Người khám phá Lang Biang và tìm ra vi trùng dịch hạch

  •  
  • 1.489

Trên ngọn đồi lộng gió nằm cạnh quốc lộ 1 qua địa phận xã Suối Tân, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) có phần mộ một người nước ngoài đã an nghỉ 71 năm. Ông là người tìm ra cao nguyên Lang Biang - Đà Lạt, đưa cây cao su, canh ki na vào Đông Dương, rồi tìm ra vi trùng, điều chế huyết thanh chống bệnh dịch hạch, tìm ra độc tố bệnh bạch hầu, xây dựng các trại chăn nuôi thuộc Viện Pasteur Đông Dương, thành lập Viện Pasteur Nha Trang, Trường Y Đông Dương…

Ông là nhà bác học Alexandre John Emeli Yersin. Cuộc đời như một huyền thoại, nhưng người dân Nha Trang vẫn gọi Yersin là "ông Năm" - rất gần gũi và thiện cảm.

1. Alexandre Yersin sinh ngày 22/9/1863 tại Aubone, tổng Vaud, hạt Lavaux, tỉnh Morges - Thụy Sĩ, là con út trong gia đình 3 người con. Thân mẫu là hậu duệ những người Huguenot ở Cévennes đào thoát khỏi Pháp để sang Thụy Sĩ vì những lý do tôn giáo dưới thời Vua Louis XIV. Thân phụ là giáo viên khoa học tự nhiên tại những trường trung học ở Aubonne, Morges và đã có một số công trình nghiên cứu về côn trùng.

Di ảnh bác sĩ Yersin.
Di ảnh bác sĩ Yersin. (Ảnh: Tư liệu).

Ba tuần trước khi Yersin chào đời, thân phụ ông ra đi vì xuất huyết não. Từ đó mẹ ông mở trường dạy nữ công gia chánh ở Morges và nuôi dưỡng 3 người con.

Tốt nghiệp trung học Lausanne năm 1883, Yersin theo ngành Y trong Viện Hàn lâm Lausanne, sau đó tiếp tục học ở Marburg - Đức. Khi đến Pháp năm 1885 để nghiên cứu tại Hootel-Dieu - một bệnh viện lâu đời nhất ở Paris liên kết với Đại học Paris Descartes, Yersin may mắn gặp gỡ Louis Pasteur khi nhà khoa học nổi tiếng này đến thăm bệnh nhân bị chó dại cắn đang điều trị bằng vaccine do Louis Pasteur phát minh. Lúc đó, Yersin làm việc tại Phòng thí nghiệm vi trùng của Pasteur ở phố Ulm - Paris, trực tiếp giúp việc bác sĩ Émili Roux.

Với luận án "Nghiên cứu về sự phát triển của bệnh lao bằng thực nghiệm", Yersin nhận bằng Tiến sĩ y khoa năm 25 tuổi. Tiếp đó ông sang Berlin - Đức học lớp vi trùng học kỹ thuật rồi trở về Paris nhập quốc tịch Pháp để vào Viện Pasteur Paris hình thành ngày 1/1/1889 và cộng tác với Roux để khám phá độc tố bạch hầu do trực khuẩn Corynebacterium diphtheriae tạo ra.

Không được thụ giáo bên cạnh Pasteur lâu năm như nhiều người khác, nhưng Yersin luôn là học trò xuất sắc, hấp thụ tinh thần, phương pháp nghiên cứu theo Pasteur kết hợp tình thương nhân loại và đam mê nghề nghiệp.

Trong thư Yersin gửi mẹ - bà Fanny, dịp tết 1888, ông viết: "Ngài Pasteur đề cập đến công trình nghiên cứu rất quan trọng của ông Roux vừa thực hiện và công bố trong tập biên niên mới xuất bản của Viện Pasteur Paris. Thật vậy, công trình này chứng minh có thể chủng ngừa một số bệnh nhiễm trùng nặng, không phải bằng chính những vi khuẩn gây bệnh nữa, vì dù đã được làm yếu đi nhưng vi khuẩn này vẫn còn khả năng gây nguy hiểm, mà có thể ngăn ngừa với những độc tố do chúng tiết ra".

