Người tiền sử từng sống ở sa mạc Sahara

  •  
  • 1.438

Người tiền sử đã từng lang thang qua sa mạc lớn nhất thế giới - sa mạc Sahara - trong khoảng 5.000 năm, các nhà khảo cổ phát hiện.

Phần phía đông Sahara có diện tích tương đương khu vực Tây Âu

Phần phía đông Sahara có diện tích tương đương khu vực Tây Âu (Ảnh: BBC)

Phần phía đông Sahara của Ai Cập, Sudan, Libya và Chad đã từng là nơi sinh sống của dân du mục - những người đi theo các cơn mưa từ sa mạc này cho đến đồng cỏ. Sau khi nơi này trở nên khô cằn cách đây 7.000 năm, đã có một cuộc di cư khổng lồ xuống sông Nile và các khu vực khác của châu Phi.

Trên tờ Khoa học, các nhà khoa học nói mối liên quan giữa khí hậu và việc định cư của con người ngày xưa là bài học cho ngày nay.

“Các cuộc xung đột hiện nay như tại Dafur do sự suy giảm của môi trường đã từng diễn ra trong quá khứ”, tiến sĩ Stefan Kropelin tại Trường ĐH Cologne, Đức nói. “Cuộc đấu tranh vì thức ăn, nước uống và đồng cỏ vẫn là 1 vấn đề lớn tại khu vực Sahara hiện nay. Quá trình này đã bắt đầu từ hàng ngàn năm trước và có truyền thống lâu đời”.

Phía đông Sahara - với diện tích hơn 2 triệu km2, tương đương khu vực Tây Âu và hiện là khu vực gần như không có người hay thú - đã cung cấp cho các nhà khảo cổ một cái nhìn về quá khứ.

Tiến sĩ Kropelin và đồng nghiệp là tiến sĩ Rudolph Kuper đã thu thập mẫu vật có niên đại 10.000 năm của người cổ xưa, nghiên cứu hơn 100 địa điểm khảo cổ trong hơn 30 năm (đây được xem là cuộc nghiên cứu lớn nhất về vấn đề này) và đã phát hiện Sahara từng là khu vực ẩm ướt có người sinh sống.

Khoảng 13.000-14.000 năm trước, Sahara rất khô nóng. Nhưng sự thay đổi mạnh mẽ của môi trường cách nay 10.500 năm đã đem mưa và khí hậu tương tự gió mùa đến đây. Người tiền sử từ miền nam bắt đầu di cư xuống và sống gần các sông, hồ. Họ cùng săn bắt, sinh hoạt và chơi đùa với nhau.

Khi Sahara đột ngột khô hanh, người tiền sử dần dần di cư xuống thung lũng Nile và các nơi khác. Theo Kuper, sự phân chia nhóm người và ngôn ngữ sau này có nguồn gốc từ tình trạng khô cằn của Sahara. “Sự thay đổi của môi trường là động cơ của quá trình tiến hóa ở châu Phi”, ông nói.

T.VY

Theo BBC, Tuổi trẻ
  • 1.438