Nghiên cứu bảo quản trái cây sau thu hoạch

  •   32
  • 13.593

Hiện nay, ở ĐBSCL, chỉ có một số doanh nghiệp lớn và các siêu thị có phương thức tồn trữ trái cây ở nhiệt độ lạnh. Còn lại, đa số các vựa thu mua trái cây cũng như nông dân đều thu hoạch và bán trái cây theo tập quán, không có qui trình bảo quản sau thu hoạch. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế. Để khắc phục tình trạng này, Trường Đại học Cần Thơ đã và đang thực hiện một số công trình nghiên cứu về bảo quản trái cây sau thu hoạch. Những nghiên cứu này sẽ góp phần mở hướng phát triển mới cho thị trường trái cây ở ĐBSCL.

Nông trường Sông Hậu hiện có 150.000 cây xoài cát Hòa Lộc, trung bình, mỗi hộ có 80-100 cây. Với sản lượng hàng năm lên đến cả hàng nghìn tấn xoài sản phẩm, Nông trường hướng tới qui trình thu hoạch và bảo quản xoài có qui mô của một phân xưởng phân loại, đóng gói, bảo quản trái cây tươi chính qui. Nông trường đã hợp tác với Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Sinh học và Bộ môn Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Cần Thơ cùng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam nghiên cứu thành công qui trình bảo quản xoài sau thu hoạch bằng công nghệ hiện đại, đảm bảo chất lượng tốt, giúp kéo dài thời gian tồn trữ, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Qui trình này đã được Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ nghiệm thu đầu năm 2007.

Tiến sĩ Hà Thanh Toàn, Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: “Nếu tiêu thụ trong nước, sau khi thu hoạch, xoài được phân loại, đóng gói, vận chuyển và phân phối đến người tiêu dùng. Nếu xuất khẩu, thì sau khi phân loại, sẽ tiến hành các bước xử lý, tồn trữ (để vận chuyển xa), làm chín,

Trái quýt hồng được bảo quản trong bao PE có đục 5 lỗ, mỗi lỗ có đường kính 1mm. Ảnh tư liệu của Trường Đại học Cần Thơ.

Trái quýt hồng được bảo quản trong bao PE có đục 5 lỗ, mỗi lỗ có đường kính 1mm. Ảnh tư liệu của Trường Đại học Cần Thơ.

đóng gói, rồi mới vận chuyển và phân phối đến nơi tiêu thụ”. Xoài Cát Hòa Lộc có vỏ mỏng nên khó bảo quản lâu và vận chuyển xa, gây khó khăn cho việc xuất khẩu. Tiến sĩ Toàn cùng các cộng sự đã nghiên cứu khắc phục hạn chế trên bằng cách xử lý chần nước nóng để ngăn bệnh thán thư và ruồi đục trái. Biện pháp này giúp đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng theo yêu cầu kiểm dịch thực vật cho cây ăn trái. Sau đó, trái được nhúng vào dung dịch Chitosan, tạo nên một lớp màng bao phủ mỏng có tác dụng chống mất ẩm, giảm hao hụt trọng lượng và kéo dài thời gian tồn trữ. Qua các thí nghiệm, xoài được tồn trữ tốt nhất là ở nhiệt độ lạnh từ 10-12oC. Tiến sĩ Hà Thanh Toàn đưa ra kết luận: “Qua quá trình xử lý và tồn trữ, trái xoài được bảo quản tốt nhất trong 4 tuần, thậm chí có khả năng kéo dài 6 tuần, có thể vận chuyển và phân phối đi xa”. Theo thạc sĩ Lê Văn Bằng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ dịch vụ sản xuất Trái cây của Nông trường Sông Hậu, khi tìm được thị trường xuất khẩu ổn định, nông trường sẽ xây dựng nhà xưởng, đầu tư trang thiết bị để bảo quản xoài theo qui trình công nghệ đã nghiên cứu.