2. Khát vọng thám hiểm những vùng đất mới thôi thúc Yersin rời Pháp sang Đông Dương tìm kiếm trải nghiệm ở vùng nhiệt đới còn nhiều tiềm ẩn. Yersin nói: "Tôi luôn mơ ước thám hiểm, khám phá nơi này nơi nọ. Khi ta còn trẻ chẳng có gì là không thể".

Noel Bernard, nguyên Viện trưởng Viện Pasteur Sài Gòn thời bấy giờ đã viết về Yersin: "Ông không thể cưỡng lại cái khuynh hướng bẩm sinh, mặc dù ông biết rằng làm như vậy tức là làm cho phức tạp thêm cuộc đời của mình".

"Lô cốt" ở xóm Cồn, Nha Trang - nơi Yersin sinh sống.
"Lô cốt" ở xóm Cồn, Nha Trang - nơi Yersin sinh sống.

Còn Pasteur viết trong nhật ký: "Bỗng chốc ý muốn cuồng nhiệt đi du lịch xa đến với Yersin, thế là không có gì có thể giữ ông lại bên cạnh chúng tôi". Pasteur viết thư đề cử Yersin làm bác sĩ cho Công ty Vận tải hàng hải Message Maritimes, trực tiếp chăm sóc sức khỏe thủy thủ, hành khách tàu Volga vận hành bằng buồm và hơi nước theo hải trình Sài Gòn - Manila. Trong những chuyến đi, Yesrin tranh thủ thám du Philippines và Nam Kỳ, một năm sau ông chuyển sang tàu Saigon đi tuyến Sài Gòn - Hải Phòng khi chưa có đường bộ xuyên Việt.

Ngoài công việc chuyên môn, Yersin nhờ thuyền trưởng hướng dẫn ký họa địa hình, sử dụng kính lục phân, nghiên cứu trắc địa và tìm hiểu kiến thức toán học để quan sát thiên văn học. Nha Trang đầy nắng gió với vẻ đẹp hoang sơ của núi và biển đã cuốn hút Yersin. Trong bộ sưu tập H.H Mollaret, Yersin kể rằng: "Điểm dừng chân đầu tiên sau Sài Gòn là Nha Trang. Phải mất 28 giờ mới tới được. Chúng tôi phải neo cách bờ một dặm và chỉ đậu lại một giờ, do vậy không thể lên bờ được. Thật đáng tiếc vì vùng này có nhiều núi non và phong cảnh thì rất ngoạn mục…".

Cùng lúc này người cháu ruột và là môn đệ của Pasteur tìm gặp Yersin vận động thành lập Viện Pasteur Australia, nhưng ông từ chối đến đô thị ở lục địa đang phát triển để đến với Nha Trang giữa tháng 7/1891. Yersin sinh sống trong căn nhà gỗ ở xóm Cồn nằm phía nam hạ lưu sông Cái, ở đó có phòng khám bệnh của ông - người Âu đầu tiên hành nghề y ở vùng đất này. Ông nhận tiền người giàu, miễn phí bệnh nhân nghèo và mở các cuộc thám du từ vùng biển đến miền núi.

Ở đâu Yersin cũng nhân ái với người nghèo; ông học ngôn ngữ và tìm hiểu tập tục người Việt. Nhiều đêm Yersin khao khát tìm đường bộ Nha Trang - Sài Gòn. Từ Sài Gòn ông đi ngựa ra Phan Rí, thuê người dẫn đường lên Di Linh nhưng không đi được nữa nên xuống Phan Thiết, lên thuyền về Nha Trang. Dẫu vậy ông vẫn quyết chí khám phá tiềm ẩn của đại ngàn Trường Sơn và cuộc sống những bộ tộc thiểu số.

