Người phụ nữ tình nguyện bào vụn thi thể mình thành 27.000 lát để số hóa và giảng dạy y học

  •  
  • 3.113

Khi tiến sĩ Spitzer nhìn Susan "hồi sinh" trên một màn hình theo từng lát cắt số hóa, ông nói mình nhìn thấy tận cùng từng nỗi đau mà bà phải chịu đựng.

*Bài viết chứa một số hình ảnh ghê rợn, độc giả nên cân nhắc trước khi xem.

Hiến tặng nội tạng, thậm chí toàn bộ cơ thể sau khi chết, bây giờ không còn là điều kỳ lạ. Nhưng câu chuyện hiến xác của bà Susan Potter, một người phụ nữ Hoa Kỳ mất 3 năm về trước, có lẽ là duy nhất và có một không hai ở thời điểm hiện tại.

Susan Potter 87 tuổi, khi mất năm 2015 vì bệnh viêm phổi. Trước đó 15 năm, bà đã quyết định đăng ký hiến xác mình cho Visible Human, một dự án số hóa thi thể của Đại học Colorado.

Susan Potter - người phụ nữ hiến mình cho y học.
Susan Potter - người phụ nữ hiến mình cho y học.

Susan Potter biết số hóa thi thể nghĩa là gì. Để làm được điều đó, các nhà khoa học sẽ phải tiến hành đông lạnh thi thể bà. Sau đó, họ cắt nó thành 4 khúc rồi bào vụn từng khúc một.

Quang cảnh giống như trong một xưởng mộc, một lưỡi mài hạ dần xuống mảnh thi thể và gọt dần những lát cắt dày chỉ bằng sợi tóc. Từ đầu cho tới gót chân, tổng cộng hơn 27.000 lát mài như vậy.

Sau mỗi lần mài, các nhà khoa học sẽ xử lý lát cắt cẩn thận rồi chụp ảnh lại nó. Hàng chục ngàn tấm ảnh sau đó được sắp thẳng hàng trên máy tính và số hóa thành một ảnh chụp 3D cắt lớp phục vụ giảng dạy y khoa.

Một tiêu bản còn lại sau khi nửa hộp sọ của bà Susan đã được mài đi.
Một tiêu bản còn lại sau khi nửa hộp sọ của bà Susan đã được mài đi.

Những mảnh bào thi thể của bà Susan Potter đã được thu gom cẩn thận và hỏa táng. Các nhà khoa học sẽ tiếp tục làm việc với những tấm ảnh chụp để tái tạo lại toàn bộ hệ thống khung xương, mạch máu, dây thần kinh cùng từng mô và cơ quan cho bà Susan Potter.

Cuối năm 2018, công việc số hóa phần thân trên thi thể bà Susan Potter đã hoàn tất. Để tri ân điều tuyệt vời mà bà đã cống hiến cho y học, National Geographic đã thực hiện một ấn phẩm đặc biệt dự định sẽ xuất bản vào đầu tháng 1 năm 2019 tới, và một bộ phim tài liệu kể về hành trình 15 năm cuối đời của Susan Potter:


Susan Potter, người phụ nữ hiến mình cho y học.

Trong 15 năm chờ đợi cái chết của mình, Susan đã ghi lại mọi thứ trong cuộc đời của bà: từ lối sống, cảm xúc và những nỗi đau đớn mà bà phải chịu đựng. Những ghi chép tỉ mỉ này sẽ giúp cho nhiều thế hệ sinh viên y khoa sau này hiểu được người phụ nữ đằng sau hồ sơ y tế mà họ đang được học.

Cũng khoảng thời gian đó, Susan đã yêu cầu được nhìn thấy chiếc cưa sẽ cắt thi thể bà, tủ lạnh nơi bà được cất giữ và cả những hóa chất polyvinyl alcohol sẽ được đổ lên thi thể trước khi nó bị bào nát.

Bà ấy mong khi thi thể mình bị cắt, sẽ có những đóa hoa bao quanh và "được nghe" những âm thanh từ một bài nhạc cổ điển. Tiến sĩ Vic Spitzer và các sinh viên gắn bó với Susan đã giúp bà toại nguyện.

Bộ phim và ấn phẩm của National Geographic sẽ tiết lộ những gì phía sau cuộc hành trình 15 năm và sẽ còn kéo dài hơn nữa, những cảm xúc khó khăn của người tham gia, những mối quan hệ đằng sau một kỳ tích khoa học giữ cho một người phụ nữ trở thành bất tử.

