Theo hãng tin BBC, hàng triệu người trên thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ sốc nhiệt, một tình trạng có thể khiến các chức năng trong cơ thể ngừng hoạt động. Phần lớn những nạn nhân này sống tại các nước đang phát triển hoặc đang làm những công việc phải phơi nắng quá nhiều.
Thậm chí, ngay cả những công nhân trong nhà máy hay y tá bệnh viện cũng có khả năng sốc nhiệt do nhiệt độ môi trường ngày một tăng cao trong mùa hè. Với sự ấm lên của tTrái đất, chẳng mấy mà mùa hè trở nên quá nóng, quá nguy hiểm (Too Hot, Too Dangerous) cho loài người.
Một trong những ví dụ của người làm việc trong nhà nhưng vẫn có nguy cơ sốc nhiệt là bác sĩ Jimmy Lee tại Singapore. Những căn phòng chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân Covid-19 tại đây thường không có điều hòa nhằm tránh việc thổi virus lây lan sang những nơi khác, bởi vậy những bác sĩ như Jimmy Lee luôn trong tình trạng nóng nực, đổ mồ hôi và mất nước liên tục.
Đồ bảo hộ cho các bác sĩ hiện nay không hề thoáng khí.
Tồi tệ hơn, bộ đồ bảo hộ những nhân viên y tế này không hề thoáng khí nhằm tránh lây nhiễm, khiến những ca trực 8 tiếng của các bác sĩ, y tá trở nên vô cùng khó khăn trong những ngày hè nóng nực.
"Bạn sẽ bị sốc khi vào phòng chăm sóc đặc biệt lần đầu tiên. Chúng tôi thật sự không thoải mái chút nào với điều kiện làm việc thế này cho 1 ca trực 8 tiếng, nó ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần làm việc", bác sĩ Lee cho biết.
Nguy hiểm hơn, bác sĩ Lee cho rằng việc quá nóng khiến họ bị giảm sút khả năng ra quyết định trong những thời điểm sống còn của bệnh nhân. Ngoài ra, khả năng đột quỵ hay suy giảm thể lực do sốc nhiệt cũng đe dọa đến việc chăm sóc bệnh nhân của các bác sĩ.
Thông thường việc sống trong môi trường có nhiệt độ quá cao liên tục sẽ khiến cho cơ thể con người bị mất khả năng điều tiết, qua đó khiến cơ thể liên tục nóng lên đến mức độ làm suy giảm các chứng năng cơ quan.
Tình trạng này cũng có thể diễn ra khi cơ chế thoát nhiệt bằng mồ hôi trên da không thể tiến hành do không khí quá ẩm, khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao và khó điều tiết.
Nhiệt độ bình quân toàn cầu ngày càng tăng kể từ năm 1850.
Theo bác sĩ Rebecca Lucas, việc sốc nhiệt hay mất khả năng điều tiết thân nhiệt có thể gây nên nhiều triệu chứng từ nhẹ đến nặng, ví dụ như ngất xỉu, mất phương hướng, chuột rút hay thận và ruột ngừng hoạt động.
Từ lâu các nhà khoa học đã phát triển hệ thống WBGT đo lường không chỉ nhiệt độ mà còn độ ẩm cùng nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến cơ thể con người.
Vào thập niên 1930, quân đội Mỹ đã sử dụng hệ thống này nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho binh lính khi huấn luyện. Khi WGBT đạt 29 độ C thì người lính được đề nghị tạm dừng huấn luyện. Tuy nhiên đây là mức độ mà bác sĩ Lee cùng các đồng nghiệp ở Singapore luôn đối mặt khi chăm sóc các bệnh nhân Covid-19.
Khi WGBT đạt 32 độ C, cuộc huấn luyện của quân đội Mỹ được khuyến nghị dừng hẳn do đây đã là mức độ cực kỳ nguy hiểm cho cơ thể người.
Trớ trêu thay, đây lại là mức độ mà Giáo sư Vidhya Venugopal thường xuyên đo được tại bệnh viện Chennai-Ấn Độ. Thậm chí có những lúc chỉ số này lên đến 33 độ C dù các bác sĩ đứng ngay dưới quạt. Thông thường với mức nhiệt 41,7 độ C tại Ấn Độ vào mùa hè, việc sốc nhiệt là điều thường xảy ra.
Theo Giáo sư Venugopal, tình trạng nóng kéo dài có thể khiến mọi người mất nước, gặp các vấn đề về tim mạch, sỏi thận hay đơn giản là kiệt sức.
Điều nguy hiểm hiện nay là tình trạng sốc nhiệt đang ngày một tăng trên toàn cầu.
Giai đoạn 2009-2019 là thập niên nóng kỷ lục.
Giáo sư Richard Betts của tổ chức Met Office tại Anh đã thực hiện một mô hình trên máy tính, qua đó cho thấy số ngày mà chỉ số WGBT vượt 32 độ C trên trái đất đang ngày một nhiều hơn do thay đổi khí hậu.
Hãng tin BBC cho biết tính đến năm 2100, khoảng 1,2 tỷ người trên trái đất sẽ bị sốc nhiệt, cao gấp 4 lần so với hiện nay.
Trên thực tế để đối phó với sốc nhiệt vô cùng đơn giản. Mọi người chỉ cần tránh nóng, nghỉ ngơi, uống nhiều nước… Tuy nhiên bác sĩ Lee tại Singapore cho rằng điều này nói dễ hơn làm. Với những người bận rộn như bác sĩ Lee, việc có thời gian nghỉ ngơi đã là một điều xa xỉ. Thậm chí nhiều nhân viên y tế còn không muốn uống nước để hạn chế thời gian đi vệ sinh bởi mỗi lần phải thay đồ bảo hộ lại tốn quá nhiều thời gian cũng như phiền phức.
"Sự thay đổi khí hậu là thách thức rất lớn cho nhân loại và chúng ta cần hợp tác giữa các nước để chuẩn bị cho những điều tồi tệ sắp đến. Nếu không thì cái giá phải trả sẽ rất lớn", bác sĩ Lee nói.