Ngừng tiêm ngừa vắc-xin Priorix gây sốc chết người

  •  
  • 1.646

Sở Y tế TP.HCM đã khẩn cấp yêu cầu các đơn vị y tế trên địa bàn TP.HCM ngưng ngay việc tiêm vắc-xin Priorix phòng bệnh Sởi-Quai bị-Rubella của hãng GlaxoSmithKline.

Thuốc Priorix

Thuốc Priorix
(Ảnh: greencross)

6 bệnh nhi tại quận 5 bị tai biến sốc nặng do chích ngừa vắc -xin, trong đó có 1 ca đã tử vong.

Bên cạnh đó, Sở Y tế đã có công văn đề nghị Công ty GlaxoSmithKline cùng hợp tác với ngành y tế và các cơ quan chức năng tìm nguyên nhân dẫn đến các trường hợp tai biến sau tiêm vắc-xin Priorix ở trẻ em.

Những ca tai biến

Cho đến 14 giờ ngày 11-5, tại Khoa Hồi sức - BV Nhi Đồng 1 vẫn còn 5 trẻ đang trong tình trạng thở máy. Đây là những trẻ đã bị sốc thuốc sau khi tiêm vắc-xin Priorix ngừa Quai bị-Sởi-Rubella.

Trước đó, vào tối 10-5, bé Nguyễn Thiên Bảo, 13 tháng tuổi đã chết cũng do sốc thuốc sau khi tiêm vắc-xin trên vào ngày 9-5 tại Trạm Y tế Phường 9, Q.5-TP.HCM.

Một trường hợp khác là bé Hoặc Chí Vinh, 16 tháng tuổi, được tiêm vắc-xin Priorix ngày 8-5 tại trạm Y tế phường 8, Quận 5. Nhưng đến ngày 9-5, bé Vinh được đưa vào bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng sốt cao, tím tái và phù toàn thân. Hiện nay tình trạng của bé Vinh vẫn còn đang nguy kịch và các bác sĩ khoa Hồi sức BV Nhi Đồng 1 đang phải chống sốc và cho bé thở máy.

Sau khi được thông tin, Sở Y tế đã yêu cầu tất cả các đơn vị Y tế trên địa bàn TP.HCM, đặc biệt là Trung tâm Y tế Quận 5, tạm ngưng việc tiêm ngừa vắc-xin Priorix của Hãng GlaxoSmithKline và tiến hành kiểm kê, niêm phong lô hàng vắc-xin nói trên.

Đồng thời, các đơn vị y tế khảo sát tình hình sức khỏe các trẻ trong vòng một tuần qua đã được tiêm phòng loại vắc-xin này.

Bên cạnh đó Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM tổ chức lấy mẫu lô hàng vắc-xin này để kiểm nghiệm theo đúng qui trình đã được quy định.

Sốc thuốc phản vệ?

Bác sĩ Lê Thanh Chiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới cho biết, tất cả các loại thuốc tiêm phòng dịch bệnh khi đưa vào cơ thể người đều có nguy cơ gây sốc thuốc (gọi là sốc phản vệ).

Cơ chế gây sốc thuốc là do phản ứng kháng nguyên kháng thể gây ra. Tuy nhiên, đối với trường hợp tiêm ngừa Quai bị - Sởi - Rubella thì tỷ lệ này không nhiều. 

Ở một số loại thuốc, nhà sản xuất có khuyến cáo phải thử test "lẩy da" trước khi chích vào cơ thể người, nhưng thuốc chủng ngừa thì thông thường không thấy có khuyến cáo này. 

Trong khi đó, TS Dược học Nguyễn Hữu Đức thuộc trường  ĐH Y Dược TP.HCM cũng rất dè dặt khi đề cập đến nguyên nhân gây ra những tai biến sốc nặng sau khi tiêm vắc-xin ngừa bệnh Quai bị - Sởi - Rubella ở các bệnh nhân nhi nói trên.

Theo ông, nếu đó là sốc phản vệ thì có thể xảy ra bất cứ lúc nào và với bất cứ người nào, dù trước đó không có một tiền sử dị ứng nào. Đây là một hiện tượng không thể lường trước được.

Đặc biệt, TS. Đức nhấn mạnh vắc-xin là một loại chế phẩm sinh học, nghĩa là lấy từ những gì thuộc về sinh học (hay còn là những chất đạm lạ) nên càng dễ dàng gây ra sốc phản vệ và dẫn đến tử vong hơn bất cứ một sản phẩm thuốc nào.

Sốc phản vệ (còn gọi là choáng phản vệ) là một phản ứng dị ứng rất nặng khi cơ thể tiếp xúc với chất gây dị ứng (còn gọi là dị ứng nguyên hay kháng nguyên). Và khi phản ứng dị ứng này xảy ra nếu không phát hiện và xử trí kịp thời người bệnh có thể tử vong.

Nguyên nhân thường gặp gây ra sốc phản vệ là do dùng thuốc, đặc biệt dùng dạng thuốc tiêm chích. Một số thuốc có nguy cơ cao gây sốc vệ khi tiêm như Penicillin, Streptomycin và một số kháng sinh khác, chỉ 1-2 phút sau là tím tái, co thắt khí quản, mạch nhanh, suy hô hấp, và trụy tim mạch, tụt huyết áp, hôn mê và có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

TS Nguyễn Hữu Đức giải thích một trong những chất sinh học có tên là histamin giữ vai trò quan trọng chong sốc phản vệ. Bình thường, histamin tập trung nhiều trong các tế bào bạch cầu ( đặc biệt là các tế bào mast hay còn gọi là dưỡng bào) và kết hợp với một chất sinh học khác là heparin không biểu lộ độc tính nào cả. Chỉ khi cơ thể gặp dị ứng nguyên (như thuốc) sẽ sinh ra một kháng thể chống lại.

Phản ứng giữa kháng thể và dị ứng nguyên quá mãnh liệt gây ra rối loạn, tế bào chứa phức hợp histamin-heparin sẽ kích thích phóng ra histamin dạng tự do và gây ra những triệu chứng trầm trọng gọi là sốc phản vệ.

Bệnh nhân sốc phản vệ cần được cấp cứu, trước hết là tiêm thuốc adrenalin (để nâng và duy trì huyết áp), thuốc glucocorticoid (như methylprednisolon), thuốc kháng histamin (như promethazin) để trị dị ứng, thở oxy và thông khí tốt...

Theo VietNamNet, Tuổi trẻ
  • 1.646