Chùm tia sáng vàng rực xuyên mây như "nối mặt đất với Thiên Đường" là hiện tượng gì?

  •  
  • 7.338

Giữa bầu trời đầy mây xám, bỗng có một chùm tia sáng vàng rực như thể "phá vỡ" những đám mây, chiếu thẳng xuống, tạo ra một "lối đi" từ trên trời cao xuống mặt đất. Bất kỳ ai chứng kiến cảnh tượng vừa huy hoàng vừa bí ẩn này cũng thấy khó tin, có người còn lo sợ. Vậy thực ra đây là hiện tượng gì?

Khi trên bầu trời đầy mây xám, nếu có ánh sáng thì thường cũng chỉ le lói. Nhưng đôi khi, ánh sáng tìm một lối đi riêng cho mình.

Thật vậy, mới đây, có người đã chụp được ảnh một chùm tia sáng vàng rực dường như đi xuyên qua màn mây xám trên bầu trời, hoặc trông cũng như thể mây mở ra một lối để chùm tia sáng đó rọi xuống mặt đất.

Hiện tượng này xảy ra ở thành phố Milton (bang Florida, Mỹ). Hình ảnh chùm tia sáng bí ẩn đã thu hút rất nhiều lượt xem. Một số người gọi chùm tia sáng này là “lối lên Thiên Đường” hoặc “những tia sáng của thánh thần”, "tia UFO", rồi lo sợ đây là một “điềm báo” gì đó.

 Chùm tia sáng lạ ở Milton (bang Florida, Mỹ) ngày 18/11.
Chùm tia sáng lạ ở Milton (bang Florida, Mỹ) ngày 18/11. (Ảnh: Jessica Parker).

Trong những câu chuyện truyền miệng từ xa xưa thì người ta nói đây là “lối để các linh hồn đi lên Thiên Đường”. Nhưng tất nhiên theo khoa học thì không phải vậy.

Thực tế, đây là một hiện tượng tự nhiên gọi là “tia hoàng hôn”, dù nó có thể xảy ra cả vào lúc bình minh lẫn hoàng hôn, theo Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh.

Cụ thể, hiện tượng này xảy ra khi ánh sáng từ Mặt trời bị tán xạ do bụi, khói hay các phân tử khác trong bầu khí quyển. Những tia sáng này đi qua những khoảng hổng ở/ giữa các đám mây. Mặc dù những tia sáng này dường như hội tụ ở một điểm nào đó bên trên những đám mây rồi tỏa ra bên dưới đám mây nhưng thực ra chúng gần như song song.

Hình ảnh minh họa để giải thích hiện tượng "tia hoàng hôn".
Hình ảnh minh họa để giải thích hiện tượng "tia hoàng hôn". (Ảnh: Weather).

Những “tia hoàng hôn” này thường có màu vàng, đôi khi là đỏ, do ánh sáng có bước sóng dài (màu vàng, đỏ) ít bị tán xạ hơn ánh sáng với bước sóng ngắn (màu xanh da trời, xanh lá cây).

“Tia hoàng hôn” được nhìn thấy rõ nhất vào lúc chạng vạng, do có sự tương phản sáng tối rất rõ ràng trên bầu trời, vì vậy mà tên tiếng Anh của tia này là crepuscular, bắt nguồn từ tiếng Latin có nghĩa là “chạng vạng”.

Cập nhật: 21/11/2024 hoahoctro.tienphong
  • 7.338