thấy nhiều bằng chứng về giao phối cận huyết hơn so với những gì chúng ta có ở đây".

Bằng cách so sánh, trình tự bộ gene của một người Neanderthal sống cách đây 50.000 năm trên dãy núi Altai cho thấy họ không tránh việc giao phối cận huyết.

Điều đó khiến các nhà nghiên cứu suy đoán rằng một cách tiếp cận sớm và có hệ thống để ngăn chặn giao phối cận huyết có lẽ đã giúp người hiện đại phát triển thịnh vượng hơn so với các giống người khác.

Cập nhật: 09/10/2017 Theo Vietnam+
  • 3.265