Tìm thấy huy chương bạc trong mộ cổ 2.100 năm tuổi

  •  
  • 139

Các nhà khảo cổ Nga đã tìm thấy tấm huy chương có biểu tượng nữ thần Hy Lạp trong quá trình khai một quật ngôi mộ gần Biển Đen.

 Mộ cổ 2.100 năm chứa nhiều hiện vật liên quan đến thần Aphrodite.
Mộ cổ 2.100 năm chứa nhiều hiện vật liên quan đến thần Aphrodite. (Ảnh: Nikolay Sudarev/Oleg Deripaska Volnoe Delo Foundation).

Ngôi mộ này là một trong những phát hiện nổi bật nhất được thực hiện tại thành cổ Phanagoria trên bán đảo Taman, nằm giữa Biển Đen và Biển Azov, theo Nikolay Sudarev từ Viện Hàn lâm Khoa học Nga, một thành viên trong nhóm khai quật.

Dựa vào một loạt hiện vật được tìm thấy, bao gồm nhẫn, bông tai, đồ trang sức, đồ dùng cá nhân và đặc biệt là một tấm huy chương bằng bạc có biểu tượng chạm nổi của nữ thần sắc đẹp Aphrodite trong thần thoại Hy Lạp, các nhà nghiên cứu tin rằng ngôi mộ thuộc về một người phụ nữ tôn sùng thần Aphrodite.

"Tôi sẽ không gọi người này là "nữ tu sĩ", nhưng việc chôn cất cô ấy dường như có liên quan tới sự sùng bái Aphrodite", Sudarev nói với Live Science hôm 27/10.

Ngoài bức chân dung nữ thần Hy Lạp, tấm huy chương còn có 10 biểu tượng chạm nổi khác tương ứng với 10 cung hoàng đạo. So với hệ thống 12 cung hoàng đạo hiện nay, nhóm nghiên cứu nhận thấy sự thiếu vắng của cung Bảo Bình và Thiên Bình, nhưng không biết tại sao.

 10 biểu tượng cung hoàng đạo xung quanh chân dung nữ thần Aphrodite.
10 biểu tượng cung hoàng đạo xung quanh chân dung nữ thần Aphrodite. (Ảnh: Deripaska Volnoe Delo Foundation).

Việc cung hoàng đạo xuất hiện trên tấm huy chương mô tả thần Aphrodite cho thấy người Phanagoria vào thời kỳ đó có niềm tin vào chiêm tinh học, với ý tưởng rằng các thiên thể có thể ảnh hưởng đến những sự kiện bên dưới Trái đất.

"Đây là một trong những mô tả sớm nhất về dấu hiệu của cung hoàng đạo trong thế giới Hy Lạp cổ đại", Sudarev nhấn mạnh.

Theo nhà sử học cổ đại Hecataeuss, thành cổ Phanagoria được tạo nên vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên bởi những người tị nạn từ Teos - một thành phố Hy Lạp trên bờ biển Anatolia (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) - sau khi nó bị vua Ba Tư Cyrus cướp phá vào khoảng năm 540 trước Công nguyên.

Khám phá mới làm tăng thêm tầm quan trọng của các dự án khảo cổ ở Phanagoria. Nhóm nghiên cứu cũng đang mở rộng khai quật dưới nước do 1/3 thành cổ đã bị ngập lụt.

Cập nhật: 01/11/2022 VnExpress
  • 139