Chuyến thám hiểm đầu tiên Yersin cùng 6 người khởi hành bằng ngựa và voi từ ngày 23/9/1892 để tìm kiếm con đường từ Nha Trang băng qua dãy Trường Sơn đến Mê Kông. Từ Nha Trang, đoàn thám hiểm ra Ninh Hòa, xuyên rừng, vượt dốc cao, suối sâu 3 tháng mới đến Stungtreng - Campuchia.

Tại đó, họ bán ngựa và voi, lên thuyền gỗ xuôi dòng Mê Kông về Phnôm Pênh rồi ra đảo Phú Quốc trước khi về cảng Sài Gòn. Những tấm bản đồ vẽ lại trong cuộc thám hiểm được Yersin mang về Pháp đối chiếu những ghi nhận của Cupet - người phụ trách Phái đoàn Auguste Pavie thám hiểm Đông Dương. Lúc này, Yersin lưu lại Pháp ba tháng học hỏi kiến thức địa lý ở Đài thiên văn Montsouris để tiếp tục thám hiểm bằng sự trợ giúp kinh phí do Pasteur vận động từ một hãng đường biển.

Theo ủy thác của Jean Marie de Lanessan - Toàn quyền Đông Dương, tháng 6/1893, Yersin dẫn đoàn thám hiểm con đường Sài Gòn - Di Linh để tìm hiểu đời sống dân tộc thiểu số, tài nguyên và tiềm năng đất đai. Trong chuyến đi này, Yersin khám phá vùng đất lý tưởng Lang Biang ở độ cao 1.500m so với mặt biển, để đến năm 1899 Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer xây dựng khu nghỉ dưỡng dành cho người Âu và sau này nơi đó trở thành Đà Lạt.

Trong bài "Khám phá cao nguyên Đà Lạt" trên báo Đông Dương năm 1942, Yersin cảm nhận: "Ngày 21/6/1893: Tôi xúc động sâu sắc khi vượt khỏi rừng thông đã đối diện một cao nguyên mênh mông, nhấp nhô, hoang vu, không cây cối, có dáng hình một vùng biển xao động mãnh liệt bởi một loạt sóng nhấp nhô màu xanh. Dãy núi Lang Biang đứng sừng sững phía chân trời Tây Bắc của cao nguyên làm cho phong cảnh tăng thêm vẻ hùng vĩ".

Chuyến thám hiểm thứ ba dài ngày và đầy tham vọng nhất của Yersin cuối năm 1893. Khởi hành từ Biên Hòa lên Đà Lạt rồi sang Đăk Lăk, đoàn thám hiểm đến Attopeu - Lào mới xuôi về Đà Nẵng ngày 17/5/1894.

Giai đoạn 1890-1894, những vùng đất bên dãy Trường Sơn chưa khai khẩn, ngoài một vài bộ tộc thiểu số du canh du cư, hiếm có người khác đến đó. Thế nhưng Yersin - một thanh niên ngoại quốc chưa đến tuổi 30, bất đồng ngôn ngữ, chưa hiểu biết tập tục người dân bản địa, vẫn dấn thân vượt mọi hiểm nguy 3 tháng liền giữa rừng thiêng, nước độc và thú dữ đe dọa sinh mệnh. Giúp việc cho Yersin trong các cuộc thám hiểm có ông Nguyễn Văn Nuôi - sau này nấu bếp cho ông ở xóm Cồn - Nha Trang.

3. Cuộc thám hiểm thứ tư chưa thực hiện thì cuối tháng 5/1894 dịch hạch khởi phát phía Nam Trung Hoa và bùng phát mạnh ở Hồng Kông, khiến hàng loạt người tử vong nhưng không ai biết căn nguyên và phương pháp điều trị. Nhà cầm quyền thuộc địa Đông Dương cử Yersin đến Hồng Kông ngày 15/6/1894 khi một nửa dân số rời khỏi vùng lãnh thổ này vì 95% người bệnh dịch hạch tử vong.