15 năm cuộc hành trình biến một người phụ nữ thành bất tử

Susan lớn lên ở Đức trong thời kỳ Quốc Xã. Bà sớm bị cả cha và mẹ bỏ lại khi họ di cư đến Mỹ. Trả lời phỏng vấn của National Geographic, Susan nói bà không bao giờ tha thứ cho cha mẹ mình. Ông bà là những người đã chăm sóc cho Susan cho đến khi họ lìa đời, Susan sau đó phải vào sống trong cô nhi viện.

Khi Thế chiến thứ hai kết thúc, Susan chọn con đường di cư đến New York. Cha mẹ bà khi đó đã li hôn và không ai còn nhớ đến bà nữa. Susan gặp một người đàn ông tên là Harry Potter và kết hôn với ông vào năm 1956, họ có hai con gái.

Cả gia đình nhà Potter chuyển đến Colorado khi Harry nghỉ hưu. Không rõ chuyện gì đã xảy ra với Harry cũng như Susan, nhưng sau này bà trở nên xa cách với các cô con gái của mình. Đến năm 2000 khi 73 tuổi, bà chỉ còn sống đơn độc một mình.

Ở tuổi ngoài 70, Susan đã phải chịu đựng rất nhiều đau đớn về thể xác. Bà bị tiểu đường, ung thư da, phải cắt bỏ cả hai bên ngực vì ung thư vú, đó là chưa kể đến nhiều trong số cả thảy 26 cuộc phẫu thuật lớn nhỏ bao gồm một lần phải chèn xương hông nhân tạo bằng titan.

Năm 2000, Susan nghĩ rằng mình chỉ còn sống thêm được 1 năm nữa. Bà đọc được một bài viết về Visible Human, Dự án mô phỏng con người của Đại học Colorado.

Được tài trợ bởi Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, nhóm nghiên cứu đã ướp xác và đông lạnh thi thể của một người đàn ông (một tử tù 39 tuổi, Joseph Paul Jernigan, vào năm 1993) và một phụ nữ (một người 59 tuổi mắc bệnh bệnh tim ở Maryland năm 1994), sau đó, họ cắt các thi thể này và số hóa để phục vụ mục đích giảng dạy cho sinh viên y khoa.

Bà Susan (tên khai sinh ở Đức là Susan Christina Witschel) muốn trở thành người thứ ba – nhưng là người còn sống đầu tiên tình nguyện hiến cơ thể để trở thành một "xác chết bất tử".

Tiến sĩ Spitzer kiểm tra thi thể đông lạnh của bà Susan.
Tiến sĩ Spitzer kiểm tra thi thể đông lạnh của bà Susan.

Lúc đầu, giám đốc nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Vic Spitzer đã từ chối Susan vì cơ thể bà không hoàn hảo cho dự án. Ông chỉ muốn mô phỏng những cơ thể của người bình thường khỏe mạnh, vì đó là tiêu chuẩn để giảng dạy giải phẫu học.

Nhưng cuối cùng, bà Susan đã thuyết phục được tiến sĩ Spitzer. Ông ra điều kiện rằng nếu bà cho phép National Geographic quay phim về cuộc đời mình, ông sẽ giữ lời hứa sẽ mô phỏng thi thể cho bà.

Susan đồng ý, nhưng cả 2 không ngờ rằng dự án ban đầu chỉ định tiến hành trong 1 năm đã kéo dài thành 15 năm. Susan trở thành một trong những bệnh nhân sống lâu nhất với một tiểu sử y tế phức tạp bao gồm cả 2 bệnh ung thư.

"Tôi có một động lực khác để thực hiện dự án này, không chỉ là việc mô phỏng cơ thể và những bệnh tật mà bà ấy phải chịu đựng", tiến sĩ Spitzer nói. Ý tưởng của ông là kết hợp những dữ liệu giải phẫu học và những thước phim về cuộc đời Susan, để gây ấn tượng và truyền niềm cảm hứng cho sinh viên y khoa.

"Đó không chỉ là học giải phẫu và sinh lý, đó là việc tìm hiểu về toàn bộ một con người", ông nói.

Như khi sinh thời, Susan vẫn thường trăn trở về chất lượng giảng dạy y khoa và muốn truyền thêm lòng trắc ẩn cho các bác sĩ từng chăm sóc cho bà và cả các sinh viên y sau này trở thành những bác sĩ tương lai.