* * *

Năm 2006, Phó Giáo sư tiến sĩ Lê Văn Hòa, Phó Trưởng Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ và các cộng sự tiến hành nghiên cứu qui trình bảo quản sau thu hoạch các loại trái cây: quýt đường, bưởi Năm Roi, cam sành, cam mật và cam xoàn. Đây là đề tài nghiên cứu được thực hiện theo yêu cầu của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang. Dự kiến, đề tài sẽ được nghiệm thu vào năm 2009. Phó Giáo sư tiến sĩ Lê Văn Hòa cho biết: “Chúng tôi nghiên cứu theo hướng sản xuất trái cây sạch nên thực hiện phương pháp phòng trừ sinh học trước và sau thu hoạch. Các hóa chất độc hại được hạn chế sử dụng, thay vào đó sử dụng các chất không độc hại như: dùng nấm đối kháng để trị bệnh, vôi, dung dịch Chlorine (là chất thường được dùng trong xử lý nước sinh hoạt)... Hiện nay, chúng tôi đã nghiên cứu xong qui trình bảo quản sau thu hoạch trái quýt đường; đang tiếp tục nghiên cứu qui trình bảo quản các loại trái cây khác”.

Qua nhiều thí nghiệm, các nhà khoa học đã đưa ra qui trình bảo quản trái quýt đường với thời gian tồn trữ đến 8 tuần. Đó là bảo quản trái bằng cách bao màng Chitosan ở nồng độ 0,25% kết hợp với bao Polyethylene (PE) đục 5 lỗ với đường kính mỗi lỗ 1 mm và ghép mí lại bằng máy ép. Sau đó, bảo quản ở nhiệt độ 120C. Với phương pháp này, phẩm chất bên trong trái như: hàm lượng đường, hàm lượng vitamin C... luôn ổn định, tỷ lệ hao hụt trọng lượng thấp, màu sắc vỏ trái đồng đều và đẹp. Ngoài trái quýt đường, các nhà khoa học cũng nghiên cứu thêm qui trình bảo quản trái quýt hồng (quýt Tiều) bằng cách bảo quản trong bao PE (nhưng chỉ đục 3 lỗ, mỗi lỗ 1 mm) và bảo quản ở nhiệt độ lạnh (150C). qui trình này cho phép thời gian tồn trữ kéo dài đến 9 tuần.

Phó Giáo sư tiến sĩ Lê Văn Hòa cho biết: “Sử dụng bao PE bao trái nhằm hạn chế sự bốc hơi nước, làm giảm bớt cường độ hô hấp và sinh tổng hợp ethylene... giúp kéo dài thời gian tồn trữ trái. Bao trái bằng bao PE đã được sử dụng khá phổ biến trên nhiều loại trái cây khác nhau, ở nhiều nơi trên thế giới và đạt kết quả tốt. Bảo quản trái cây trong nhiệt độ thấp làm cho trái chín chậm hơn, dưỡng chất trong trái được duy trì lâu hơn, hạn chế các loại nấm bệnh phát triển, vỏ trái ít bị nhăn nheo... Tuy nhiên, mỗi loại trái cây có thể chịu đựng những ngưỡng nhiệt độ khác nhau. Do đó, việc nghiên cứu để tìm ra ngưỡng nhiệt độ tốt nhất cho từng loại trái cây là rất cần thiết”.

Trước đề tài nghiên cứu của Phó Giáo sư tiến sĩ Lê Văn Hòa, Phó Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ, Trưởng Bộ môn Khoa học Cây trồng, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ cùng các cộng sự đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu bảo quản tươi, kéo dài thời gian tồn trữ trái cam sành, quýt đường và bưởi Năm Roi tại Cần Thơ”. Đề tài thực hiện nhiều biện pháp để bảo quản trái cây như: bảo quản ở nhiệt độ lạnh, sử dụng chất trích thảo mộc để phòng trừ nấm bệnh hại, sử dụng bao PE, bao màng Chitosan… Dự kiến, cuối năm 2007, đề tài sẽ được nghiệm thu.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, những nghiên cứu bảo quản trái cây sau thu hoạch có thể ứng dụng rộng rãi trong các siêu thị vì nơi đây có phòng lạnh và các điều kiện cần thiết để bảo quản trái cây lâu dài. Ngoài ra, khi trái cây Việt Nam hướng đến thị trường xuất khẩu thì việc bảo quản trái sau thu hoạch để kéo dài thời gian tồn trữ trong quá trình vận chuyển là một yêu cầu bắt buộc. Do đó, những công trình nghiên cứu về bảo quản trái cây sau thu hoạch hiện nay là rất cần thiết, góp phần nâng cao giá trị thương phẩm cho trái cây trên thị trường trong và ngoài nước.

CÁT ĐẰNG

Theo Báo Cần Thơ
  • 32
  • 13.593