Căn nhà lá, đồng thời là "phòng thí nghiệm" của Yersin ở Hồng Kông - nơi ông tìm ra vi trùng dịch hạch.
Căn nhà lá, đồng thời là "phòng thí nghiệm" của Yersin ở Hồng Kông - nơi ông tìm ra vi trùng dịch hạch.

Lúc đó Kitasato - Giáo sư sinh học người Nhật đã đến Hồng Kông mở phòng thí nghiệm trong Bệnh viện Kennedy Town, trong khi Yersin dựng phòng thí nghiệm "độc nhất vô nhị" bằng nhà lá, thiếu nhiều dụng cụ kỹ thuật. Phát hiện Giáo sư Kitasato chỉ xét nghiệm máu, khảo cứu tử thi, nhưng không xem xét hạch bệnh, Yersin tìm cách vào nhà xác lấy hạch tử thi đặt dưới kính hiển vi và đã tìm ra vi trùng dịch hạch sau 5 ngày đến Hồng Kông.

Từ nghiên cứu nêu trên và kết quả hỗ trợ xét nghiệm kiểm tra ở Viện Pasteur Paris, Yersin nhận định, vi khuẩn dịch hạch tồn tại trong đất, vật nhiễm bệnh trước tiên là chuột rồi gây bùng phát dịch khi có điều kiện.

Sau nhiều cuộc tranh luận về người tìm ra trực khuẩn gây bệnh dịch hạch, giới khoa học thừa nhận Yersin công bố kết quả khám phá ngày 20/6/1894. Ông cũng là người đầu tiên chứng minh trực khuẩn ở chuột và người bệnh là một, để lý giải phương thức truyền bệnh. Khám phá của ông được Viện Hàn lâm khoa học Pháp đề cập trong bài báo "Bệnh dịch hạch ở Hồng Kông" (La Peste Bubonnique de Hong Kong) của Émile Duclaux.

Trở lại Viện Pasteur Paris năm 1895, Yersin tiếp tục nghiên cứu điều trị dịch hạch dựa trên nguyên tắc vi trùng học của Pasteur, đồng thời phối hợp Émile Roux, Albert Calmette và Armand Borel điều chế huyết thanh đặc hiệu chống dịch hạch.

Bằng những vấn đề có tính nguyên tắc đã được khẳng định từ công trình nghiên cứu trực khuẩn gây bệnh ở Hồng Kông và kết quả điều chế huyết thanh tại Viện Pasteur Paris, Yersin có ý tưởng lập phòng thí nghiệm thứ hai tại Đông Dương để điều chế huyết thanh bằng phương pháp gây miễn dịch cho ngựa, mà nơi ông lựa chọn là Nha Trang - vùng đất ông mến yêu sâu sắc.

27 năm sau ngày Yersin về cõi vĩnh hằng, tại Hội nghị sinh vật học thế giới lần thứ 10 năm 1970, các nhà khoa học đã cho vi khuẩn dịch hạch mang tên người khám phá ra nó: "Yersinia Pests".

Chị Nguyễn Thị Lan - nguyên Giám đốc Trung tâm sinh học lâm sàng thuộc Viện Pasteur Nha Trang chia sẻ: "Không có những người như Yersin thì những năm cuối thế kỷ 19 trở về sau nhân loại còn phải đối mặt với những cái chết vì dịch hạch. Thế hệ hậu sinh đã và đang kế thừa nghiên cứu vệ sinh, dịch tễ, phòng chống dịch bệnh… tại cơ sở khoa học do ông sáng lập; luôn tưởng nhớ, cảm phục tài năng, trí tuệ và lòng nhân ái của Yersin".

GS.TS khoa học Nguyễn Thị Thế Trâm, Chủ tịch Hội ái mộ Yersin - nguyên Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, nói rằng: "Ông xứng đáng vinh danh công dân danh dự của Việt Nam".

Cập nhật: 14/03/2018 Theo ANTG
  • 1.489