"Bà ấy là một người phụ nữ sắc sảo, có lòng tự ái cao, đôi khi rất khắt khe nhưng cũng hào phóng và chu đáo", tác giả Cathy Newman viết trong ấn phẩm của National Geographic. Susan thích gặp gỡ với sinh viên y khoa, để giảng dạy cho họ về nhu cầu của lòng trắc ẩn.

Mặc dù có tính cách khắt khe và đòi hỏi cao, bà ấy đã được các sinh viên y khoa hết sức yêu mến. Họ thậm chí thành lập hẳn một câu lạc bộ gọi là "Team Susan" để hỗ trợ bà và dự án.

Susan rất được các sinh viên y khoa yêu mến, họ cho biết mình được truyền cảm hứng từ hi sinh của bà
Susan rất được các sinh viên y khoa yêu mến, họ cho biết mình được truyền cảm hứng từ hi sinh của bà.

Ngày 16 tháng 2 năm 2015, Susan Potter trút hơi thở cuối cùng tại Viện dưỡng lão Denver vì bệnh viêm phổi, để lại một thi thể dài 1m55 từ đầu tới gót chân, 25,4cm từ lưng tới trước và 48,3cm từ khuỷu tay tới khuỷu tay.

Tiến sĩ Spitzer đã tiếp nhận thi thể, phủ polyvinyl alcohol và đông lạnh nó ở nhiệt độ -26oC. Suốt 2 năm sau đó, Dự án Visible Human gặp một số trục trặc về tài trợ. Ông và các sinh viên đã bỏ tiền túi và lập một quỹ quyên góp để có kinh phí hoàn thành lời hứa của mình với bà Susan.

Năm 2017, 2 năm sau khi thi thể Susan được đông lạnh, trong phòng thí nghiệm của mình, Tiến sĩ Spitzer cùng một trợ lý đã dùng một chiếc cưa lớn 2 người kéo để cắt thi thể đông lạnh của Susan thành 4 mảnh, khởi động giai đoạn đầu tiên trong tiến trình hồi sinh bà thành một cơ thể kỹ thuật số trên màn hình máy tính.

Tất cả hơn 27.000 lát cắt đã được thực hiện trong 60 ngày. Họ đã mất thêm hơn 1 năm để dùng kỹ thuật máy tính mô phỏng phần đầu và thân trên của Susan để giảng dạy cho các sinh viên y khoa.

"Đến khi nào mà một thi thể đứng dậy được và đi mất, chúng tôi sẽ hoàn thành nhiệm vụ của mình", tiến sĩ Spitzer nói.
"Đến khi nào mà một thi thể đứng dậy được và đi mất, chúng tôi sẽ hoàn thành nhiệm vụ của mình", tiến sĩ Spitzer nói.

Bây giờ khi tiến sĩ Spitzer nhìn Susan "sống" trên một màn hình theo từng lát số hóa, ông nói mình nhìn thấy tận cùng từng nỗi đau của bà: từ các động mạch bị xoắn lại tra tấn cơ thể, các ốc vít thép dùng để cố định cột sống cổ bà ấy bị gãy, một quả thận bị biến dạng kỳ lạ và các khớp bị thoái hóa và tổn thương do tuổi già.

Nhưng ông còn muốn hồi sinh Susan một cách sống động hơn thế nữa, để bà thậm chí có thể tương tác với các sinh viên từ cõi chết, tiến sĩ Spitzer nói đó là một nỗ lực lâu dài. "Tôi mong bà ấy nói chuyện được với bạn như Siri", ông nói. "Mục đích cuối cùng, chúng tôi muốn một cơ thể ảo hoạt động giống như nó từng hoạt động, phản ứng được với thế giới bên ngoài".

Dự án Visible Human còn mở ra rất nhiều tham vọng cho tiến sĩ Spitzer, ông nói rằng mình sẽ còn mô phỏng hàng trăm thi thể khác nữa. Trong một buổi giảng dạy, một sinh viên đã hỏi: "Khi nào thì thầy muốn dừng lại?"

"Không bao giờ", ông ấy trả lời. "Đến khi nào mà một thi thể đứng dậy được và đi mất, chúng tôi sẽ hoàn thành nhiệm vụ của mình".

Cập nhật: 03/01/2019 Theo cafebiz
  • 3.113